Bước chuyển trong chính sách an ninh của Australia

270 tỷ AUD (khoảng 190 tỷ USD) là khoản ngân sách mà Chính phủ Australia tuyên bố đầu tư nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của xứ sở chuột túi trong thập kỷ tới, tập trung vào khu vực 'sân nhà' Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là bước đi nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới hậu đại dịch Covid-19 'nghèo hơn, nguy hiểm hơn và bất ổn hơn' theo lý giải của Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Những thách thức an ninh chưa từng thấy

Trong bài phát biểu tại Học viện Quốc phòng Australia mới đây, Thủ tướng Scott Morrison đã tiết lộ về chiến lược phòng thủ mới của xứ sở chuột túi. Ông cho biết, bối cảnh thế giới và tình hình khu vực đang có nhiều đổi thay, trong đó sự xuất hiện của dịch Covid-19 buộc nước này phải có sự điều chỉnh trong chính sách quốc phòng. Theo đó, Australia sẽ chuyển trọng tâm sang nâng cao sức mạnh quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà lãnh đạo Australia cho rằng, đây là sự chuẩn bị cần thiết khi quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức khu vực ở quy mô chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Những diễn biến gần đây trong khu vực một lần nữa cho thấy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành "tâm điểm" gia tăng cạnh tranh chiến lược và "nguy cơ tính toán sai lầm, thậm chí là xung đột đang tăng lên". Trong khi Australia mong muốn có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, có chủ quyền, không bị ép buộc bởi bá quyền, thì việc nước này tăng cường khả năng phòng thủ là rất quan trọng để bảo vệ vị thế của mình trong khu vực. Ông Morrison nêu rõ, Lực lượng quốc phòng Australia (ADF) cần khả năng răn đe mạnh mẽ hơn để có thể ngăn chặn một cuộc tấn công vào Australia và giúp ngăn chặn chiến tranh.

 Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của Australia. Ảnh: ABC News.

Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của Australia. Ảnh: ABC News.

Hai trọng tâm, một mục đích

Theo ABC News, điểm đáng chú ý trong bản cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020 và Kế hoạch cấu trúc lực lượng vừa được Australia công bố là quốc gia này dự tính đầu tư mạnh vào hai trọng tâm: Vũ khí tấn công tầm xa và nâng cao năng lực không gian mạng cho lực lượng quốc phòng nhằm mục đích bảo đảm an toàn và lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường thế giới đang thay đổi.

Australia dự tính sẽ mua tên lửa chống hạm AGM-158C của Mỹ với chi phí ước tính 800 triệu AUD. Loại tên lửa này có tầm bắn hơn 370km, ưu việt hơn hẳn tên lửa chống hạm AGM-84 được đưa vào sử dụng ở Australia từ đầu thập niên 1980, với tầm bắn chỉ 124km. Tên lửa mới dự kiến được trang bị cho dòng tiêm kích F/A-18F Super Hornet.

Ngoài ra, Australia cũng sẽ chi 9,3 tỷ AUD cho nghiên cứu và phát triển vũ khí tầm xa, tốc độ cao, bao gồm cả vũ khí siêu âm và đầu tư từ 5 đến 7 tỷ AUD cho một hệ thống giám sát dưới nước quy mô lớn, sử dụng các cảm biến công nghệ cao, có thể bao gồm cả tàu ngầm không người lái. Bản cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020 cũng đề cập tới khoản chi 7 tỷ AUD cho việc cải thiện năng lực không gian của Bộ Quốc phòng và tăng quân số của ADF lên hơn 60.000 người trong năm nay.

Đặc biệt, trong chiến lược mới, Australia dự tính chi 15 tỷ AUD nhằm tăng cường năng lực chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng trong vòng 10 năm tới; 1,3 tỷ AUD dành cho thúc đẩy các hoạt động an ninh mạng của các cơ quan tình báo an ninh, bao gồm một mạng lưới các vệ tinh cho một mạng thông tin độc lập. Các chuyên gia đánh giá đây là một sự tính toán hợp lý trong bối cảnh Australia đang phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công mạng nghiêm trọng thời gian gần đây.

Bước chuyển

Quyết định thay đổi trọng tâm chiến lược quốc phòng là bước đi tiếp theo mà chính quyền Thủ tướng Morrison đưa ra sau khi chính sách ngoại giao của nước này cũng đã chuyển hướng tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc cùng lúc cả chính sách đối ngoại và quốc phòng đều tập trung vào khu vực “sân nhà” cho thấy Australia xác định khu vực này là lợi ích chiến lược lâu dài mà nước này sẽ ngày càng gắn kết chặt chẽ.

Điều này xuất phát từ thực tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong thế kỷ 21. Đây là khu vực nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế của thế giới, nơi hội tụ của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nơi tập trung những quốc gia có lực lượng quân đội quy mô nhất toàn cầu. Dưới con mắt của nhiều nhà địa chính trị, khu vực này còn được xem là “một không gian địa chính trị mới” nơi định hình tương lai chính trị thế giới.

Bước chuyển trong chính sách quốc phòng, an ninh của Australia diễn ra trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến một cuộc chạy đua về hiện đại hóa quân sự giữa các nước lớn trong khu vực. Song song với đó là sự tranh giành ảnh hưởng đang trở nên gay gắt hơn giữa các cường quốc, kéo theo những lo ngại về an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Những điều chỉnh chiến lược nhằm nâng cao năng lực quốc phòng được kỳ vọng sẽ là bàn đạp để Australia giành thế chủ động tại “sân nhà”, qua đó phát huy thế mạnh của một cường quốc quân sự trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực chiến lược vốn gắn với lợi ích sát sườn về cả an ninh và kinh tế đối với Canberra.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/buoc-chuyen-trong-chinh-sach-an-ninh-cua-australia-626250