Bước chuyển mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Ngày 07-9-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại; đồng thời đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Tạo “bước ngoặt” quan trọng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Nghị quyết đã tạo được “bước ngoặt” quan trọng trong nông nghiệp. Đó là sự nhận thức "đúng và trúng" về vai trò vị thế của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đạt được trong 10 năm qua.

- Sản xuất nông nghiệp phát triển, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Giai đoạn 2008-2017 tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2018 GDP nông lâm thủy sản tăng 3,93%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo… Đặc biệt, trong 5 năm 2013-2017, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từng ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng.

Cùng với sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản cũng tăng nhanh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD (tăng 20,05 tỷ so với năm 2008) với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

- Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được nâng cao

Trong những năm qua, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng công nghệ mới, phát triển các mô hình sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Nhờ đó, thu nhập bình quân hộ gia đình ngày càng tăng, đạt mức 130 triệu đồng năm 2017 (năm 2012 là75,8 triệu đồng). Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên rõ rệt.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn tiếp tục giảm nhanh, năm 2017 còn 8%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm.

- Bộ mặt nông thôn thay đổi

Sau hơn 8 năm thực hiện (2010-2018), phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân. Nhờ đó bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi lớn, văn minh, hiện đại hơn.

Một trong những chuyển biến tích cực là việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, trong đó chú trọng vào xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, thu hút đầu tư doanh nghiệp. Đến hết năm 2017 có 11.668 hợp tác xã nông nghiệp (gấp gần 2 lần năm 2008); đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn trên 213.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Tính đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới; 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, quá trình phát triển nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp…

Về việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008); Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6-2018 còn 38,6%); Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất tiêu đã đạt 90,2%).

Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu khó đạt như: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,5-4%/năm; Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình chỉ tăng 3,11%/năm).

Về giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mơívới chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp hoặc trở thành những nhà nông chuyên nghiệp.

Cùng với đó, đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Theo: TTXVN

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/52218/buoc-chuyen-manh-me-trong-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon.aspx