Bước đi trước là bước đi khôn?

Sáng thứ bảy tuần qua, cuộc giao lưu doanh nhân trẻ Đồng Tháp bắt đầu bằng câu chuyện 'Amazon mua Whole Foods'.

Nhóm bạn trẻ làm về công nghệ quan tâm sự kiện này vì lần đầu tiên Amazon nhảy vào thực phẩm, trong khi đó nhóm làm nông nghiệp chẳng chú ý thông tin này. Tại sao họ không đặt câu hỏi liệu Whole Foods (WF) còn duy trì quỹ trợ giúp các doanh nghiệp (DN) nhỏ các nước đang phát triển (liên quan đến họ) làm hàng hữu cơ bán cho hệ thống này không? Bài viết này bàn về những tính toán và ảnh hưởng từ thương vụ trên với nhiều ý kiến bình luận từ chuyên gia thị trường bán lẻ Phạm Trọng.

Gói hàng của Amazon gửi đến cửa nhà khách hàng.

Cách đây vài năm trong một cuộc phỏng vấn khi nói chuyện với nhiều nhà cung cấp, khi được hỏi áp lực cạnh tranh nào có thể đe dọa sự phát triển của Amazon. Jeff Bezos, người sáng lập tài năng cũng chỉ nói một câu đơn giản “tôi vẫn thấy Amazon chưa hoàn chỉnh, đó là sự đe dọa”.

Bây giờ, nghe tin Amazon mua lại WF với cái giá 13,7 tỉ đô, cao hơn 27% thị giá cổ phiếu của DN thực phẩm này, nhớ câu nói trên của Jeff.

Amazon = AoT?

Amazon là ông trùm của thế giới mua sắm trên mạng, đến mức người ta đặt thành tên “Amazon of Everything” (phỏng theo Internet of Thing – IoT – Internet vạn vật), nghĩa là người ta có thể mua mọi thứ ở đây từ một chiếc vớ xài một lần, đến cả một chiếc máy bay hạng nhẹ.

Khi người ta ngất ngây với thành công rực rỡ với Amazon, nhưng Jeff luôn đặt mình ra khỏi vòng xoáy đó để quan sát xem đâu là “điểm mù” có thể đe dọa tương lai phát triển của đứa con của ông. Jeff lo nghĩ về sự cạnh tranh của “đế chế” Walmart.

Chính ông từng nói “chúng ta giống Walmart, nhưng họ có thể trở thành chúng ta”. Ý của Jeff là với nền tảng hàng ngàn store trên khắp nước Mỹ và hàng chục quốc gia khác trên toàn cầu, kèm theo một hệ thống vận hành khổng lồ đằng sau, Walmart có những lợi thế truyền thống mà Amazon không có. Nói đơn giản, một nền tảng trực tuyến hoàn hảo có thể làm cho một người mẹ ở cách mấy nghìn km có thể mất 30 giây mua một cái tã cho con mình nhờ Amazon, nhưng để cái tã ấy được vận chuyển cực nhanh và chính xác đến đúng cửa nhà lại là câu chuyện cần đến nhà kho, nhân lực, vận chuyển, giao hàng… những thứ rất “truyền thống” nhưng không bao giờ lạc hậu, dù công nghệ có phát triển thế nào.

Người ta gọi đó là nền tảng vật lý (physical background) của kinh doanh trực tuyến. Jeff hiểu Walmart có thể mua lại hoặc sáp nhập với một đối thủ cạnh tranh của Amazon, để biến thành một gã khổng lồ còn hoàn thiện hơn mình, vì khi đó, đối thủ này sở hữu cả nền tảng trực tuyến lẫn vật lý. Chuyện này chẳng có gì lạ, khi mà những thương vụ trăm tỉ đô mua bán sáp nhập có thể diễn ra chỉ sau một đêm.

