Bước đi chiến lược

Hôm nay 28-8, Thủ tướng Anh T.May bắt đầu chuyến thăm ba nước Nam Phi, Nigeria và Kenya. Đây là chuyến công du châu Phi lần đầu kể từ khi bà nhậm chức hồi tháng 7-2016, được kỳ vọng tạo bước ngoặt trong quan hệ của London với 'lục địa đen', đồng thời góp phần chuẩn bị cho chiến lược đối tác toàn cầu của Anh thời 'hậu Brexit'.

Phát biểu ý kiến trước thềm chuyến thăm ba nước châu Phi, Thủ tướng T.May khẳng định, đây là “cơ hội đặc biệt, trong thời khắc đặc biệt với nước Anh”. Tháp tùng vị nữ Thủ tướng là một phái đoàn thương mại gồm các đại diện gần 30 doanh nghiệp hàng đầu ở “xứ sở sương mù”. Mục tiêu chuyến công du được London nhấn mạnh là “tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác toàn cầu của Anh”.

Không khó để nhận ra yếu tố “đặc biệt” mà Thủ tướng T.May nhấn mạnh. Cả ba nước Nam Phi, Nigeria và Kenya đều là các thành viên và là những quốc gia “đầu tàu” trong Khối Thịnh vượng chung, từng được xem như “sân sau” của Anh. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, London được cho là đã “lơ là” với chính những quốc gia mà ở đó tầm ảnh hưởng của Anh vẫn còn rất lớn. Hiện tại, tiến trình rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang tạo ra những thay đổi sâu sắc, cả về chính trị, kinh tế và xã hội, đối với nước Anh. Brexit có thể làm giảm vai trò, ảnh hưởng của Anh ở châu Âu; và đó là điều thôi thúc London mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm các đối tác mới, trong đó có cả nỗ lực chinh phục lại chính “vùng ảnh hưởng cũ”. Bởi thế, mục tiêu lớn nhất trong chuyến công du “lục địa đen” lần đầu của Thủ tướng T.May đó là khôi phục và củng cố vai trò, tầm ảnh hưởng của Anh ở khu vực hạ Sahara của châu Phi, rộng hơn là các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung.

Thủ tướng T.May trở thành lãnh đạo Anh đầu tiên thăm chính thức châu Phi trong vòng 5 năm qua, sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng D.Cameron hồi tháng 12-2013. Sự “trở lại” của nước Anh tại châu Phi nằm trong chính sách tổng thể mang tên Chiến lược đối tác toàn cầu của nước Anh, theo đó London nỗ lực tìm các đối tác thay thế, một khi tiến trình Brexit hoàn tất, dự kiến trong năm 2019. Dù được “cởi trói” trong các bước đi liên kết kinh tế hay thương mại thời “hậu Brexit”, song thay vì có thể dựa vào EU đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), nước Anh phải “tự thân vận động”, tìm kiếm các thỏa thuận đối tác trên khắp thế giới.

Với 53 thành viên, Khối Thịnh vượng chung có tổng giá trị GDP hơn 13 nghìn tỷ USD, hiện thấp hơn song được báo sẽ sớm vượt con số của EU. Đây sẽ là một thị trường rất lớn đối với bất kỳ đối tác bên ngoài nào. Trong khi đó, ngoài vị thế là thành viên Khối Thịnh vượng chung, có liên kết chặt chẽ về lịch sử và ngôn ngữ với nước Anh, ba chặng dừng chân trong chuyến công du của Thủ tướng T.May đều là những nền kinh tế lớn, đại diện cho ba khu vực ở “lục địa đen”, đó là Kenya ở Đông Phi, Nigeria ở Tây Phi và Nam Phi ở phía nam châu lục. Vì thế, việc thúc đẩy hợp tác, liên kết với ba quốc gia châu Phi không nằm ngoài chiến lược của London nhằm bù đắp những thiệt hại kinh tế mà Brexit có thể gây ra.

Ngay từ khi khởi động đàm phán về Brexit, Chính phủ Thủ tướng T.May đã đồng thời xúc tiến các bước đi nhằm thúc đẩy thương mại tự do với nhiều đối tác, trong đó có các nền kinh tế lớn trong Khối Thịnh vượng chung, như Ấn Độ, Australia hay New Zealand. Với các nền kinh tế châu Phi thuộc Khối, Anh có sẵn các điều kiện thuận lợi khi hàng chục năm qua, London duy trì sự hiện diện tại đây, cả về kinh tế lẫn nhiều lĩnh vực khác, trong đó có quốc phòng, an ninh. Với lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và dân số đông, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, vị trí địa chính trị quan trọng..., ba quốc gia điểm đến trong chuyến công du của Thủ tướng Anh sẽ là cửa ngõ để London tiếp tục mở rộng hợp tác và ảnh hưởng tại châu lục.

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán Brexit đang bước vào giai đoạn then chốt, với kỳ vọng của London về một thỏa thuận “có lợi nhất”, chuyến thăm châu Phi của Thủ tướng T.May được ví như cuộc chinh phục lại “vùng ảnh hưởng cũ”. Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm chuẩn bị đón đầu các cơ hội thời “hậu Brexit”.

ĐĂNG QUANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37446102-buoc-di-chien-luoc.html