Bước ngoặt bất thường trong thái độ của NATO đối với Trung Quốc: Khả năng cao là vì Nga?

Lập trường của NATO đối với Trung Quốc đã có thay đổi đáng kể so với 1 năm trước.

Thái độ của NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào thiết bị quân sự hiện đại mới và mong muốn kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu đã buộc NATO phải phát triển lập trường vững chắc hơn.

Tuyên bố cứng rắn này trái ngược với bình luận của chính ông Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels năm ngoái. Thời điểm này, ông nói rằng mặc dù việc xây dựng quân đội và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đặt ra một số thách thức đối với an ninh của liên minh, thì vẫn còn cơ hội để cải thiện vấn đề với Bắc Kinh, đặc biệt là thông qua "các vấn đề như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí".

Các thành viên NATO khác hồi năm ngoái cũng có cách tiếp cận ôn hòa hơn, cho rằng không cần thiết phải tập trung vào Trung Quốc.

"NATO là một tổ chức liên quan đến Bắc Đại Tây Dương, Trung Quốc không liên quan nhiều lắm đến Bắc Đại Tây Dương", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh.

"Vì vậy, chúng ta không cần phân tán sự chú ý và không quá tập trung vào mối quan hệ của NATO với Trung Quốc."

Những quan điểm đó đã được nhắc lại trong năm nay bởi các nhà ngoại giao từ Litva và Bồ Đào Nha, những người vẫn còn e ngại về việc tập trung vào Trung Quốc - vì NATO không có chung biên giới nào với nước này, không giống như với Nga.

"Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO và không nên được coi là đối thủ", người đứng đầu các vấn đề châu Âu của Trung Quốc, Wang Lutong, khẳng định trước hội nghị thượng đỉnh.

"Trung Quốc không đặt ra thách thức nào... và đã mang lại cơ hội kinh tế cho thế giới, bao gồm cho cả các thành viên NATO", ông Wang viết trên Twitter.

Ramon Pacheco Pardo, giáo sư quan hệ quốc tế và đặc phái viên khu vực Đông và Đông Nam Á tại Đại học King’s College London, cho biết việc Trung Quốc không lên án Nga là mối đe dọa chính đối với các quốc gia NATO.

Phát biểu tại diễn đàn thị trường mới nổi BRICS trực tuyến hôm 23/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ đối với Nga và lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Điện Kremlin.

"Tôi nghĩ rằng cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga nếu cần thiết khi nói đến internet, và nước này cũng sẽ hỗ trợ Nga trong việc chuyển giao vũ khí", ông Pardo lưu ý. "Vì vậy, các thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa."

Thay đổi chiến lược

Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và nhu cầu giải quyết các thách thức an ninh do nước này gây ra lần đầu tiên được NATO công nhận trong một tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh London năm 2019.

Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về châu Âu và NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama, dự báo rằng các thành viên NATO sẽ phát triển một cách tiếp cận thực tế hơn đối với Trung Quốc so với cách họ đã làm một hoặc hai năm trước.

"Trong một thời gian dài, các quốc gia châu Âu không nhất thiết phải nhìn vào Trung Quốc và Ấn Độ - Thái Bình Dương theo cách giống như Mỹ. Tuy nhiên, bây giờ đã có một ngã rẽ rất khác, đặc biệt là với việc Trung Quốc ủng hộ Nga theo cách của họ," ông Townsend nói.

"Điều này đã khiến châu Âu nhận ra rằng những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Trung Quốc, cũng tác động đến họ."

"Nhưng những gì NATO sẽ làm với tư cách là một liên minh và những gì các quốc gia làm riêng đối với Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vẫn chưa được xác định và có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh", ông Townsend nói.

Joris Teer, nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược La Hay cũng có quan điểm tương tự. Ông lưu ý rằng sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ và mất tinh thần trước sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Moscow cũng sẽ khiến các quốc gia Liên minh châu Âu cởi mở hơn với các đề xuất chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

21 trong số 30 quốc gia NATO cũng là thành viên của liên minh EU.

Ngoài Trung Quốc, các cuộc thảo luận về an ninh châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh, với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tham dự với tư cách là các quốc gia "đối tác".

Đặc biệt, Hàn Quốc "muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh này để thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên", cố vấn an ninh quốc gia Kim Sung-han cho biết vào đầu tháng này.

"Điều đó quan trọng đối với Hàn Quốc," giáo sư Pardo tại King’s College nói, "bởi vì nó cho thấy rằng có những quốc gia khác ở châu Âu và Mỹ cũng coi Triều Tiên là một mối đe dọa."

"Điều này có thể dẫn đến sự hợp tác thiết thực, đặc biệt là về an ninh mạng và chia sẻ thông tin, giữa NATO và Châu Á-Thái Bình Dương."

Townsend tin rằng sự hiện diện của 4 quốc gia đối tác lớn sẽ giúp NATO hỗ trợ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tốt hơn.

"Các quốc gia này có mối quan tâm và NATO muốn biết về những lo ngại đó", ông nói.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/buoc-ngoat-bat-thuong-trong-thai-do-cua-nato-doi-voi-trung-quoc-kha-nang-cao-la-vi-nga-82022266112127314.htm