Bước đi tiên quyết để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Những cam kết mới tiến tới từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra hồi cuối tuần trước đã mở rộng cánh cửa để Bình Nhưỡng có thêm nhiều cuộc đối thoại với Washington. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là họ sẽ tiếp cận kho đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đến mức nào?

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un đã hứa hẹn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, Bình Nhưỡng sẽ cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận một số cơ sở sản xuất tên lửa chủ chốt, đồng thời bày tỏ thiện chí (lần đầu tiên) phá hủy hoàn toàn một cơ sở hạt nhân chủ chốt của nước này.

Mặc dù đã có những động thái đầu tiên xong các chuyên gia cho rằng, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ chẳng làm gì để hủy hoại năng lực hạt nhân và tên lửa của mình cũng như không khẳng định rằng, ông Kim Jong-un có nghiêm túc trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên cũng không đặt ra bất kỳ kế hoạch nào cho Triều Tiên phải công khai bản danh sách các kho vũ khí hạt nhân, các cơ sở sản xuất và nguyên liệu hoặc một thời gian biểu cụ thể cho vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ kỳ vọng sẽ sớm có cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho trong tuần này (bên lề phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc) để khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, sau đây là những tóm tắt về kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cho đến thời điểm hiện tại.

Tổ hợp Yongbyon

Trong Tuyên bố chung liên Triều lần thứ ba, Triều Tiên thể hiện thiện chí "phá hủy hoàn toàn" tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ thực thi những hàng động tương xứng. Là một tổ hợp cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía Bắc, Yongbyon được biết đến là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và cũng là nơi sản sinh ra chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. (Nguồn: AP)

Theo tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân (NTI), tổ hợp Yongbyon được xây dựng từ cuối những năm 1950 với sự giúp đỡ của Liên Xô với các tòa nhà chính và ít nhất 3 lò phản ứng hạt nhân, các linh kiện tách rời, thiết bị tái chế nhiên liệu và các phòng thí nghiệm đa năng... Giới chuyên gia cho rằng, một lò phản ứng 5 Megawatt ở Yongbyon (nếu hoạt động) có thể sản xuất các thanh nhiên liệu plutoni, đồng thời cũng có khả năng làm giàu Urani cao (HEU) để sử dụng sản xuất bom nguyên tử.

Joshua Pollack, chuyên gia về tên lửa Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middlebury ở California cho rằng, việc phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon sẽ làm chậm quá trình sản xuất các nguyên liệu tách rời nhưng không làm giảm kho thanh nhiên liệu plutoni và urani đã được làm giàu. Ông nhấn mạnh, "Yongbyon là nơi Triều Tiên sản xuất các thanh nhiên liệu plutoni nên việc phá hủy cơ sở này sẽ chỉ ảnh hưởng đến kho thanh nhiên liệu plutoni của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, điều đó không khiến kho nhiên liệu này bị giảm sút và cũng chẳng ảnh hưởng đến sản lượng Urani được làm giàu - vốn được hầu hết các chuyên gia cho rằng, chúng đã được tiến hành ở cả Yongbyon và các cơ sở khác".

Mặc dù Triều Tiên phủ nhận sự tồn tại của các cơ sở bí mật khác, song truyền thông Mỹ (dẫn các nguồn tin tình báo) lại cho biết trong nhiều tháng trở lại đây chính quyền Kim Jong-un đã cho tiến hành làm giàu urani tại một cơ sở bí mật ở ngoại ô Bình Nhưỡng, vốn được biết đến với tên gọi Kangson. Jenny Town, Giám đốc điều hành Trung tâm Stimson thuộc dự án 38 North có trụ sở ở Washington, đánh giá: "Tuy nhiên, sẽ vẫn có giá trị khi có thể làm rõ việc phá hủy các cơ sở hạt nhân đã được biết đến với cơ chế đã được đàm phán về việc thanh sát các cơ sở tình nghi khác".

