Bước đột phá trong thể chế, chính sách

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP (NĐ 107) thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Thưa ông, NĐ 107 vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN xuất khẩu gạo?

Nếu nhìn giai đoạn năm 2010 trở về trước, khi đó, có quá nhiều DN kinh doanh, xuất khẩu gạo. Thậm chí, cơ sở chỉ xuất khẩu 1/2 container gạo hoặc 500kg gạo cũng gọi là DN xuất khẩu gạo. Cùng với đó, tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá nông dân kéo dài trong nhiều năm liền.

Để lập lại trật tự trong ngành gạo, năm 2010, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP (NĐ 109). Nghị định này ra đời đã góp phần ổn định giá lúa gạo nội địa, không còn cảnh tranh mua, tranh bán giữa các DN. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, khi ngành lúa gạo của Việt Nam đã lớn mạnh thì vai trò của NĐ 109 cũng đã kết thúc và việc thay thế bằng NĐ 107 mới đây là điều hoàn toàn cần thiết.

Tôi cho rằng, NĐ 107 ra đời đã tạo sự thông thoáng cho DN cùng tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Với độ "mở" của NĐ 107, người nông dân, hợp tác xã hay DN chỉ cần có vùng nguyên liệu vài chục héc ta và đầu tư vào đó giống lúa thơm, lúa chất lượng cao hay một giống lúa nào đó để tạo ra một sản phẩm riêng có thể đóng bao và xuất khẩu cho các nhà bán lẻ ở các thị trường nước ngoài mà không cần giấy phép, không cần đăng ký kinh doanh. Như vậy, NĐ 107 tạo điều kiện cho người sản xuất tự xuất khẩu sản phẩm của mình khi có đầu mối tiêu thụ, tạo ra một số thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.

Với "độ mở" của NĐ 107, số lượng DN xuất khẩu gạo sẽ tăng, vậy việc này có tạo ra thách thức gì trong công tác quản lý không, thưa ông?

Việc Chính phủ nới lỏng các điều kiện kinh doanh là tốt. Và trong kinh doanh, xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường chỉ những DN nào làm ăn đàng hoàng, bài bản sẽ tồn tại, những DN "ăn xổi ở thì" sẽ bị đào thải. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều DN tham vào thị trường xuất khẩu gạo, nhưng chưa hẳn số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên. Bởi trong định hướng sản xuất lúa gạo, chủ trương của Chính phủ là giảm dần diện tích trồng lúa, tăng giá trị lúa gạo chứ không tăng sản lượng. Vì thế các DN chắc chắn phải có sự thay đổi chuyển dịch nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngoài mặt hàng gạo còn tập trung vào những phụ phẩm chế biến từ lúa gạo, tạo giá trị gia tăng cho lúa gạo.

Nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo

VFA sẽ có giải pháp gì nếu xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các DN?

NĐ 107 mở rộng, tất cả các đối tượng DN sẽ tham gia vào các phân khúc, các chủng loại gạo khác nhau, việc này sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn và là động lực cho DN tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, chinh phục nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, NĐ 107 mới có hiệu lực từ đầu tháng 10/2018 nên những tác động, mặt trái phải chờ thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi, nếu có vướng mắc xảy ra sẽ báo cáo các bộ, ngành để kịp thời điều chỉnh phù hợp, mang lại lợi ích chung cho các DN, thương hiệu gạo Việt Nam.

Dù nhiều điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được nới lỏng nhưng do tính chất của kinh doanh xuất khẩu gạo là "mua có bạn, bán có phường" nên các DN xuất khẩu gạo phải có sự liên kết để tạo thành sức mạnh cạnh tranh, cùng phát triển bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Thảo - Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buoc-dot-pha-trong-the-che-chinh-sach-111351.html