Bước đi thúc đẩy trao đổi thương mại EU - Iran

Sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) về một cơ chế thương mại phi USD với Iran có nhiều khả năng sẽ được áp dụng vào cuối năm nay. Đây là bước đi cụ thể của EU nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia Hồi giáo, cũng như giúp các doanh nghiệp châu Âu tránh khỏi tác động từ các lệnh cấm vận của Mỹ.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini mới đây cho biết, một cơ chế thuận lợi cho trao đổi thương mại phi USD với Iran nhằm bảo vệ và thúc đẩy quan hệ kinh doanh hợp pháp với nước này có thể được áp dụng vào cuối năm 2018. Cơ chế mới mang tên "Phương tiện vì mục đích đặc biệt" (SPV) là cơ chế thanh toán bù trừ, cho phép sử dụng dầu và khí đốt của Iran để đổi lấy hàng hóa của EU. Cơ chế này có thể giúp Iran đối phó lại với các lệnh trừng phạt của Mỹ mà dựa trên việc sử dụng đồng USD trong các thanh toán quốc tế.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif trong một cuộc họp bên lề Khóa họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: TASS.

EU kỳ vọng, SPV sẽ giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế Iran nhận được từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 giữa nước này với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Đây cũng chính là thỏa thuận mà Mỹ đã tuyên bố “đoạn tuyệt” hồi tháng 5 vừa qua. Đối với EU, cụ thể là nhóm E3 (gồm Pháp, Đức và Anh), JCPOA là một trong những thành quả nổi bật của chính sách đối ngoại châu Âu, dấu ấn quan trọng về một nỗ lực chung và bền bỉ khá hiếm hoi của EU trong hàng thập kỷ nhằm thuyết phục Mỹ thay đổi lập trường cứng rắn cố hữu với Iran sang chiều hướng ôn hòa. JCPOA cũng được xem là một trong những văn kiện góp phần quan trọng không chỉ vào việc kiềm chế nguy cơ leo thang xung đột tại Trung Đông, mà còn ngăn chặn nguy cơ chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc đạt được thỏa thuận hạt nhân đã tạo điều kiện để nước Cộng hòa Hồi giáo Iran giành được lợi thế về chính trị và đạt được cả những lợi ích to lớn về kinh tế. Sau khi JCPOA có hiệu lực và Washington dỡ bỏ cấm vận, các công ty của châu Âu đã đổ nhiều tỷ USD vào thị trường Iran. Do đó, việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này gây ra những hậu quả lớn về kinh tế đối với Tehran và cả các nước thành viên EU, vốn là khu vực đi đầu trong hoạt động giao thương với Iran kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Theo trang Eghtesadonline, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Iran với các nước thành viên EU trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9-2018 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 13,89 tỷ Euro (16,89 tỷ USD).

Hiện nay, EU vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm duy trì JCPOA sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran. Gần đây, Iran cũng đã lên tiếng cảnh báo có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân trên nếu các cường quốc EU không thể bảo vệ được các lợi ích thương mại và tài chính cho Tehran. Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn với Tehran cũng như trao đổi thương mại giữa hai bên, EU đang cố gắng sớm đưa sáng kiến cơ chế SPV vào vận hành, tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại phi USD với Iran và tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cơ chế SPV cũng nhận được sự ủng hộ của các cường quốc đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Các bên cũng nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ quyền tự do của các doanh nghiệp khi theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, SPV cũng là một phần trong kế hoạch tăng cường "chủ quyền kinh tế" của EU với tham vọng làm cho đồng Euro có sức cạnh tranh như đồng USD. Trong những năm qua, các nước thành viên EU tỏ rõ thái độ không hài lòng với sự chế ngự toàn cầu của đồng USD, điều đem đến cho nước Mỹ quyền lực ngoại giao và kinh tế vô song trên trường quốc tế.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/buoc-di-thuc-day-trao-doi-thuong-mai-eu-iran-558262