Bước mở chuyển đổi số trong nghệ thuật

NFT (Non-Fungible Token - tài sản không thể thay thế) là xu hướng được nhắc đến khá nhiều thời gian qua. Đây là hình thức đầu tư nghệ thuật phổ biến trên thế giới, các tác phẩm thực tế được số hóa thành bản kỹ thuật số, có tính độc bản tồn tại cùng độc bản ngoài đời thực. Nói dễ hiểu, NFT chính là công nghệ lõi, bao bọc bên ngoài lớp lõi đó là những hình ảnh, âm thanh, video, tác phẩm nghệ thuật...

NFT được các ngôi sao thế giới áp dụng với sản phẩm âm nhạc. Ở thị trường nhạc Việt, đã có một số nghệ sĩ đầu tiên tham gia vào việc giao thoa công nghệ và lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, giải trí, lan tỏa đến cộng đồng. Mới đây, từ tháng 4, Nguyễn Văn Chung trở thành nhạc sĩ đầu tiên góp mặt trong việc số hóa tài sản sáng tạo của mình, gây ấn tượng trước giới đầu tư NFT bằng việc ký kết hợp tác với NFT5.

Fanpage của ca sĩ Sơn Tùng M-TP tối 12-5 cũng bất ngờ đưa ra thông báo nam ca sĩ sẽ trở thành đối tác của Radio Caca - công ty quản lý các sản phẩm như Maye Musk Mystery Box (MPB) - dự án của bà Maye Musk (mẹ tỷ phú Elon Musk). Ngoài ra, Radio Caca còn là dự án tài chính phi tập trung chuyên phát hành các NFT. Trước đó, vào tháng 3, rapper Binz tung bộ sưu tập Tuniver NFT Don’t break my heart phát hành trên sàn giao dịch NFT Binance. Đây là bộ sưu tập NFT âm nhạc đầu tiên của nghệ sĩ Việt với 4 định dạng Platinum, Gold, Silver, Bronze. Được mã hóa nhờ công nghệ blockchain và hợp đồng kỹ thuật số của nền tảng Tuniver, mỗi định dạng tương ứng tỷ lệ chia sẻ doanh thu bản quyền nhạc số nhất định ca khúc cùng những đặc quyền riêng khác nhau dành cho người hâm mộ.

Việc phát hành các sản phẩm NFT cho thấy các nhạc sĩ, ca sĩ… trong nước đang cởi mở, tìm cách bắt kịp xu hướng công nghệ cho sản phẩm nghệ thuật của mình. NFT giúp nghệ sĩ gắn kết với người hâm mộ, mở ra cơ hội giao lưu và đặc biệt kết nối với thế hệ khán giả trẻ gen Z và sau gen Z. Với NFT, thế giới là mở, công bằng, công khai. Mọi giao dịch cả thế giới đều biết chứ ko phải chỉ cá nhân nghệ sĩ và người mua. Tuy nhiên, phải nói thêm, hiện nay NFT là hình thức đầu tư khá mới, chưa thân thiện với người dùng, còn nhiều thử thách, hạn chế tính trải nghiệm tại thị trường Việt nên việc mua bán sở hữu các sản phẩm âm nhạc, các thao tác sẽ hơi phức tạp với người dùng mới. Chưa kể, các tài sản NFT được định giá dựa trên… niềm tin khiến một số người hoài nghi và cho rằng NFT có thể rơi vào “vùng trắng” pháp lý.

Để chuyển đổi số, âm nhạc hay lĩnh vực nào của văn hóa nghệ thuật cũng gặp nhiều thử thách, có thể có lỗ hổng khi vận hành. Điều này đòi hỏi tư duy nghệ sĩ, cách khán giả đầu tư. Người đầu tư NFT có thể vì giá trị nghệ thuật hay vì sự bảo chứng công nghệ cho tác phẩm. Nghĩ tích cực, NFT là công nghệ minh bạch hóa thương hiệu làm ra câu chuyện, tác phẩm nghệ thuật. Nền tảng này vừa bảo vệ nghệ sĩ trong việc kinh doanh âm nhạc, bán vé, các vật phẩm liên quan sản phẩm âm nhạc, vừa bảo vệ người dùng vì sẽ biết được giao dịch chuẩn của nghệ sĩ, đơn vị phát hành.

NFT là cổng để người hâm mộ, người mua có được định danh không thể thay thế, thế nên cần xác định mua để làm gì, sở hữu hay đầu cơ? Đừng mua vì nghĩ giá trị sẽ tăng lên mà phải hiểu giá trị tác phẩm và giá trị này đến từ niềm tin từ những người chơi, hội chơi NFT. Nên xem NFT là công nghệ ứng dụng, thay vì chỉ là một sản phẩm đầu tư kiếm lời.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//buoc-mo-chuyen-doi-so-trong-nghe-thuat-815497.html