Tính trước nhiều bước, mua luôn “Người hàng xóm tốt bụng”

Cho nên mới thấy, việc mua WF là một bước đi trước có tính cực kỳ chiến lược của Jeff, không đợi đối thủ hoàn thiện giống mình, mà làm mình hoàn thiện hơn đối thủ. Thế nên điều Walmart, Home Depot hay Best Buy “sợ” nhất đã xảy ra, đó là việc Amazon bỏ tiền bành trướng hệ thống các physical store (tạm dịch chuỗi cửa hàng hiện hữu – hay vật lý). WF, chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm hữu cơ, an toàn thường công bố các hoạt động chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng (khi ra đời đã tự đặt tên là “Người hàng xóm tốt bụng”) gần đây, sẽ mang lại cho Amazon số lượng cửa hàng rộng khắp nước Mỹ và một hệ thống logistics khá chuẩn đằng sau (trong ngành bán lẻ, ai cũng biết các DN thực phẩm thường có hệ thống logistics hoàn chỉnh hơn do đặc tính sản phẩm và quy trình). Không chỉ bản thân giá trị nghìn tỉ USD của thị trường mà WF đang kinh doanh rất hấp dẫn và hứa hẹn, mà một khi kết hợp với nền tảng trực tuyến của mình, Amazon có thể khiến mỗi sản phẩm WF được đặt hàng tối ưu hơn, giao hàng nhanh hơn và quan trọng là rẻ hơn. Đó là chưa kể, Amazon sẽ không ngừng học hỏi thực tế chuỗi cung ứng của WF, để bổ sung cho nền tảng hiện có của mình.

Còn nhớ Jack Ma tự hào thế nào khi tuyên bố: giờ đây một bà nội trợ ở Thượng Hải có thể đặt nho tươi ở Ý, và sẽ nhận nó sau mười ngày với chất lượng tuyệt hảo qua Alibaba, thì với động thái mạnh mẽ này của Amazon, có thể thấy người khổng lồ bán lẻ trực tuyến Mỹ đang hoàn thiện khâu thường bị cho là yếu nhất trong hệ thống bán hàng của mình – đặt và giao hàng thực phẩm. Việc thâu tóm WF gây lo lắng của những gã khổng lồ bán lẻ như Walmart, mà ngay cả đối thủ lớn nhất của Amazon là Alibaba cũng phải e dè. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao thay vì cổ phiếu giảm sau M&A như lẽ thường, thì qua một đêm Amazon “tự dưng” tăng đúng bằng số tiền bỏ ra mua WF. Chuyện tăng giảm cổ phiếu có thể lên xuống thất thường, nhưng rõ ràng thế giới bán lẻ sau khi bất ngờ đã phải ngả mũ trước bước đi “ngược” này của Amazon.

Nhìn về thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam

Từ câu chuyện này nhìn về thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, CEO của một DN đang làm ăn trên thị trường (cũng đang được xem là bùng nổ này) tuyên bố: đến ba năm nữa cũng chưa có lời, nhưng vẫn đầu tư vì đó là tương lai. Một chuyên gia hơn 15 năm kinh nghiệm trên thị trường cũng nói “mười DN gia nhập thương mại điện tử (TMĐT), có thể tám, chín phá sản”. Theo ông, không phải doanh nghiệp Việt Nam kém trong phát triển và hiện thực hóa các ý tưởng dịch vụ online, mà là yếu kém trong khâu vận hành kèm theo, cụ thể hơn là hệ thống logistics. Nói khác đi, “physical background” không có. Trong khi đây là phần ngốn nhiều chi phí đầu tư và nguồn lực nhất của mô hình kinh doanh TMĐT. Trong TMĐT, ai cũng biết muốn lớn mạnh không thể không đa dạng hóa sản phẩm, mà muốn đa dạng hóa sản phẩm, physical background phải mạnh và vận hành với đội ngũ có kinh nghiệm. Đây chính là điểm yếu cốt tử của đa số các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam, một nút thắt cổ chai thật sự mà ngay cả top 3 doanh nghiệp TMĐT lớn nhất Việt Nam như Tiki, Lazada, Adayroi cũng đang chịu lỗ tính bằng chục đến trăm tỉ đồng.

Ngược lại, đối với những nhà bán lẻ rất mạnh về physical background (ở Việt Nam gọi nôm na là offline) lại quá kém về xây dựng các ý tưởng và dịch vụ online. Dạo một vòng quanh trang mạng của Co.opmart, Big C, Metro (bây giờ là Mega), Aeon… có thể thấy: hầu như không ai làm được. Họ sở hữu mạng lưới store rộng khắp, tạm giải tỏa được áp lực của chi phí logistic nếu thực hiện TMĐT, nhưng lại thiếu đầu tư, thiếu năng lực trong việc phục vụ người tiêu dùng trên không gian mạng. Đó cũng là lý do làm cho thị trường TMĐT tại Việt Nam, dù tiềm năng lớn nhưng vẫn đang loay hoay, phát triển khó khăn.

Theo Phạm Trọng – Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/buoc-di-truoc-la-buoc-di-khon-781407.html