Bừng sáng nghề dạy học cao quý

Cuộc vận động 'Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' mà ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội triển khai suốt 10 năm qua, hay phong trào thi đua 'Đổi mới sáng tạo trong dạy và học' mới bắt đầu từ năm học vừa qua nhưng thực sự là nơi góp phần để các nhà giáo Thủ đô bừng sáng nghề dạy học cao quý cũng như góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng và chất lượng giáo dục - đào tạo của Hà Nội nói chung.

“Đã qua rồi thời kỳ mà người thầy có quyền năng tối thượng. Ở trường chúng tôi, trò có thể nhận xét thầy, “chấm điểm thầy”. Đây là câu chuyện “khó nghe” ở thời kỳ trước nhưng gần đây nó đã trở thành việc “từng nghe”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở GD - ĐT Hà Nội và Chủ tịch CĐ ngành GD Hà Nội trao thưởng cho những cá nhân xuất sắc

Chúng tôi tự hào về đạo đức và phẩm chất của những người làm thầy nhưng lại không thể chủ quan về năng lực sự phạm. Một người làm thầy có đạo đức vẫn có thể là người thầy mà học sinh không muốn học. Một giáo viên giỏi một vài năm trước có thể sa sút lạc hậu ở thời điểm sau. Chưa bao giờ phương pháp giảng dạy lại lên ngôi trị vì như bây giờ. Phương pháp dạy và tổ chức học làm nên người thầy giỏi thời nay chứ không chỉ là kiến thức.

Chính vì thế, việc thực thi dân chủ tổ chức cho học sinh góp ý nhận xét, bình chọn giáo viên hàng năm đã giúp giáo viên buộc phải vươn lên và không ngường làm mới, không ngừng cố gắng...”- đó là chia sẻ của cô giáo Cao Thanh Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) đề cập về ý nghĩa thiết thực của việc triển khai cuộc vận động và phong trào thi đua nói trên trong bối cảnh môi trường học đường và nhận thức xã hội có nhiều thay đổi.

Chính vì thế, quan điểm của nhà trường là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở trường học chính là gieo mầm dân chủ xanh tươi cho xã hội. Khi người thầy làm gương dân chủ, dạy dân chủ và rèn luyện về dân chủ cho học trò là hữu hiệu nhất.

Còn tại Trường Tiểu học Gia Thụy (Long Biên), lãnh đạo nhà trường luôn ý thức việc người giáo viên chủ dạy tốt khi học còn đang tiếp tục học. Điều đó có nghĩa là việc học với mỗi thầy cô là hết sức quan trọng và phải thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn.

“Một trong những biện pháp nâng cao tay nghề rất có hiệu quả là việc học tập qua các tiết dự giờ đồng nghiệp khi có tiết trống hoặc cho giáo viên bồi dưỡng nghiệp vụ qua việc tổ chức các tiết dạy chuyên đề đặc biệt quan tâm đến những bài khó, phân môn mà giáo viên còn thấy lúng túng, khó khăn... Điều đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường”- cô Nguyễn Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường TH Gia Thụy cho hay.

Trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” Với mục đích tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong năm học 2016 – 2017... Sở GD ĐT Hà Nội phối hợp với CĐ ngành Giáo dục Hà Nội lần đầu tiên tổ chức xét và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2016 - 2017cấp Thành phố.

Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, 100 nhà giáo tiêu biểu đã được đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng này gồm có: 13 nhà giáo cấp học Mầm non, 18 nhà giáo cấp học Tiểu học, 26 nhà giáo cấp học THCS, 41 nhà giáo cấp học THPT và 02 nhà giáo là lãnh đạo phòng GD- ĐT, trong đó có 37 nhà giáo là Cán bộ quản lý và 64 nhà giáo trực tiếp giảng dạy.

Không chỉ dừng lại ở việc trau dồi kiến thức cho bản thân mà còn là sự chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp nên ở Trường Mầm non chất lượng cao Việt – Bun (Hai Bà Trưng) đã hình thành nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” do cô giáo Nguyễn Thị Trang Nghiêm – Chủ tịch CĐ nhà trường khởi xứng. Vì thế, ngoài việc quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp làm đồ dùng học tập cho học sinh, trang trí trường lớp hay chia sẻ những sáng kiến kinh nghiệm cho các giáo viên, cô Nghiêm còn sáng tạo nhiều đồ dùng học tập phục vụ cho công tác giảng dạy học sinh để đạt hiệu quả cao hơn...

Vì thế, chứng kiến những nụ cười hạnh phúc của con trẻ, thấy các em lớn khôn cả về thể chất và tinh thần và được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em là niềm hạnh phúc và động lực để cô Nghiêm vượt qua khó khăn, vất vả để tiếp tục sứ mạng trồng người cao quý.

Với tư duy, đổi mới môi trường giáo dục khép kín thành môi trường giáo dục mở, có sự tham gia của phụ huynh và các lực lượng xã hội, Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy) bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, dặc biệt là dạy học tích hợp liên môn gắn thực tế trong không gian mở ngoài lớp học nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo cho học sinh, nhà trường còn có quan niệm ”mỗi phụ huynh là một nhà tư vấn giáo dục”.

Vì thế nhà trường luôn chủ động lắng nghe mọi ý kiến đóng góp, chia sẻ của phụ huynh thông qua việc tổ chức các diễn đàn để phụ huynh trao đổi thẳng thắn những bí quyết giáo dục thành công của gia đình, hay thành lập hòm thư “Điều em muốn nói” để các học sinh dễ dàng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng... “Tất cả những việc làm nhỏ đó đã tạo được một không khí dân chủ trong nhà trường. Từ đó có những điều chinh kịp thời trong quản lý, điều hành để tạo được sự đồng thuận cao giữa cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh” – Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh cho hay.

Chính vì thế, sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và 1 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô có sự chuyển biến tích cực, nhiều thầy cô thực sự là tấm gương để học sinh noi theo.

Trong 10 năm qua đã có 110 nhà giáo Hà Nội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” “Nhà giáo Ưu tú”. Đó là những tấm gương sáng, tiêu biểu luôn đi đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hết lòng chăm lo sự nghiệp giáo dục, là người có công lao to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

K.Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bung-sang-nghe-day-hoc-cao-quy-63833.html