Bước chuyển mạnh từ 'tam nông'

Trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đến nay thu được những kết quả thiết thực. Nông nghiệp tăng trưởng và phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đời sống người dân vùng nông thôn không ngừng được cải thiện; vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp ngày càng được phát huy.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc tham quan gian hàng OCOP Quảng Ninh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực

Thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW (năm 2008), các thông số phát triển vùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ninh rất thấp, dân số khu vực nông thôn của tỉnh chiếm 47% trong tổng dân số của tỉnh, trong đó gần một nửa sống rải rác ở vùng núi, hải đảo, biên giới.

Với quyết tâm đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Quảng Ninh triển khai đồng bộ ở 125 xã thuộc 13 địa phương của tỉnh; trong đó có 53 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ Chương trình hành động số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết này, trong 10 năm qua, HĐND tỉnh ban hành 24 nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng phê duyệt 14 quy hoạch và chương trình, 14 kế hoạch, đề án cùng nhiều dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Vùng sản xuất tập trung cây chè Hải Hà.

Ngay từ năm 2010, khác với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Với nhiều giải pháp triển khai quyết liệt, năm 2013 Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong triển khai chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP); đồng thời tiếp tục cụ thể hóa đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020" với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Trong 10 năm, trung bình mỗi năm tỉnh dành gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho thực hiện Nghị quyết "tam nông", trong đó, năm 2016 tỉnh đã dành riêng cho vùng 135 là 100 tỷ đồng, năm 2017 là 200 tỷ đồng và năm 2018 là 350 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp tăng dần qua các năm (năm 2017 đạt 14.613 tỷ đồng, gấp 12,2 lần so với năm 2008). Tỉnh dành 4-5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN, đặc biệt là khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Với những nỗ lực đó, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cũng là địa phương ban hành được nhiều chính sách khuyến khích ưu việt đối với phát triển sản xuất nông nghiệp...

Vùng na dai xã Việt Dân, TX Đông Triều.

Tạo đà phát triển bền vững khu vực nông thôn

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết "tam nông", từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 18 vùng sản xuất tập trung trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Toàn tỉnh cũng xây dựng 40 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp lợi thế; từng bước hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Quảng Ninh đã phát triển 362 sản phẩm OCOP, trong đó 131 sản phẩm đạt sao; hơn 300 sản phẩm có dán tem thông minh để truy xuất nguồn gốc từ sự tham gia của 145 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 3.532 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tiêu biểu như: Công nghệ cô đặc nước mắm bằng năng lượng mặt trời, sấy lạnh sản phẩm trà hoa vàng, xay xát và đóng gói bao bì sản phẩm liên hoàn cho sản phẩm nếp cái hoa vàng, công nghệ vi sinh, nuôi cấy mô, di truyền, canh tác trong nhà màng, nuôi nhiều giai đoạn trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản…

Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Hệ thống trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước, thông tin cơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 111 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa 100%; tất cả các xã đều có nguồn điện lưới quốc gia; dân số vùng nông thôn tham gia BHYT đạt trên 73%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,6%...

Khu vực nuôi nhuyễn thể tại huyện Vân Đồn.

Cụ thể hóa Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn của Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc. Thời điểm khởi động thực hiện Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 2,2%; cơ cấu ngành là: Trồng trọt 26%, chăn nuôi 33,3%, thủy sản 31,1%, lâm nghiệp 5,9%, và dịch vụ 3,7%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,8%; số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh 76%; tỷ lệ hộ nghèo 5,18%; thu nhập của nông dân 4,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nông dân tham gia đóng BHYT đạt 65,26%...

Giai đoạn 2008-2017, giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp bình quân tăng 17,24%; cơ cấu GDP ngành từ 6,7% giảm xuống còn 6,3%; giá trị gia tăng bình quân trên 3,6%/năm. Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh, cao nhất lên đến 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,4% xuống còn 2,25%, tương đương với 7.783 hộ thoát nghèo.

Mô hình canh tác cà chua bi của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201812/thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-7-khoa-x-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-buoc-chuyen-manh-tu-tam-nong-2412147/