Bước đi "khó đỡ" của 2 đại cử tri Dân chủ

Hai đại cử tri thuộc đảng Dân chủ đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng.

Ông P. Bret Chiafalo, đại cử tri bang Washington và ông Micheal Baca, đại cử tri bang Colorado, vừa triển khai chiến dịch “Đại cử tri có lương tâm” nhằm thuyết phục 37 đại cử tri đảng Cộng hòa “lật kèo” đối với ông Trump. Nếu chiến dịch thành công, ông Trump sẽ tạm dừng bước vào Nhà Trắng và quyết định sau cùng sẽ thuộc về Hạ viện.

Hai người này nhận được sự hỗ trợ từ đại cử tri thứ ba, Robert Satiacum, cũng đến từ bang Washington.

Vấn đề là họ "lật" ông Trump không phải để "cứu" bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Họ muốn đề cử 2 gương mặt khác - đều là người của đảng Cộng hòa - là cựu ứng viên tổng thống Mitt Romney hoặc Thống đốc bang Ohio John Kasich. Trước đó, ông Chiafalo tỏ rõ quan điểm phản đối bà Clinton.

Ông Trump đứng trước nguy cơ bị "lật kèo". Ảnh: CNN

29 bang của Mỹ có luật yêu cầu các đại cử tri phải ủng hộ ứng viên thắng phiếu phổ thông tại bang. Tuy nhiên, các luật này không mang tính ràng buộc hoặc đang bị xét lại. Hơn nữa, một số trong các luật này chỉ phạt một khoản tiền nhỏ đối với ai "lật kèo".

Thừa nhận nỗ lực triển khai chiến dịch “Đại cử tri có lương tâm” nhiều khả năng sẽ không thành công, cả hai ông Chiafalo và Baca vẫn hy vọng hành động này có thể tạo tiền lệ giúp lực lượng đại cử tri đối kháng phát triển mạnh hơn và tập trung vào kêu gọi đổi mới “cử tri đoàn”, hệ thống gây nhiều tranh cãi.

538 thành viên “cử tri đoàn” dự kiến nhóm họp tại thủ phủ các bang tương ứng vào ngày 19-12 để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống chính thức.

Ông Trump hiện thắng phiếu phổ thông tại các bang chiếm 290 phiếu đại cử tri, đồng thời dẫn ở bang Michigan (16 phiếu đại cử tri). Nếu tất cả đều bầu cho Trump, ông sẽ giành được 306 phiếu đại cử tri, dễ dàng vượt qua mức cần thiết 270 phiếu để trở thành tổng thống. Đó là lý do tại sao hai ông Chiafalo và Baca đang tìm cách lôi kéo 37 đồng nghiệp Cộng hòa.

Theo trang Politico, một số đại cử tri đảng Cộng hòa bày tỏ sự dè dặt đối với ông Trump nhưng hầu hết đều cam kết bỏ phiếu cho ông. Ví dụ đại cử tri bang Arizona Jane Lynch hồi tháng 8 cho trang Politico biết bà “miễn cưỡng” bỏ phiếu cho ông Trump. Còn đại cử tri Chris Suprun hồi tháng 8 định không ủng hộ ông Trump nhưng sau đó thay đổi quyết định.

Đại cử tri Cộng hòa duy nhất tính tới lúc này đang xem xét "chia tay" ông Trump là ông Art Sisneros (Texas). Một đại cử tri khác đánh tiếng sẽ bỏ phiếu chống lại Trump nếu lãnh đạo đảng Cộng hòa chính thức lên tiếng, đó là ông Erich Reimer (Virginia).

Trong khi đó, một bản kiến nghị đăng trên trang web Change.org kêu gọi các đại cử tri ủng hộ bà Clinton đã thu hút hơn 4 triệu chữ ký.

Học sinh phát động làn sóng mới chống ông Trump

Các học sinh trung học ở Mỹ hôm 14-11 dẫn dầu làn sóng biểu tình mới phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump giữa lúc các cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 6.

Hàng trăm thiếu niên, nhiều người không đủ tuổi để bỏ phiếu, cầm biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu chống lại ông Trump khi cho rằng tổng thống đắc cử đe dọa tương lai của họ.

Những học sinh này tham gia vào phong trào phản đối tổng thống đắc cử trên khắp cả nước, thu hút hàng chục ngàn người xuống đường tại nhiều thành phố kể từ sau cuộc bầu cử hôm 8-11.

Học sinh tuần hành ở Los Angeles. Ảnh: AP

Các cuộc biểu tình học sinh hôm 14-11 diễn ra tại các TP Los Angeles thuộc bang California, TP Denver ở bang Colorado, TP Portland tại bang Oregon và khu Silver Spring thuộc bang Maryland, bang Washington...

Hàng trăm học sinh đến từ khoảng một chục trường trung học ở TP Oakland, bang California đã ra khỏi lớp học và xuống đường. Học sinh Salvador Briseno, 14 tuổi, cho biết: “Chúng em hy vọng mình có quyền và được hưởng tự do. Chúng em muốn giảm tình trạng phân biệt chủng tộc, chấm dứt bạo lực, tất cả những điều đó”.

Các học sinh phản đối tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP

Mặc dù hầu hết những người biểu tình thừa nhận họ không thể thay đổi sự thật rằng ông Donald Trump đã đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton bằng số phiếu đại cử tri nhưng họ muốn nhấn mạnh những bình luận trong chiến dịch của ông Trump chống lại phụ nữ, người Hồi giáo, nhập cư và các chính sách của ông không được ủng hộ.

Hiện bà Clinton dẫn trước ông Trump về phiếu phổ thông với tỉ lệ 48%/47%.

Nhiều học sinh cho rằng ông Trump đặt ra mối đe dọa tương lai của họ. Ảnh: AP

Tại TP Los Angeles, các học sinh trường trung học Garfield tập trung tại quản trường Mariachi Plaza cùng với hàng trăm học sinh ở các trường khác, sau đó tuần hành đến tòa thị chính. Hiệp hội giáo viên Los Angeles hoanh nghênh cuộc biểu tình và bày tỏ sự tự hào về các học sinh.

Tại vùng ngoại ô Silver Spring, bang Maryland, khoảng 500 học sinh từ 5 trường trung học hô to “chúng tôi phản đối tổng thống đắc cử” tuần hành đến quảng trường Veterans Plaza khiến giao thông ùn tắc.

Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa. Ảnh: AP

Còn tại TP Denver, cảnh sát và các nhân viên nhà trường đã hộ tống khoảng 200 học sinh đi biểu tình trên đường phố nhằm đảm bảo an toàn cho các em.

Ông Luke Duecy, phát ngôn viên các trường công tại TP Seattle, bang Washington, cho biết hơn 5.000 học sinh từ 20 trường trung học đã tham gia tuần hành phản đối ông Trump.

P.Nghĩa - X. Mai (Theo Politico, USA Today, AP)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/buoc-di-kho-do-cua-2-dai-cu-tri-dan-chu-20161115180219007.htm