Bước đi nào sẽ phù hợp để triển khai chính phủ số tại Việt Nam?

Khái niệm Chính phủ số và Chính phủ điện tử là hai khái niệm khác nhau nhưng thực tế khi triển khai áp dụng, cả hai đều sử dụng chung những nền tảng cơ bản.

Ảnh minh họa.

Năm 2014, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về các chiến lược Chính phủ số. Khi đó tổ chức này đã phân biệt rõ sự khác biệt giữa và Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Theo đó, Chính phủ điện tử (E-Government) là việc Chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet, như một công cụ để đạt được hiệu quả tốt hơn.

Còn Chính phủ số (Digital Government) là việc sử dụng các công nghệ số, như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa Chính phủ để tạo ra các giá trị công.

Quá trình tạo ra Chính phủ số dựa trên một hệ sinh thái bao gồm các tác nhân liên quan đến Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua sự tương tác với Chính phủ.

Chính phủ điện tử được đánh giá bằng số lượng dịch vụ được chuyển sang cung cấp trực tuyến còn Chính phủ số lại là bước chuyển từ quản lý sang cung cấp dịch vụ.

Cả 2 đều dựa trên nền tảng hạ tầng phần cứng giống nhau, chỉ khác về phần mềm và dữ liệu, đây là thế mạnh của Việt Nam và không đòi hỏi đầu tư lớn.

Với mục tiêu của Chính phủ số là tập trung vào việc cải cách, các dịch vụ công được gắn kết chặt chẽ vào các tác vụ hằng ngày của công dân dựa trên nền tảng IoT. Nhiều dịch vụ công sẽ được tạo mới hoặc thay thế bằng một hình thức khác tốt hơn.

Chính phủ số tập trung vào chia sẻ khai thác dữ liệu để phục vụ người dùng tốt hơn, trong đó sẽ chủ động phục vụ công dân, doanh nghiệp theo nhu cầu của họ.

Tại Việt Nam, Chính phủ điện tử đã được bắt tay xây dựng từ những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Điều này đã mang đến những kết quả tích cực, nhưng tốc độ còn rất chậm, kết quả còn rất hạn chế.

Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử. Nhưng thực tế là chỉ khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN.

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập như cơ sở pháp lý chưa toàn diện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư cho CNTT còn bất cập, tốc độ xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia làm nền tảng chậm, các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn thủ công, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 còn hạn chế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam theo 3 trụ cột chính là hạ tầng số, tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số.

Trong đó, hạ tầng số bao gồm hạ tầng cứng là mạng lưới viễn thông nắm vai trò nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu, tác động lên mô hình kinh tế. Tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự báo kịp thời trước khi ra quyết định. Chính sách chuyển đổi số bao gồm chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư cho dân số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.

Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng khẳng định: “Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy, nghĩ lớn, nghĩ tổng thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/buoc-di-nao-se-phu-hop-de-trien-khai-chinh-phu-so-tai-viet-nam-3460516.html