Buộc học sinh không viết, vẽ lên sách giáo khoa và giáo viên chịu trách nhiệm là phi lý

Việc bắt buộc các em không viết, vẽ lên SGK đồng thời yêu cầu giáo viên chịu trách nhiệm về vấn đề sử dụng SGK của học trò là phi lí khi có hàng triệu học sinh.

Cô Phạm Thúy Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú (Hà Nội)

Ý kiến trái chiều từ giáo viên

Trước những phản ứng của dư luận vài ngày qua, cô Phạm Thúy Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú (Hà Nội) bày tỏ, ở góc độ là giáo viên, cô hoàn toàn ủng hộ việc hướng dẫn, uốn nắn để học sinh không tiếp tục viết vào sách giáo khoa, sách tham khảo như hiện tại.

Theo đó, cô Ngọc cho rằng, viết vào sách cũng khiến học sinh có thể mất đi hai yếu tố quan trọng là: luyện chữ viết và cách trình bày một vấn đề.

Cô Ngọc chia sẻ: “Theo tôi, việc làm này giúp học sinh có ý thức giữ gìn sách, rèn nếp cho học sinh, góp phần hình thành nhân cách của học sinh như tiết kiệm, kiên trì, không qua loa.

Việc phải ghi chép từ SGK ra vở giúp học sinh ghi nhớ và tư duy vấn đề từ gốc, rèn cách học cho học sinh. Việc viết luôn vào sách giáo khoa và ấn phẩm tham khảo in sẵn, khiến học sinh hình thành thói quen lười tư duy, lười viết”.

Cần chỉnh sửa bản thảo nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập.

Về vấn đề phụ huynh cho rằng, sách đã được mua thì thuộc quyền sử dụng của người mua, cô Ngọc bày tỏ, hoàn toàn hiểu tâm lý này bởi đó là quyền lợi chính đáng của phụ huynh, của người đã bỏ tiền ra để sở hữu bộ sách.

Tuy nhiên, xét về các lợi ích trên cho con trẻ thì cô cho rằng con sẽ mất nhiều hơn là được nếu vẫn cho viết, vẽ lên SGK.

Nói về điều này, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ Văn tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, cho rằng, với đặc thù của sách giáo khoa tiểu học, khi có bài tập in sẵn trong sách, học sinh vẫn tận dụng làm bài tập vào sách bài tập để tiết kiệm thời gian và thời gian nhiều khi là thứ tài nguyên quan trọng và quý giá hơn cả một cuốn sách.

Ở một góc nhìn khác, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Chuyên đại học sư phạm Hà Nội, cho rằng trong quá trình học tập, để ghi nhớ và học tốt hơn, các em thường ghi chú cho mình bằng cách gạch chân dưới những từ khóa, ý chính trong sách hoặc tự vẽ sơ đồ tư duy ngay trong sách mà mình học.

Vậy nếu không cho học sinh được viết vào sách liệu có phải là phương pháp giúp các em học tập tốt hơn không?

Bắt buộc hay tự nguyện?

Việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt 35% là con số mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Điều này cho thấy có một sự lãng phí rất lớn đối với vấn đề sử dụng SGK và các ấn phẩm sách tham khảo trong các nhà trường hiện nay, mặc dù Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách.

Thế nhưng, đa số quan điểm của giáo viên và phụ huynh đều cho rằng sách là tài sản riêng và thuộc về quyền sở hữu của các em, chính vì thế các em có quyền được sử dụng theo mục đích học tập của riêng mình.

Sách giáo khoa cấp Tiểu học

Việc bắt buộc các em không viết, vẽ lên SGK đồng thời yêu cầu giáo viên chịu trách nhiệm về vấn đề sử dụng SGK của học trò là phi lí, nhất là gây khó khăn cho các giáo viên trong khâu kiểm soát và quán triệt.

Bởi vì, với hàng triệu học sinh, giáo viên không thể đảm bảo hết được hiệu quả trong công tác thực hiện kiểm tra, kiểm soát và chấn chỉnh học sinh nếu sai phạm.

Cô Ngọc cho rằng, thay vì một chỉ thị cứng nhắc, ép buộc, Bộ có thể phát động thành một phong trào trong xã hội đồng thời rà soát việc xuất bản sách theo hướng hạn chế việc viết, vẽ vào và loại bỏ dần các sách không phù hợp với chủ trương trên.

Đồng quan điểm, cô Trịnh Tuyết Thu cũng cho rằng, Bộ nên tạo ra phong trào vận động các em học sinh giữ gìn sách giáo khoa để tái sử dụng cho các lớp sau trên tinh thần tự nguyện chứ không phải là yêu cầu hay ép buộc bởi thực tế, nhiều thế hệ học trò trước đây đã tự nguyện làm rất tốt việc này.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ khâu duyệt in và phát hành sách tham khảo tràn lan hiện nay.

Trong chỉ thị 3798/CT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập.

Nên chăng, Bộ GD-ĐT, nhà xuất bản, nhà trường, phụ huynh/học sinh cần bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ để động thái này mang lại kết quả tốt đúng như mục tiêu mà Bộ đặt ra?

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/buoc-hoc-sinh-khong-viet-ve-len-sach-giao-khoa-va-giao-vien-chiu-trach-nhiem-la-phi-ly-d13291.html