Bước lùi trong quan hệ Nga - Ucraina

Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ucraina chấm dứt hiệu lực từ ngày 1-4. Đây được xem là bước lùi trong quan hệ vốn 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' giữa Moscow và Kiev, khiến triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước càng trở nên mong manh.

Nga là đối tác thương mại quan trọng của Ucraina. Ảnh THỜI BÁO NEW YORK

Nga là đối tác thương mại quan trọng của Ucraina. Ảnh THỜI BÁO NEW YORK

Bộ trưởng Ngoại giao Ucraina P.Klimkin mới đây thông báo, Kiev nhận được công hàm ngoại giao từ Moscow, trong đó xác nhận Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa hai nước hết hiệu lực từ ngày 1-4. Ðây là câu trả lời của Nga đối với quyết định của Ucraina về việc hủy bỏ hiệp ước này. Trước đó, ông P.Klimkin cũng cho biết, gần 50 thỏa thuận giữa nước này và Nga đã bị hủy bỏ. Ngoài ra, Kiev đang cân nhắc hủy thêm khoảng 50 thỏa thuận nữa giữa hai nước.

Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ucraina chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-1999 và được tự động gia hạn sau 10 năm nếu hai bên không phản đối. Văn kiện này bao gồm nguyên tắc hợp tác chiến lược, các tuyên bố về bất khả xâm phạm đường biên giới hiện có, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, cũng như nghĩa vụ tương ứng của hai bên trong việc kiềm chế sử dụng lãnh thổ của mình để gây tổn hại an ninh của đối phương. Kiev đã chính thức thông báo với Moscow về ý định rút khỏi hiệp ước này hồi tháng 9-2018. Ba tháng sau đó, Tổng thống Ucraina P.Poroshenko ký ban hành một đạo luật cho phép hủy bỏ hiệp ước, với tuyên bố đó là "một phần trong chiến lược tái định hướng của Ucraina về phía châu Âu".

Những bước đi quyết liệt nêu trên của Kiev trong việc đẩy Nga ra xa, được cho là nhằm đưa Ucraina sớm gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Hội nhập châu Âu là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ucraina. Tổng thống Ucraina P.Poroshenko khẳng định, nước này cần gia nhập EU và NATO để tự bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Ucraina rút khỏi hiệp ước nêu trên không phải là cơ sở để EU và NATO xem xét việc kết nạp nước này. Ðể trở thành thành viên của NATO, Ucraina phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có điều kiện không có xung đột trong nước. Bên cạnh đó, con đường đến với "ngôi nhà chung" EU cũng không hề dễ dàng. Bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập liên minh này đều phải trải qua quá trình đàm phán phức tạp kéo dài nhiều năm, về hàng chục vấn đề như kinh tế, năng lượng, pháp quyền, tham nhũng, nhân quyền... với những yêu cầu thay đổi hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách trong nước. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Ucraina P.Klimkin cũng thừa nhận, Kiev chưa sẵn sàng gia nhập NATO và EU trong vòng 5 năm tới, do tình hình trong nước còn nhiều bất ổn.

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định rút khỏi Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác với Nga của chính quyền Kiev còn liên quan cuộc bầu cử Tổng thống Ucraina sắp tới. Theo đó, Tổng thống Ucraina P.Poroshenko đang hành động cứng rắn với Nga nhằm củng cố uy tín với cử tri trước thềm cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác có ý nghĩa nền tảng trong quan hệ song phương, nếu bị chấm dứt thì phía Ucraina sẽ chịu nhiều thiệt hại, trong đó phải kể đến lĩnh vực kinh tế. Mặc dù những năm qua, quan hệ hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng nhưng Nga vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Ucraina. Cơ quan Thống kê Nhà nước Ucraina cho biết, thị trường Nga là điểm đến chính của hàng hóa Ucraina. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Ucraina sang Nga đạt 3,7 tỷ USD, tăng 7,1% so năm trước. Nga cũng cung cấp nhiều mặt hàng quan trọng cho Ucraina, trong đó có than đá.

Thủ tướng Nga D.Medvedev khẳng định, Moscow muốn cải thiện quan hệ với Ucraina, song để làm được điều đó, hai nước cần có những bước đi hướng về phía nhau. Những động thái mới đây của Ucraina đã khiến triển vọng xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước càng trở nên mong manh. Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ucraina bị phá vỡ đồng nghĩa việc hai nước sẽ mất đi một công cụ hữu hiệu để giải quyết những căng thẳng song phương, trong đó có các vấn đề liên quan biên giới, lãnh thổ... Ðiều này ẩn chứa những nguy cơ khó lường, nhất là trong trường hợp căng thẳng leo thang thành xung đột.

HIẾU THIỆN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39771302-buoc-lui-trong-quan-he-nga-ucraina.html