Bước chạy đua vũ trang mới

Nhiều nước lo ngại rằng việc Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga

Trong năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ INF ký năm 1987 và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) ký năm 2010, loại bỏ gần như toàn bộ các rào cản phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân.

Tích hợp AI vào hệ thống vũ khí sát thương hàng loạt là mối quan tâm hàng đầu

Tích hợp AI vào hệ thống vũ khí sát thương hàng loạt là mối quan tâm hàng đầu

Trên thực tế, Moskva cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân, song tham vọng muốn đưa nước Nga một lần nữa trở thành cường quốc sau giai đoạn suy yếu ở những năm 80 của thế kỷ trước đã thôi thúc Tổng thống Putin đẩy mạnh phát triển lực lượng hạt nhân.

Hồi tháng 10-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF vì cho rằng, tên lửa Novator 9M729 của Nga với tầm bay hơn 5.000km vi phạm thỏa thuận. Đáp lại, Nga đã công khai mẫu tên lửa này, khẳng định tầm bắn của Novator 9M729 chỉ là 480km và không vi phạm INF.

Đầu tháng 2-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu giao nhiệm vụ cho các quan chức quốc phòng Nga phát triển hai phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa tấn công siêu xa. Bộ trưởng Shoigu nói: “Tất cả các công đoạn nghiên cứu, chế tạo phải hoàn thành cuối năm 2019, hiệu chỉnh trong năm 2020 và biên chế vào năm 2021”. Đây được xem là động thái đáp trả mạnh mẽ nhất của Nga sau khi Mỹ tuyên bố hôm 1-2-2019 về việc rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, trừ khi Moskva chấp nhận phá hủy tên lửa vi phạm hiệp ước.

Tên lửa hành trình Kalibr có tầm bắn nằm trong phạm vi hạn chế của INF. Song, INF chỉ áp dụng với các loại tên lửa được phóng theo dạng modul trên mặt đất. Bởi vậy, Kalibr hiện chỉ có phiên bản trang bị cho hải quân và các máy bay chiến đấu. Điều tương tự cũng xuất hiện với các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Cả Washington và Moskva đều sẵn sàng đưa hai loại tên lửa hành trình chủ lực, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này lên bờ ngay lập tức.

Tuy nhiên, Nga đang chứng tỏ được ưu thế khi phát triển các vũ khí siêu thanh bay ở tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh và không thể bị chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của các đối thủ.

Sự đối đầu giữa Nga và Mỹ mở ra nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, người ở thế khó lại chính là châu Âu, trước nguy cơ trở thành “sàn diễn” cho cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ. Mục đích thực sự mà Mỹ muốn hướng đến khi hủy bỏ INF không hẳn nhắm vào Nga, mà muốn siết chặt sự ràng buộc với các đồng minh châu Âu.

Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo

Đại tá về hưu Mikhail Khodarenok thuộc lực lượng vũ trang Nga nói với Hãng tin RT rằng, ông nhận thấy có 3 xu hướng phát triển công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ và vũ khí siêu thanh.

Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt khủng bố al-Nusra từ biển Địa Trung Hải

Trong một thông điệp, chuyên gia Jeremy Straub - Trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Dakota - nhận định: “Thế giới có thể đã tiến vào hoặc có lẽ đã ở trong một cuộc chiến tranh lạnh khác, vốn được AI tiếp sức”.

Tờ Express của Anh dẫn lời ông Jeremy Straub cho biết, dù Mỹ và Nga có tiến hành loại bỏ hàng nghìn vũ khí hạt nhân thì AI sẽ trở thành mối đe dọa mới.

Chuyên gia Straub cho hay: “Chiến tranh lạnh đã chấm dứt hơn 30 năm, Mỹ và Nga đã loại bỏ hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn gia tăng. Bất cứ một cuộc chiến thời hiện đại nào cũng sẽ bao gồm tấn công mạng và sức mạnh hạt nhân”.

