Bước đầu xác định một số dấu hiệu vi phạm của Asanzo

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành thay mặt lãnh đạo Tổng cục Hải quan trao đổi thêm với báo chí một số nội dung liên quan đến dấu hiệu vi phạm của Công ty CP tập đoàn Asanzo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành

Qua kết quả điều tra, xác minh ban đầu, đến nay đã có những dấu hiệu vi phạm gì liên quan đến Công ty CP tập đoàn Asanzo, thưa Phó Tổng cục trưởng?

- Kết quả xác minh, thẩm tra, kiểm tra và làm việc tại công ty và tiếp cận một số tài liệu, chúng tôi xác định bước đầu có một số dấu hiệu vi phạm của Công ty này.

Thứ nhất, Công ty có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp. Theo bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM cũng khẳng định nhãn hiệu Asanzo thuộc về một Công ty khác.

Tuy nhiên, một số công ty vẫn không chấp hành phán quyết của Tòa, tiếp tục nhập khẩu, buôn bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo đã được bảo hộ. Điều này vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong quảng bá, thậm chí in trên bao bì sản phẩm.

Tổng cục Hải quan đã xác minh, làm việc với đối tác tại nước ngoài, đồng thời làm việc với Công ty Sharp tại Việt Nam. Qua đó khẳng định, hợp đồng chuyển giao công nghệ (giữa Công ty CP tập đoàn Asanzo với Sharp- Roxy Hồng Kông) là hợp đồng giả mạo.

Thứ ba, xác định Công ty có dấu hiệu trốn thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Thưa Phó Tổng cục trưởng, theo báo cáo tại cuộc họp liên ngành (ngày 28/10), có đến 98% giá trị hàng hóa trên sản phẩm ti vi, chỉ 2% giá trị từ sản xuất tại Công ty nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam, điều này có đúng không? Qua vụ việc này có lỗ hổng pháp lý nào liên quan cần hoàn thiện?

- Quy định về xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu đã có tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, với hàng hóa tiêu dùng mua bán, lưu thông trong thị trường nội địa chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quy tắc xuất xứ với những sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu sẽ không thấp hơn so với sản phẩm tiêu thụ trong nước. Như vậy, tới đây khi cơ quan chức năng xây dựng quy định cụ thể liên quan đến xuất xứ hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ tại thị trường trong nước, các quy định về quy tắc xuất xứ ít nhất cũng phải tương đương với quy tắc xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bởi thực tế như trường hợp ti vi thương hiệu Asanzo, khi xuất khẩu bị xem có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, nhưng khi tiêu thụ trong nước lại chưa có văn bản điều chỉnh để xác định có vi phạm hay không-PV).

Vừa qua có những thông tin về doanh nghiệp đối tác của Công ty CP tập đoàn Asanzo không còn hoạt động, vậy, quá trình cơ quan Hải quan điều tra, xác minh cho thấy kết quả thế nào, thưa Phó Tổng cục trưởng?

- Qua các kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy một số doanh nghiệp có quan hệ mua bán với Công ty CP tập đoàn Asanzo đã có dấu hiệu bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Những công ty này có liên kết trong mua bán hàng và có dấu hiệu cho thấy hóa đơn xuất ra không phản ánh đúng thực chất hoạt động mua bán, kinh doanh.

Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/buoc-dau-xac-dinh-mot-so-dau-hieu-vi-pham-cua-asanzo-114160.html