Bước đột phá trong phát triển kinh tế ở Quảng Nam

Khi tái lập năm 1997, Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng tạm bợ, thu ngân sách một năm chưa tới 130 tỷ đồng. Ðến nay, Quảng Nam đang hướng đến một tỉnh khá cả nước; thu ngân sách Nhà nước ở địa phương hai năm gần đây đã vượt con số 20 nghìn tỷ đồng và là một trong 15 địa phương có đóng góp nguồn thu cho ngân sách T.Ư. Những thành tựu đạt được này có sự đóng góp rất lớn của Khu kinh tế mở Chu Lai và các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây…

Cảng Trường Hải (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) bảo đảm điều kiện đón tàu đến 30 nghìn tấn cập bến.

Cảng Trường Hải (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) bảo đảm điều kiện đón tàu đến 30 nghìn tấn cập bến.

Vùng cát trắng hồi sinh

Trở lại Chu Lai, huyện Núi Thành vào một ngày giữa tháng 3, đúng vào dịp Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện và 44 năm Ngày Giải phóng quê hương. Con đường từ trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam vào thị trấn Núi Thành cờ đỏ sao vàng phấp phới trong nắng xuân. Cánh đồng lúa đông xuân nơi đây đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng hứa hẹn mùa vàng bội thu. Ðiều cuốn hút với chúng tôi lần này, không chỉ có đồng lúa đang xanh tốt mà là sự chuyển mình mạnh mẽ ở vùng cát trắng này. Những năm gần đây, tại vùng đất Núi Thành đã có rất nhiều dự án, nhà máy được triển khai, xây dựng. Hàng nghìn hộ dân ở các xã Tam Hiệp, Tam Anh Nam… phải di dời nhà ở vào các khu tái định cư (TÐC) để nhường chỗ cho các nhà máy. Ðưa chúng tôi đi thăm khu TÐC vừa mới hình thành, nhiều ngôi nhà xây xong khá kiên cố, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam Nguyễn Xướng cho biết, khu TÐC Tam Anh Nam rộng gần 50 ha được xây dựng nhằm bố trí đất ở cho khoảng 600 hộ dân trong diện di dời để xây dựng Khu công nghiệp (CN) Tam Anh và các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng đường nối từ Khu CN Tam Hiệp lên tuyến cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn bộc bạch, từ khi Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai thành lập đến nay, huyện Núi Thành đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; các thế hệ cha ông trước đây chỉ biết làm ruộng và đi biển, nay con cháu họ đã trở thành công nhân trong các nhà máy sản xuất ngay tại quê hương mình, với thu nhập gấp nhiều lần. Hiện, trên địa bàn huyện có hai khu CN và ba cụm CN - tiểu thủ CN, với gần 90 nhà máy và hơn 420 doanh nghiệp đang hoạt động; góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, với thu nhập cao và ổn định. Ðiều đáng nói là, cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ ngành CN, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm hơn 95% và nông nghiệp chỉ còn dưới 5%. Nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tăng nhanh, trong đó năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 11.210 tỷ đồng (tăng 40% so năm 2017). Mạng lưới kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, nhất là các tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư nâng cấp đã tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và vùng lân cận.

Ðồng chí Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban quản lý Khu KTM Chu Lai cho biết, Khu KTM Chu Lai được thành lập từ năm 2003, có tổng diện tích tự nhiên hơn 27 nghìn héc-ta, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng đông ven biển của huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ. Ðây là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện quy hoạch, phần lớn các khu chức năng của Khu KTM Chu Lai đã được đầu tư hoàn thiện, đi vào hoạt động. Hiện, Khu KTM Chu Lai đã hình thành bốn khu CN gồm: Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Tam Anh và Tam Thăng; với tổng diện tích hơn 3.500 ha, đến nay đã đầu tư hạ tầng đồng bộ đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 80%; thu hút 22 dự án về du lịch, với tổng số vốn đã đăng ký khoảng 45 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD); trong đó có bảy dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện khoảng 100 triệu USD. Ðáng chú ý, tỉnh đã quy hoạch Khu đô thị có quy mô khoảng 15 nghìn héc-ta, với bốn khu đô thị chính. Trong đó, Khu đô thị Tam Hiệp - Núi Thành được đầu tư với tổng vốn thực hiện hơn 132 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã chú trọng quy hoạch và ưu tiên đầu tư xây dựng trước các khu dân cư và TÐC, sắp xếp lại nơi ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục, trường đào tạo nghề, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí và các dịch vụ... đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Ðến nay, Khu KTM Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD bao gồm: 43 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD; 115 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký hơn 66,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 26.000 lao động và đóng góp hơn 65% vào nguồn thu cho ngân sách toàn tỉnh. Các dự án đầu tư có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả như: Khu phức hợp Sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai của Công ty CP Ô-tô Trường Hải (THACO), Nhà máy nước giải khát Numberone - Chu Lai của Tập đoàn Tân Hiệp Phát; Tổ hợp may mặc và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may của Công ty Pan Ko - Hàn Quốc, Nhà máy Kính nổi Chu Lai... Trong đó, THACO là doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến Khu KTM Chu Lai và có vốn đầu tư tại đây lên hơn 80 nghìn tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO Trần Bá Dương thông tin, THACO đã xây dựng Khu phức hợp cơ khí ô-tô đa dụng trên diện tích gần 400 ha, gồm 30 công ty, nhà máy; giải quyết việc làm cho 8.400 lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh và T.Ư; đồng thời góp phần vào việc phát triển ngành CN cơ khí ô-tô Việt Nam và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục tạo bước đột phá

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ðinh Văn Thu cho hay, để tạo điều kiện thúc đẩy Khu KTM Chu Lai phát triển nhanh và bền vững, ngày 13-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1737/QÐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050. Theo quyết định này, Khu KTM Chu Lai thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền trung; khu vực phát triển đô thị; trung tâm công nghiệp ô-tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô, hàng không; trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may, các loại hình CN khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao. Ðồng thời là trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà… Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng, ban hành các quy định để tổ chức thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch; triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng trong khu kinh tế làm cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư xây dựng và mời các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, việc Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai nhằm bảo đảm tính đột phá, có sức kiến tạo phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, khai thác cao nhất kết cấu hạ tầng đã được đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Do vậy, để làm được điều này, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển tại khu KTM Chu Lai và vùng lân cận nhằm tiếp tục tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trước hết, tỉnh sẽ xúc tiến kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng Kỳ Hà - Chu Lai, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu CN theo hướng phát triển công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, tỉnh sẽ phối hợp TP Ðà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận để thúc đẩy Khu KTM Chu Lai phát triển nhanh và bền vững hơn. Tất nhiên, trong quá trình phát triển này, Quảng Nam rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư. Mong cơ quan tiếp tục tham mưu Chính phủ có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế…

Bài và ảnh: TẤN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39557902-buoc-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-o-quang-nam.html