Bước đột phá về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 được kỳ vọng là bước đột phá về tạo thuận lợi, mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để áp dụng các điều luật sao cho hiệu quả, DN cần lưu ý các điều khoản, hệ quả pháp lý và các rủi ro có thể phát sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà đầu tư

Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), những điểm mới của Luật Doanh nghiệp (DN) 2020 cho phép DN được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị DN.

Cụ thể, luật mới cho phép DN tự làm con dấu, trao toàn bộ quyền cho DN và bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan chức năng; đồng thời việc đăng ký kinh doanh cũng trở nên dễ dàng hơn khi có hệ thống đăng ký kinh doanh hoàn toàn qua mạng hoặc đăng ký qua dịch vụ bưu chính (trong khi luật cũ quy định dấu DN là do cơ quan công an cấp).

Luật còn hướng tới nâng cao khả năng quản trị cho DN, thông qua việc sửa đổi một số điều như trách nhiệm của người quản lý, quyền cổ đông, cho phép cổ đông được kiện người quản lý để bảo vệ quyền lợi của mình; nâng cao việc bảo vệ quyền lợi cổ đông khi cho phép cổ đông chỉ cần sở hữu 5% cổ phần là có thể triệu tập cuộc họp; hoặc đại hội cổ đông có quyền bãi nhiệm kiểm toán viên độc lập và thay kiểm toán viên khác…

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 hướng đến mục tiêu tổng thể là quản trị tốt doanh nghiệp, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Đối với Luật Đầu tư 2020, theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, một trong những sửa đổi quan trọng là bãi bỏ một số ngành nghề khác trong kinh doanh có điều kiện. Việc sửa đổi này là điểm nhấn quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn không chỉ ở luật này mà cả các luật khác liên quan đến những dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định về thủ tục đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là hai điểm nhấn quan trọng khác.

“Những thay đổi trên giúp tháo gỡ khó khăn lớn nhất mà các NĐT đang gặp phải hàng ngày. Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng được tập trung trong lần sửa luật này. Trong giai đoạn đang có biến động lớn về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới và trước sự cạnh tranh giữa các nước để thu hút đầu tư, ưu đãi sẽ là một công cụ hữu hiệu để thu hút đầu tư vào Việt Nam” - ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Những lưu ý giúp doanh nghiệp áp dụng hiệu quả

Ghi nhận tại buổi hội thảo “Điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020” vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các chuyên gia, diễn giả đều có chung nhận định: Sự am hiểu về hai luật này rất quan trọng cho NĐT và DN; bởi hiểu biết về luật, nắm rõ luật sẽ giảm thiểu rủi ro, tạo sự ổn định cho công ty và đặc biệt giúp NĐT định hướng được chiến lược phát triển dài hạn. Trong quá trình hoạt động, các vấn đề mà DN, NĐT luôn luôn phải đối mặt như quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính, mô hình hoạt động, thuế, tranh chấp hợp đồng… chính là yếu tố rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến DN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những thay đổi tích cực, Luật Đầu tư 2020 và Luật DN 2020 vẫn còn nhiều điểm chồng chéo khi áp dụng vào thực tiễn. Luật cũng chưa đề cập đến các hộ kinh doanh, tức không được hưởng các chương trình hỗ trợ, ưu đãi cho dù nhóm đối tượng này đóng góp 30% GDP. “Trong khi đó, khoảng cách thực tế giữa luật và thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện, đây là một điểm tồn tại gây khó khăn cho DN, vì thế cần cải thiện trong thời gian tới” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, DN cần được hướng dẫn và lưu ý một cách kỹ lưỡng về các điều khoản, hệ quả pháp lý và các rủi ro có thể phát sinh. Chẳng hạn như, Luật Đầu tư 2020 cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quy định danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐT nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ, nâng cao tính minh bạch trong áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đặc biệt là bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy DN hướng đến phương thức thu hồi nợ văn minh hơn qua: tòa án, trọng tài, hòa giải...

“Đối với Luật DN 2020, các DN cần lưu ý những thay đổi, cải cách về gia nhập thị trường, sửa đổi khái niệm DN nhà nước để xác định rõ loại DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà Nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp…” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-11-16/buoc-dot-pha-ve-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-95310.aspx