'Bước chân an lạc' - ai 'sống sít' sẽ không hiểu

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, đây là một bộ phim tài liệu làm rất giỏi, khuôn hình đẹp, giàu ngôn ngữ điện ảnh. Nếu ai đã hiểu về Phật pháp một phần nào, đặc biệt về cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì sẽ thấy rất thấm thía, còn nếu chỉ sống sít xem phim nói về cái gì thì sẽ không hiểu…

Tối 10/3, tại Hà Nội, Tăng thân Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu và giới thiệu bộ phim tài liệu nổi tiếng dài 86 phút “Bước chân an lạc” (Walk with me). Bộ phim của hai đạo diễn nổi tiếng người Anh từng đoạt giải Oscar là Max Pugh và Marc J. Francis được coi là một Hành trình đến với hạnh phúc đích thực cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Được biết, với sự giúp đỡ của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bộ phim đã lần lượt được giới thiệu và khởi chiếu ở TPHCM, Đà Nẵng, Huế và nay là ở Hà Nội.

Tới dự Lễ ra mắt và giao lưu có Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Sư cô Chân Không cùng Tăng thân đến từ Làng Mai (Pháp), và đông đảo khách mời.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, sư cô Chân Không, sư thầy Trung Hải tại buổi giao lưu. Ảnh: Việt Hùng

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, sư cô Chân Không, sư thầy Trung Hải tại buổi giao lưu. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều nhà sư có mặt tại buổi giao lưu và công chiếu bộ phim Bước chân an lạc ở Hà Nội. Ảnh : Việt Hùng

Nhiều vị đại sứ và khách nước ngoài đã tới dự giao lưu và thưởng thức bộ phim Bước chân an lạc. Ảnh: Việt Hùng

Ban Tổ chức đã mời Sư cô Chân Không - một người từng là tiến sĩ sinh học tại Pháp, Thầy Trung Hải – một vị xuất gia trẻ tuổi của làng Mai, một học trò xuất sắc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch hội nhà Văn Việt Nam lên sân khấu để giao lưu cùng khán giả.

Tại buổi giao lưu, Sư cô Chân Không nói rằng, đây là một bộ phim không chỉ để xem 1 lần mà nên xem nhiều lần. Mỗi lần xem chúng ta lại sẽ tìm thấy một điều mới, một đề tài mới về thiền quán. Bộ phim mời chúng ta đi cùng những bước chân thiền quán của sư thầy Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn làng Mai, họ đi giữa rừng cây trụi lá của mùa đông buốt giá, đi giữa những khu rừng xanh biếc, đi giữa cơn mưa, đi giữa phố xá New York ồn ào xe cộ bậc nhất thế giới… “Rồi ngồi xuống thở và cười trong khi có những người tới chửi mình - “quý vị đừng có tin ông Phật Thích Ca…Chỉ có chúa trời mới…” - mình ngồi mình nghe rất là tỉnh táo và không có giận gì hết. Rồi mình đi chỗ nọ chỗ kia, có khi rất thảnh thơi, an lạc,có khi qua phố xá khó khăn. Đó là cách người làm phim muốn mời chúng ta tham dự những giây phút thiền quán như là tác giả đã đi theo” - Sư cô Chân Không nói.

Tăng thân làng Mai hát tại buổi giao lưu. Ảnh : Việt Hùng

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì cho rằng, đây là một bộ phim tài liệu làm rất giỏi, không phải vì tác giả của nó từng đoạt giải Oscar, nhiều thước phim quay rất đẹp, rất giàu ngôn ngữ điện ảnh. Nếu ai đã hiểu về phật pháp một phần nào, đặc biệt về cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì sẽ thấy rất thấm thía, còn nếu chỉ sống sít xem xem phim nói về cái gì thì sẽ không hiểu…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh: “Theo tôi, đây là phim thiền chứ không phải phim về thiền. Chúng ta hãy bước vào rạp như bước vào một thiền viện, và khi chúng ta xem là chính chúng ta đang thiền”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có yêu cầu tác giả bộ phim không được nói nhiều về mình, chính vì vậy mỗi lần ông xuất hiện chỉ mấy giây, công lại không đến 5 phút. “Nhưng toàn bộ tinh thần của thầy Hạnh, của làng Mai đã hiện lên hết trong phim.Tôi rất thích bộ phim này. Phim Thiền!” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định.

Khán phòng buổi giao lưu không còn một chỗ trống.Ảnh : Việt Hùng

Còn theoThầy Trung Hải – một vị xuất gia trẻ tuổi của làng Mai, bộ phim này là một lời mời, lời mời mỗi chúng ta trở về và tiếp xúc với mỗi bước chân an, mỗi hơi thở lạc. Mỗi người đều có trong mình một nguồn năng lượng rất lớn, năng lượng của tuệ giác, năng lượng của từ bi… Mỗi thước phim này chỉ đơn giản là một con đường để mỗi người có thể quay về, có thể khám phá được cái không gian hạnh phúc, không gian bình yên đó trong mỗi chúng ta, Và không gian ấy không phải ở một nơi nào đó quá xa vời, không gian ấy ở chính nơi mình đang sống, chỗ mình đang ngồi, ở chính trong mỗi hơi thở của chúng ta.

Việt Hùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/buoc-chan-an-lac-ai-song-sit-se-khong-hieu-1249223.tpo