Bước đi kịp thời trước tình hình chính trị quốc tế có nhiều thay đổi

Trong hai ngày 22 và 23/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc. Chuyến công du này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung - Nga bất ngờ nổi sóng trong tuần qua.

Sự khởi đầu của mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden đã diễn ra tương đối khó khăn. Hồi tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã có những tuyên bố được đánh giá là không phù hợp đối với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, buộc Moscow phải triệu hồi Đại sứ về để tham vấn.

Chỉ sau đó 1 ngày, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã không ngại đấu khẩu gay gắt với nhau ngay trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức. Có thể nói, sau 2 tháng cầm quyền với những bước đi mới nhất trong tuần qua đang định hình rõ nét chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden với Trung Quốc và Nga.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị. Ảnh: AP

Theo đó, Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn, đối đầu và cạnh tranh với Moscow và Bắc Kinh. Tuy nhiên, khác hẳn với mô hình “đơn thương độc mã” của Mỹ dưới thời chính quyền ông Donald Trump, Tổng thống Joe Biden coi trọng sự phối hợp với các đồng minh, mở rộng không ngừng hệ thống đối tác trên thế giới. Điều đó được thể hiện qua những bước đi của Mỹ trong thời gian gần đây.

Không chỉ củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh châu Âu, Mỹ cũng đang mở rộng quan hệ đối tác tại các khu vực với cuộc gặp Thượng đỉnh của Nhóm Bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, hay chuyến công du Đông Bắc Á của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ gần đây. Đối với Nga, một số nhà quan sát cho rằng, hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden là một “luồng gió mới” so với lập trường hòa hoãn với Moscow dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Trong khi ông Donald Trump giữ thái độ thân thiện với Tổng thống Vladimir Putin và hạ thấp những đánh giá của các cơ quan Mỹ về mối đe dọa từ Nga thì chính quyền Tổng thống Jow Biden sẵn sàng mở rộng các lệnh trừng phạt với Moscow sau cáo buộc đầu độc và bắt giữ liên quan đến lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny. Đối với Trung Quốc, chính quyền ông Joe Biden cũng cho thấy họ đang “đảo ngược” những nhận định ban đầu của đảng Cộng hòa rằng Tổng thống Mỹ đang quá mềm yếu với Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, những dấu hiệu gay gắt và mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc cũng truyền đi một thông điệp rằng hai nước này đã sẵn sàng đối đầu với Washington. Trong phản ứng đầu tiên ngay sau những tuyên bố của ông Joe Biden về người đồng cấp Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov không bác bỏ khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh mới giữa hai nước: “Không có ích gì cho mối quan hệ song phương với những tuyên bố không phù hợp. Vẫn có cơ hội để đối thoại mặc dù cánh cửa này sẽ không mãi để ngỏ. Chúng tôi luôn hi vọng vào những điều tốt nhất, nhưng cũng sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất”.

Trong khi đó, với việc phía Mỹ không ngần ngại đề cập thẳng thắn những vấn đề nhạy cảm giữa hai bên, không ngừng công kích chính sách của Trung Quốc, Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì nhấn mạnh: “Điều quan trọng là Mỹ cần phải thay đổi hình ảnh của mình và dừng áp đặt lên các quốc gia khác. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi đã bày tỏ sự phản đối kiên quyết trước sự can thiệp đó và sẽ có những hành động cứng rắn để đáp trả”.

Ở tình hình hiện tại, có thể thấy, nếu Trung Quốc và Nga không nhanh chóng xích lại lại gần nhau, hai nước này có thể bị cô lập về mặt ngoại giao ngay trên chính “sân nhà” là châu Âu và châu Á. Do đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc được đánh giá là bước đi kịp thời trước tình hình chính trị quốc tế có nhiều thay đổi, chủ yếu là đến từ những dịch chuyển trong chính sách đối ngoại của Mỹ và phương Tây.

Dự kiến trong chuyến thăm hai ngày này, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị để thảo luận về thực trạng và triển vọng của quan hệ chiến lược Nga – Trung, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc ở cấp cao và chuẩn bị các sự kiện hướng tới kỷ niệm 20 năm ký “Hiệp ước hợp tác hữu nghị láng giềng Nga – Trung”. Nga và Trung Quốc đã thống nhất sẽ gia hạn hiệp ước này trong năm nay.

Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Hiệp ước sau khi gia hạn sẽ mang những nội hàm mới mang tính thời đại, là “cột mốc mới” và “khởi đầu mới” của quan hệ Trung-Nga. Hai bên sẽ xem xét một số khía cạnh của việc phối hợp hành động của hai nước trong bối cảnh đại dịch, các biện pháp khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra. Hai ngoại trưởng sẽ trao đổi quan điểm về hợp tác song phương trong các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách, bao gồm hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tại các định dạng đa phương. Trong chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ thông qua tuyên bố chung về quản trị toàn cầu trong điều kiện hiện nay và ký kế hoạch tham vấn liên bộ Nga - Trung năm 2021.

Hồi đầu tháng này, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Interfax của Nga về quan hệ Trung - Mỹ và việc liệu Bắc Kinh có bàn bạc với Moscow để cùng đáp trả sự tấn công của Washington hay không, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy khẳng định, là hai nước lớn trên thế giới, Trung Quốc và Nga “có lợi ích chung rộng rãi và gánh trên vai trọng trách đặc biệt” trong việc gìn giữ hòa bình ổn định trên thế giới và thúc đẩy phát triển thịnh vượng toàn cầu.

Đánh giá về quan hệ Trung-Mỹ, Đại sứ Trương Hán Huy cho rằng, thời gian qua, quan hệ Trung - Mỹ đã chệnh khỏi quỹ đạo thông thường và rơi vào cục diện khó khăn nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Ông mong muốn phía Mỹ sửa chữa sai lầm, học cách chung sống hòa bình với các quốc gia có lịch sử, văn hóa và đường lối, chế độ khác mình, thực thi chính sách tích cực, mang tính xây dựng với Trung Quốc.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội thường niên vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đánh giá rất cao quan hệ Trung - Nga, gọi sự đoàn kết giữa hai nước là vững “như núi” và luôn là “trụ cột vững vàng cho hòa bình, ổn định của thế giới”, đồng thời cho biết, hai nước sẽ hợp tác chống lại “cách mạng màu” và các loại thông tin giả mạo, nhằm bảo vệ an ninh chủ quyền và chính quyền của mỗi nước.

Minh Hải (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/buoc-di-kip-thoi-truoc-tinh-hinh-chinh-tri-quoc-te-co-nhieu-thay-doi-634676/