Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện 110 kV miền bắc

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cấu trúc, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh; thực hiện Nghị quyết số 485/NQ-HĐTV ngày 9-11-2018 và Văn bản số 453/EVN-HĐTV ngày 15-11-2018 của HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về phương án quản lý lưới điện 220/110 kV, vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC) đã bàn giao quản lý vận hành (QLVH) lưới điện 110 kV từ Công ty Lưới điện cao thế miền bắc (NGC) về các công ty điện lực trực thuộc.

Công nhân Công ty Lưới điện cao thế miền bắc kiểm tra thiết bị trạm biến áp 110 kV nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định.

NGC được hình thành theo Quyết định số 225/QĐ-EVN ngày 14-4-2010 của EVN về việc đổi tên Xí nghiệp Điện cao thế miền bắc thành Công ty Lưới điện cao thế miền bắc. Tiền thân của Xí nghiệp Điện cao thế miền bắc là Xưởng Lưới điện 110 kV được thành lập theo Quyết định số 2651/QĐ/EVN-ĐL1-P3 ngày 22-9-2004 của Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng công ty Điện lực miền bắc) trực thuộc Xí nghiệp Xây lắp điện. Ngày 1-10-2004, Xưởng lưới điện 110 kV trực thuộc Xí nghiệp Xây lắp điện chính thức đi vào hoạt động với biên chế 47 CBCNV, QLVH 40 km đường dây và hai trạm biến áp (TBA) 110 kV tại khu vực Hải Dương. Ngày 26-10-2005, Xí nghiệp Điện cao thế miền bắc được thành lập theo Quyết định số 609/QĐ-EVN-HĐQT của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), trực thuộc Công ty Điện lực 1. Theo đó, xí nghiệp có nhiệm vụ QLVH, sửa chữa lưới điện 110 kV khu vực các tỉnh miền bắc với 105 TBA và hơn 40 km đường dây 110 kV.

Đến nay, NGC đã QLVH lưới điện cao thế với quy mô rất lớn, trải dài trên 27 tỉnh miền bắc với hai TBA 220 kV, 242 TBA và 8.534 km đường dây 110 kV; tổng tài sản lên tới 12.714 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 6.056 tỷ đồng; với tổng số 2.755 CBCNV. Ngoài ra, công ty còn đảm nhiệm QLVH cho một số chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn quản lý. Trải qua 14 năm hình thành và QLVH lưới điện 110 kV của Tổng công ty, NGC luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổng công ty giao, QLVH lưới điện 220/110 kV an toàn, ổn định, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của EVNNPC, đó là bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và đời sống người dân các tỉnh miền bắc, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tái cấu trúc, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhằm bảo đảm kinh doanh hiệu quả, đáp ứng lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đến năm 2020 - 2022, HĐTV EVN đã họp và ban hành Nghị quyết số 485/NQ-HĐTV ngày 9-11-2018, theo đó, lưới điện 110 kV đang được quản lý tập trung tại các tổng công ty điện lực miền bắc, miền nam và miền trung thông qua các công ty lưới điện cao thế miền sẽ được giao cho các công ty điện lực trực thuộc quản lý trực tiếp. Trên tinh thần đó, vừa qua, NGC đã ký biên bản bàn giao lưới điện 110 kV cho 24 trong tổng số 27 công ty điện lực trực thuộc EVNNPC; thời điểm bàn giao có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 1-12-2018.

Để tiếp tục QLVH lưới điện 110 kV ổn định, hiệu quả, EVNNPC luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo yêu cầu các công ty điện lực khẩn trương tổ chức tiếp nhận, sắp xếp bố trí lao động hợp lý trên cơ sở bộ máy tổ chức của các chi nhánh lưới điện cao thế cũ, thắt chặt kỷ luật vận hành, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền bắc (A1), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Công ty Thí nghiệm điện, Công ty Công nghệ thông tin, bảo đảm vận hành an toàn, ổn định lưới 110 kV, không để xảy ra sự cố chủ quan. Việc bàn giao QLVH lưới điện 110 kV từ NGC về các công ty điện lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 do Tập đoàn giao.

Do đó, EVNNPC cũng đang tập trung chỉ đạo, giao các ban, đơn vị liên quan của Tổng công ty tiếp tục hướng dẫn NGC, các công ty điện lực trực thuộc, các đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty theo đúng thời hạn quy định, trong đó đặc biệt quan tâm việc làm và đời sống người lao động. Bộ phận lao động gián tiếp của NGC cần được sắp xếp, bố trí hợp lý, phù hợp nhu cầu công tác, trình độ chuyên môn, bảo đảm tất cả người lao động sau khi chuyển đổi sắp xếp tổ chức đều có việc làm và thu nhập ổn định, yên tâm công tác. Các quyền lợi của người lao động (kể cả các trường hợp cần đào tạo lại) như tiền lương, khen thưởng, bảo hiểm y tế, BHXH… phải được bảo đảm theo đúng quy định.

Việc bàn giao QLVH lưới điện 110 kV từ NGC về các công ty điện lực là một sự kiện quan trọng, là bước đột phá trong QLVH lưới điện 110 kV ở khu vực miền bắc. Điều này sẽ tạo sự thống nhất đồng bộ trong QLVH lưới điện từ cao thế đến trung thế, giảm thời gian ngừng cấp điện, xử lý sự cố; quy mô QLVH phù hợp với phân cấp của EVN và Tổng công ty; tối ưu hóa đầu tư; khắc phục hiện tượng quá tải cục bộ; phù hợp với lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, tự động điều khiển với việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa và hệ thống SCADA/EMS/DMS; góp phần tăng năng suất lao động khối sản xuất, kinh doanh điện do giảm lực lượng lao động gián tiếp tại NGC.

Tùng Lâm

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38439402-buoc-dot-pha-trong-quan-ly-van-hanh-luoi-dien-110-kv-mien-bac.html