Bước đi chiến lược của EU

Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) gần đây đã thông qua Chiến lược hợp tác của EU tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Các nước EU viện trợ vật tư y tế cho Ấn Độ.

Các nước EU viện trợ vật tư y tế cho Ấn Độ.

Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) gần đây đã thông qua Chiến lược hợp tác của EU tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Bản chiến lược này phản ánh sự công nhận về tầm quan trọng của khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách mới của EU, cùng quyết tâm đẩy mạnh kết nối với các đối tác tại khu vực rộng lớn này.

Tài liệu mang tên Chiến lược hợp tác của EU tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương dài 10 trang, trong đó nhấn mạnh, EU muốn thúc đẩy hợp tác song phương với các đối tác tại khu vực trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu, đối phó đại dịch Covid-19, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và chống lan truyền những thông tin sai lệch...

Bản chiến lược nêu rõ, khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là một trung tâm kinh tế và chiến lược toàn cầu, do đó, đẩy mạnh hợp tác tại khu vực quan trọng này là nhân tố chủ chốt giúp EU thực hiện các chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Trước khi công bố chiến lược mới nêu trên, trọng tâm chính sách đối ngoại của EU tập trung ở những khu vực láng giềng như Ðông Âu, Ðịa Trung Hải, hoặc hướng đến thúc đẩy mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương với Mỹ. Một số quốc gia thành viên EU, gồm Pháp, Ðức và Hà Lan, là những nước tiên phong trong nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương như Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… Pháp đã thúc đẩy chính sách "hướng Ðông" trong những năm qua và khẳng định sự coi trọng vai trò của Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong chiến lược an ninh của Pa-ri. Trong một chuyến công du Ô-xtrây-li-a của Tổng thống Pháp E.Ma-crông, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh những lợi ích tương đồng giữa Pa-ri và Can-bơ-rơ tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong các hoạt động hàng hải, hỗ trợ các nước bạn bè tại Thái Bình Dương thông qua hoạt động nhân đạo, cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực. Một quốc gia EU khác là Ðức cũng thúc đẩy triển khai chiến lược mang tên "Ðịnh hướng đối với khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương". Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Ma-át khẳng định, sự ổn định ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế đối với Ðức.

Nguồn tài nguyên phong phú cùng các hoạt động kinh tế, thương mại năng động, dân số lớn, nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế toàn cầu là những nhân tố giúp khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các nước. Nhiều quốc gia đã đưa ra những điều chỉnh chính sách nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này. Không chỉ các nước EU, nước Anh gần đây cũng công bố những thay đổi về trọng tâm chính sách, trong đó có thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nhằm hiện thực hóa chiến lược "nước Anh toàn cầu", củng cố và tăng cường vị thế của "xứ sở sương mù" giai đoạn hậu Brexit.

Trong bản chiến lược hợp tác của EU tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, khối này bày tỏ tin tưởng, hợp tác giữa EU với các đối tác trong khu vực sẽ giúp giải quyết các hậu quả từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, bảo đảm sự phục hồi kinh tế - xã hội xanh, bền vững và bao trùm, tạo ra các hệ thống y tế có sức chống chịu tốt hơn. Với bản chiến lược mới, EU nhấn mạnh quyết tâm của toàn khối nhằm mở rộng hợp tác và sức ảnh hưởng khi "xoay trục" về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, khu vực có ý nghĩa quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới.

ÐỖ QUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/buoc-di-chien-luoc-cua-eu-646211/