Bước chuyển lớn trong tư duy - hiệu quả trong đổi mới

Dấu mốc khởi đầu của đổi mới chính sách kinh tế được bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mà trước hết là 'đổi mới về tư duy kinh tế', mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế nước ta.

Đổi mới tư duy kinh tế

Lần đầu tiên Văn kiện Đại hội VI của Đảng chính thức ghi nhận sự tồn tại bình đẳng của các thành phần kinh tế: "Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh... phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng. Những người làm ra của cải và những việc có ích cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp và chính sách đều được tôn trọng, được hưởng thu nhập tương xứng với kết quả lao động, kinh doanh hợp pháp của họ".

 Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Ảnh tư liệu

Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Ảnh tư liệu

Tinh thần đó đã được thể hiện trong hàng loạt các Nghị quyết TW quan trọng, như: Nghị quyết T.Ư 2, khóa VI (4/1987) về lưu thông phân phối; Nghị quyết T.Ư 3 khóa VI về đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với xí nghiệp quốc doanh; Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp.

Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng XHCN. Cùng với sự thừa nhận kinh tế thị trường là thành tựu chung của văn minh nhân loại, nhận thức và chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và cụ thể hóa qua liên tiếp các kỳ Đại hội Đảng suốt 35 năm qua.

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng với sự ra đời Luật Công ty (1990) và Luật DN tư nhân (1990), những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập và hoạt động của các chủ thể kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân, có hiệu lực từ 15/4/1991; Luật DN (1999) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2000 ra đời trên cơ sở hợp nhất hai đạo Luật Công ty và Luật DN tư nhân đã tạo lập ra khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường (KTTT), tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình DN, và liên tục được sửa đổi hoàn thiện các năm 2005, 2014 và tiếp tục được lấy ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Những dấu mốc quan trọng

Đồng thời, dấu mốc đổi mới chính sách kinh tế của Việt Nam cũng được ghi nhận trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, khởi đầu từ việc mở cửa thu hút FDI theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm1987) và Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN (1995); Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với và Hoa Kỳ (7/1995) và ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) ngày 13/7/2000, có hiệu lực từ ngày 10/12/2001.

Việt Nam là thành viên chính thức của WTO (2007) và ngày càng chủ động, tự tin trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước mở rộng hội nhập vào tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội…

Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp quốc (so với 11 nước năm 1954); Có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; Xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; Tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 FTA); Hiện có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những dấu mốc đổi mới chính sách kinh tế của Việt Nam thời kỳ Đổi mới đã cho thấy: Đảng ta luôn có nhận thức nhất quán đổi mới tư duy kinh tế luôn đi trước một bước và được kết hợp chặt chẽ với đổi mới tư duy chính trị, nhằm mục tiêu vì một Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, với dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Qua gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, không ngừng đổi mới và hoàn thiện chính sách kinh tế, Việt Nam đã thu nhận được những thành tựu kinh tế to lớn được dư luận trong và ngoài nước ghi nhận: Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành.

Văn hóa - xã hội có bước phát triển, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, sớm đạt được nhiều chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Diện mạo, thế và lực đất nước và đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990); Tăng lên 8,2%/năm giai đoạn 1991 - 1995; Đạt 7,6%/ năm giai đoạn 1996 - 2000; Đạt 7,34% giai đoạn 2001 - 2005; Đạt 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010; Đạt 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2015; Tăng 6,71% GDP năm 2017; 7,08 % năm 2018 và tăng 7,02% năm 2019. Năm 2019, Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư và năng lực cạnh tranh được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 DN Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, liên tục nhiều năm qua có sự góp mặt của nhiều tỷ phú USD đến từ Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, với quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD, đứng thứ 44 thế giới; Cơ cấu kinh tế có những chuyển biến tích cực, với tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống 13,96% GDP; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; Khu vực dịch vụ chiếm 41,64%.

Thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% so với từ 53% năm 1993 và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên.

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XII ban hành ngày 3/6/2017, lần đầu tiên nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân "Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, thúc đẩy và hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến, hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ".

TS.Nguyễn Minh Phong

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/buoc-chuyen-lon-trong-tu-duy-hieu-qua-trong-doi-moi-394919.html