Bãi thử Tongchang-ri

Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ "phá hủy hoàn toàn" cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa ở thị trấn Tongchang-ri phía Tây Bắc nước này với sự giám sát của các chuyên gia đến từ "các nước liên quan". Được biết đến là địa điểm từng được sử dụng để phóng vệ tinh Sohae, cơ sở này cũng đã được sử dụng để phóng thử tên lửa từ năm 2012. Triều Tiên cũng đã sử dụng cơ sở này để phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi năm 2017 với tầm bắn (được thiết kế) có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Theo NTI, cơ sở này bao gồm một khu vực lắp ráp tên lửa, bệ phóng di động lớn, kho chứa nhiên liệu và khí ôxy, giá đỡ động cơ tên lửa và bệ phóng. Hồi tháng 7 vừa qua, sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều (ngày 12/6) ở Singapore giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump, hình ảnh vệ tinh đã cho thấy Bình Nhưỡng bắt đầu phá hủy bãi thử động cơ tên lửa ở Tongchang-ri. Tuy nhiên, Triều Tiên đã không cho phép các bên liên quan đến kiểm chứng.

Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù từng được sử dụng như một trung tâm thử nghiệm chủ chốt đối với các loại động cơ tên lửa sử dụng nguyên liệu rắn dành cho các loại tên lửa tầm xa và cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển loại tên lửa ICBM, giờ đây bãi thử này đã trở nên "không còn hữu ích" như trước. Bình Nhưỡng đã tuyên bố quá trình nghiên cứu phát triển tên lửa ICBM thế hệ mới nhất đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào sản xuất đại trà.

Hình ảnh vệ tinh một bãi thử tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Triều Tiên cũng đã tiến tới phát triển loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, có thể phóng từ các loại bệ phóng di động khó phát hiện. Ngoài ra, ở Triều Tiên vẫn còn cơ sở thử nghiệm tên lửa khác với tên gọi Tonghae hoặc Musudan-ri ở phía Đông Bắc nước này và dường như đã không còn hoạt động từ năm 2009.

Lee Ho-ryung, Trưởng nhóm nghiên cứu về quân đội Triều Tiên tại Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc, nói: "Không chỉ bãi thử nghiệm động cơ tên lửa mà kể cả bệ phóng cũng đều là những ưu tiên của Mỹ. Mặc dù có thể chỉ là một thông điệp chính trị nhưng lại có thể tạo ra những bước tiến có ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa".

Sự tồn tại của kho vũ khí hạt nhân

Giới chức tình báo Mỹ ước tính, Triều Tiên hiện sở hữu khoảng từ 30-60 đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Cơ quan tình báo Hàn Quốc hồi tháng trước nói rằng, số lượng đó là khoảng 100.

Lò phản ứng ở Yongbyon mỗi năm có thể sản xuất khoảng 6 kg plutoni, đủ để sản xuất khoảng 2 quả bom hạt nhân. Vì vậy, cho đến nay, Triều Tiên phải có khoảng từ 50 - 60 đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng, những nghi ngờ về số lượng thực các đầu đạn trong kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tạo ra một nhiệm vụ nặng nề để có được việc Triều Tiên ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như thuyết phục nước này công khai tất cả các cơ sở hạt nhân có sự kiểm chứng của cộng đồng quốc tế.

Nhà phân tích quốc phòng Kim Dae-young thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc ở Seoul nói: "Việc Triều Tiên công khai các cơ sở hạt nhân của họ đến đâu mới là vấn đề mang tính quyết định. Mặc dù bước đi đó không thể buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân nhưng lại có thể khiến họ không thể tái sản xuất bom nguyên tử, một khi đã có sự thanh sát của cộng đồng quốc tế".

Thu Hiền

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/buoc-di-tien-quyet-de-phi-hat-nhan-hoa-ban-dao-trieu-tien-78412.html