Buộc bác sĩ Hàn Quốc đến Triều Tiên- dự luật gây tranh cãi

Dư luận Hàn Quốc đang sôi sục về dự luật gây tranh cãi khi cắt cử nhân viên y tế tới Triều Tiên trong trường hợp khẩn cấp xảy ra thảm họa sức khỏe.

Các tổ chức bác sĩ tại Hàn Quốc cũng như các chính đảng đối lập đang chỉ trích gay gắt động thái này của nhà chức trách, khi cho rằng lực lượng y tế không phải là "món hàng" để chính phủ có thể điều chuyển, theo một dự luật gây tranh cãi vừa được ban hành.

 Bộ trưởng Bộ Thống nhất Lee In-young giải thích dự luật gây tranh cãi trong phiên họp Quốc hội hôm 1/9. Yonhap

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Lee In-young giải thích dự luật gây tranh cãi trong phiên họp Quốc hội hôm 1/9. Yonhap

Theo đó, bản dự luật do nữ Hạ nghị sĩ Shin Hyun-young của đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) đệ trình hồi tháng 7, có bao hàm điều khoản trao đổi nhân viên y tế liên Triều trong tình huống khẩn cấp.

Cụ thể là nếu Triều Tiên mắc vào tình trạng thảm họa cần sự hỗ trợ về y tế thì chính phủ Hàn Quốc phải chung tay nỗ lực giải quyết, đồng thời cung cấp các gói viện trợ khẩn cấp như nhân viên y tế, thiết bị và thuốc men cho miền Bắc.

Sự việc tiếp tục được cộng hưởng và gây xôn xao dư luận mấy ngày qua khi một dự luật gây tranh cãi khác do Hạ nghị sĩ Hwang Un-ha của đảng DPK đệ trình vào tháng 8 nhằm sửa đổi, bổ sung đạo luật kiểm soát thiên tai, vốn cũng có cùng nội dung cử nhân lực đến Triều Tiên giống như xảy ra tình huống thảm họa y tế.

Tuy nhiên, theo các tổ chức bác sĩ và đảng đối lập Tương lai Thống nhất (UFP), cả hai dự luật trên đều nhằm tạo ra cơ sở pháp lý để chính quyền ép buộc đội ngũ nhân viên y tế trong nước phải đến Triều Tiên thực thi nhiệm vụ.

Phía lực lượng y tế đã phản ứng dữ dội bởi trước đó họ đã xung đột gay gắt với chính phủ xung quanh kế hoạch cải tổ hệ thống nhân lực trong ngành. Hạ nghị sĩ Kim Gi-hyeon của đảng UFP đã yêu cầu Bộ trưởng Thống nhất Lee In-young phải làm sáng tỏ ngay trong phiên họp Quốc hội, nếu ông đồng ý với các dự luật nhạy cảm này.

Ông Lee cho biết, việc cắt cử đội ngũ y tế dựa theo nguyên tắc nếu nó phù hợp với các cam kết hợp tác y tế. Tuy nhiên ông Lee cũng cho rằng cần cân nhắc điều khoản mức độ bắt buộc giống như trong dự thảo đưa ra hay không, và liệu điều này có đúng luật hay không, đồng thời cho biết thêm cần có các cuộc thảo luận về các chi tiết trong điều khoản trao đổi y tế.

Hôm qua, một nhóm bác sĩ đã đưa ra tuyên bố yêu cầu hai Hạ nghị sĩ Shin và Hwang rút lại các dự luật gây tranh cãi khi cho rằng, chúng "vi phạm các quyền cơ bản của nhân viên y tế đã được ghi trong Hiến pháp".

Phó phát ngôn viên của đảng UFP Hwang Kyu-hwan cho biết, các dự luật này sẽ tước đi quyền lợi của các nhân viên y tế, những người đã dẫn đầu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, và buộc họ phải đi đến miền Bắc giống như họ là những người lính quân dịch.

Bà Shin Hyun-young nói sẵn sàng tình nguyện đi chống Covid-19 tại Triều Tiên. Ảnh: KRT

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên suốt vài tháng qua vẫn chưa có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, sau khi Bình Nhưỡng vẫn nhất quyết không xin lỗi về việc đánh bom phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều.

“Tôi không biết chính phủ quan tâm đến những ai (giữa người Triều Tiên và Hàn Quốc) và đảng đương quyền có ưu tiên đến những chính sách nào", ông Hwang tuyên bố.

Hạ nghị sĩ Shin, người từng là bác sĩ trước khi dấn thân vào chính trường thì giải thích, dự luật mà bà đệ trình không nhằm mục đích ép buộc điều động nhân viên y tế tới miền Bắc.

Phát biểu trong cuộc họp chiều nay (2/9), bà Shin nói: “Nó đơn thuần chỉ là việc cung cấp cơ sở pháp lý để chính phủ hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế Hàn Quốc tình nguyện muốn đi viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Một khi bệnh dịch truyền nhiễm lây lan mạnh ở Triều Tiên, nó cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hàn Quốc. Tôi sẽ là người đầu tiên (tình nguyện) nếu cần nhân viên y tế lên đường để bảo vệ người dân Hàn Quốc".

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/buoc-bac-si-han-quoc-den-trieu-tien-du-luat-gay-tranh-cai-d272333.html