Bước chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô sau 10 năm

Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tại lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội (khóa XII) đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển. Điều đó thể hiện ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô những năm qua.

Là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.

Không gian kinh tế của Thủ đô được mở rộng phát triển, đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008. Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích phát triển tại 1.350 làng nghề và làng có nghề (tăng 70 làng so với năm 2010).

Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên; hệ thống y tế phát triển đồng bộ; giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững; chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm.

Bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hóa đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hóa đã được tổ chức UNESCO vinh danh.

Tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, Làng văn hóa đạt 60%, Gia đình văn hóa đạt 86,5%. Hà Nội đã triển khai thực hiện 2 bộ: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”.

Cùng với đó, Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (chiếm 76,17%) đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2008-2017 đạt 88.647 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008.

“Triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra khi hợp nhất và định hướng phát triển không gian theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố đã lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung nhằm mục tiêu phủ kín 100% diện tích. Đến nay, đã phê duyệt 57/68 đồ án. Ngay sau khi hợp nhất, Thành phố đã triển khai 329/642 đồ án phát triển không gian đô thị. Hiện nay, đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bbắc với một số dự án lớn như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; phát triển Thành phố thông minh tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài…”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Thành phố cũng tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với phát triển nhà ở; tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Hạ tầng đô thị, cây xanh cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, quản lý trật tự văn minh đô thị có chuyển biến.

Tạo thế và lực mới để phát triển nhanh, bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 10 năm qua, Chủ tịch UBND TP cho rằng còn những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại, cần phải được nhanh chóng khắc phục, như: Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô…

Phát huy những thành tựu đạt được, Hà Nội sẽ nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, hoàn thành những mục tiêu mà nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra với Đảng bộ, chính quyền Thành phố, góp phần tạo thế và lực mới, xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng là trái tim, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

“Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, để không ngừng vươn lên, giải quyết tốt những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Trước mắt, cùng với việc tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI và các chương trình, kế hoạch công tác của Thành ủy, Thành phố cần tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

“Con đường phía trước đang mở ra với cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi chúng ta phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, nỗ lực không ngừng vươn lên”, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ quyết tâm phát huy những thành tựu đã đạt được; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo; tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực công tác; hoàn thành và hoàn thành tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Gia Huy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/buoc-chuyen-minh-manh-me-cua-thu-do-sau-10-nam/342540.vgp