Mặc dù trên thế giới vẫn tồn tại hàng loạt vũ khí hạt nhân, song ông Straub cho rằng, vũ khí mạng, đặc biệt là những loại được vận hành bằng AI, vẫn là thứ mà các quốc gia đều muốn sở hữu. Hệ thống AI có khả năng ra quyết định nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với con người.

Trong bài viết đăng trên The Conservation, ông Straub cho hay, trường hợp xảy ra tấn công, AI có thể hành động nhanh hơn và không do dự. AI cũng có thể dùng để kiểm soát các vũ khí phi hạt nhân, bao gồm cả các thiết bị không người điều khiển như máy bay không người lái và vũ khí mạng.

Trên thực tế, nếu đóng vai trò điều phối, AI có thể lập tức phát động một cuộc tấn công mạng, hay tấn công thực. AI có thể ra quyết định tấn công trước khi con người kịp nhận ra lý do để làm việc đó. Các hệ thống AI có thể thay đổi mục tiêu và kỹ thuật nhanh hơn nhiều so với con người.

Phát biểu tại Học viện Tên lửa chiến lược ở ngoại ô Moskva, Tổng thống Putin nói: “Nga sẽ thuộc nhóm đi đầu về AI, một số lĩnh vực sẽ đứng đầu trong việc tạo ra một đội quân thế hệ mới, một đội quân của công nghệ mới”.

Quân sự hóa vũ trụ

Đại tá Mikhail Khodarenok cho hay: “Việc quân sự hóa vũ trụ là điều không thể tránh khỏi”. Các hiệp ước vũ khí hiện nay không cho phép việc triển khai vũ khí trong vũ trụ, song Mỹ đã có động thái nhằm thiết lập lực lượng không gian.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch thành lập lực lượng vũ trụ với tư cách là quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ. Đầu năm 2019, ông Trump ký sắc lệnh chỉ đạo Lầu Năm Góc thành lập Lực lượng không gian Mỹ và chỉ định tướng John Raymond làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy vũ trụ Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị Quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách 72,4 triệu USD để phục vụ hoạt động của Lực lượng không gian Mỹ trong năm đầu hoạt động.

Nga cũng là một trong các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ những năm gần đây. Trong khuôn khổ chương trình vũ trang năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp nhiều mục tiêu. Theo đó, Moskva hợp nhất hóa hoạt động phòng không và phòng không vũ trụ, hợp nhất tất cả các lực lượng, các phương tiện của lực lượng phòng không, không quân, tên lửa vũ trụ dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không.

Cũng trong năm 2015, vệ tinh Luch của Nga đã tự di chuyển vào vị trí giữa hai vệ tinh của Tổ chức Vệ tinh viễn thông quốc tế (INTELSAT) trong quỹ đạo địa tĩnh. Động thái này đã mang tới những đồn đoán về khả năng Nga đang phát triển các vệ tinh tấn công có thể hoạt động và tiếp cận mục tiêu trong không gian.

Trong khi đó, Trung Quốc khiến cả thế giới bất ngờ khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên khám phá góc tối của mặt trăng đầu năm 2019. Trung Quốc không muốn đứng ngoài cuộc chơi khi chi tới 8,4 tỉ USD trong năm 2017 cho chương trình không gian dân sự và quân sự - theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Ấn Độ và Nhật Bản hồi tháng 3-2019 cùng tổ chức Đối thoại không gian. Ngoài việc cùng hợp tác để khám phá mặt trăng, Tokyo và New Delhi còn thống nhất hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả chia sẻ dữ liệu vệ tinh. Đây được xem là bước đi giúp hai nước tăng cường năng lực quân sự vũ trụ, cũng như giám sát các hoạt động ngoài không gian.

Hồi tháng 3-2019, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ, nhằm tìm cách hạn chế hoạt động chạy đua vũ trang trong không gian. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Hệ thống AI có thể lập tức phát động một cuộc tấn công mạng, hay tấn công thực, trước khi con người kịp nhận ra lý do để làm việc đó. Các hệ thống AI có thể thay đổi mục tiêu và kỹ thuật nhanh hơn nhiều so với con người.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/buoc-chay-dua-vu-trang-moi-561607.html