Bước chân người mù tại Seoul

Vào ban đêm những năm 1880, đường phố Seoul thuộc về phụ nữ. Nam giới, với rất ít trường hợp ngoại lệ, buộc phải ở trong nhà bởi lệnh giới nghiêm, và điều này cho phép phụ nữ có thể đi lại trên đường tương đối an toàn, tránh khỏi tầm nhìn của nam giới. Ngoài phụ nữ, một nhóm đối tượng khác cũng có thể đi lại tự do trên phố ở khung giờ đó là những người mù.

Seoul cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Percival Lowell, một người Mỹ sống ở Seoul vào mùa đông năm 1883/84 cũng là một trong những trường hợp ngoại lệ. Ông đã kể lại về những ngày tháng lang thang trên những con phố đêm Seoul. Lowell đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của người mù hơn nhiều người cùng thời. Dường như với ông, những cuộc gặp gỡ với những người mù vào ban đêm trên những con phố đông đúc nhất của Seoul không phải là hiếm. Và rồi ông nhận thấy những người mù thành phố có thể ra đường vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

"Họ ra đường vào mọi khung giờ, cách họ có thể và dám băng qua các con đường trong thành phố là một điều gì đó hơi kỳ diệu, vì họ đi hoàn toàn một mình. Không cần một cậu bé hay một chú chó trung thành nào dẫn đường, che chở họ trong đám đông. Chỉ với một cây gậy dài, họ mạo hiểm hòa mình vào đám đông thành phố. Họ mạnh dạn bước về phía trước, và bằng cách nào đó giữ bản thân tránh khỏi bị thương."

Tốc độ di chuyển vừa phải của những người xung quanh sẽ giúp những người mù ít gặp nguy hiểm hơn. Nhưng hành động rất táo bạo, và sự tự tin trong từng bước đi của họ là điều khiến Lowell vô cùng ấn tượng.

Mặt khác, một số người sáng mắt có thể sẽ nhìn những người khiếm thị với ánh mắt thương hại hoặc dè chừng. Theo Giáo sư Lim Dong-kwon, một nhà văn học dân gian, việc gặp một người mù trên đường thậm chí còn được coi là điềm xui xẻo.

Cửa Tây Seoul, khoảng năm 1900. (Ảnh: Robert Neff)

Ngoài việc mù bẩm sinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mù lòa.

Vua Sejong (1418-1450), người được vinh danh vì vai trò của mình trong việc tạo ra chữ Hangeul, đã bị bệnh tiểu đường cướp mất thị lực. Đôi khi, không phải là căn bệnh mà cách chữa bệnh đã cướp đi thị lực của nạn nhân. Annabel Nisbet, một nhà truyền giáo cho biết một số bà mẹ đã đắp thuốc lá hoặc phân bò lên đôi mắt yếu kém của những đứa trẻ mắc bệnh sởi hay đậu mùa, khiến tình trạng viêm nhiễm hình thành và đứa trẻ bị mù. Ông cũng nhớ lại việc điều trị cho một đứa trẻ với đôi mắt bị nhiễm trùng nặng. Người mẹ tin rằng một linh hồn ma quỷ là nguyên nhân gây ra tình trạng của con gái bà. Một linh hồn đã trừng phạt gia đình bằng cách làm nhiễm trùng mắt của đứa bé và gia đình rất miễn cưỡng chữa trị vì không muốn "xúc phạm" thêm linh hồn đó.

Những vụ án liên quan đến người khiếm thị

Năm 1896, hai người đàn ông mù bị nghi ngờ vì đã mua hai mươi hai cuộn vải và thanh toán bằng tấm séc giả. Tuy nhiên, xem xét sự suy giảm thị lực của họ, người ta nghĩ có lẽ họ cũng là nạn nhân. Vào tháng 6/1909, một người đàn ông mù tên là Soh Kan-il, ở Ahyeon-dong đã bị bắt vì tội trộm cắp. Người này đã đến nhà của bạn mình, Kim Syong-tai (cũng bị mù) và lấy trộm 6 yên. Những gì đã xảy ra của vụ án liên quan đến người khiếm thị luôn không rõ ràng và rất khó để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Quỳnh Hoa

Theo The Korea Times

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/buoc-chan-nguoi-mu-tai-seoul-post109031.html