Bùng phát căng thẳng giữa Nga và Ukraine

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bắt đầu bùng phát sau sự cố đụng độ xảy ra trên biển Đen hôm 25-11 (giờ địa phương) khiến Nga quyết định đóng cửa tuyến đường biển quan trọng và Ukraine tuyên bố sẽ ban bố tình trạng thiết quân luật để đáp trả.

Máy bay chiến đấu Nga bay giám sát phía trên cầu bắc qua eo biển Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga ngày 26-11. Ảnh: Reuters

Sáng 25-11, Nga đã đã ngăn chặn 3 tàu hải quân của Ukraine tiếp cận eo biển Kerch - eo biển nối liền biển Azov với biển Đen. Theo hải quân Ukraine, các tàu thuộc lực lượng bảo vệ biên giới của Nga đã nổ súng vào hạm đội hải quân của Ukraine khiến 6 thủy thủ bị thương, sau đó Nga đã bắt giữ cả 3 tàu và toàn bộ thủy thủ đoàn.

Theo báo RT (Nga) đưa tin, phía Nga cũng đã xác nhận sử dụng vũ khí để ngăn tàu Ukraine xâm phạm trái phép lãnh hải Nga trên biển Đen. Theo hiệp ước ký kết năm 2003, Nga và Ukraine đều có quyền tự do đi lại trên biển Azov và eo biển Kerch. Tuy nhiên, hiệp ước có quy định chi tiết về phương thức tàu thuyền đi lại qua khu vực trên. Tất cả tàu thuyền lưu thông trên eo biển Kerch cần liên hệ, báo điểm dừng và nhận giấy phép đi qua eo biển tại cảng biển Kerch do Crưm kiểm soát. Nhưng theo phía Nga thông báo, 3 tàu của Ukraine đã không tuân thủ theo quy định, bỏ qua các cảnh báo của tàu Nga và tiến hành nhiều hành động “nguy hiểm”, buộc tàu Nga phải nổ súng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax (Nga), đại diện lực lượng bảo vệ biên giới Nga cho biết có thể các tàu hải quân Ukraine đang muốn tạo ra một tình huống xung đột trong khu vực. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Nga đã phong tỏa tuyến đường hàng hải, tạm thời ngăn tàu thuyền không được đi qua eo biển trong 1 ngày. Nga cũng điều động trực thăng chiến đấu Ka-52 và máy bay chiến đấu Su-25 bay giám sát cầu Crưm bắc qua eo biển Kerch để đề phòng xảy ra các hành động khiêu khích mới tại khu vực này.

Về phía Ukraine, ngày 26-11, tổng thống Petro Poroshenco đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc trong vòng 30 ngày. Theo đó, tình trạng thiết quân luật sẽ cho phép chính quyền và quân đội Ukraine một số quyền cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời cho phép tổng thống ra quyết định độc lập hơn về vấn đề an ninh. Bên cạnh đó, quân đội Ukraine đã chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cảnh báo cao nhất sau khi Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine ủng hộ đề xuất thiết quân luật của tổng thống Petro Poroshenco.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 26-11 đã tổ chức họp khẩn theo đề nghị của Nga và Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng kêu gọi Nga mở cửa trở lại tuyến đường hàng hải và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để giải quyết tình hình căng thẳng. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các động thái trên biển Azov và eo biển Kerch, đồng thời lên tiếng ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.

Quan hệ giữa Nga - Ukraine xấu đi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine năm 2005 dẫn tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc chiến đang diễn ra tại miền Đông Ukraine liên quan đến những người ly khai ủng hộ Nga. Cuộc chiến ly khai giữa phiến quân và quân đội Ukraine đã cướp đi hơn 10.300 sinh mạng kể từ năm 2014 và các cuộc đụng độ dẫn đến thương vong vẫn đang diễn ra.

Gần đây, Ukraine đang dần triển khai nhiều hoạt động tuần tra quân sự cũng như một số lực lượng hải quân, không quân tới khu vực biển Azov với tham vọng thiết lập căn cứ quân sự gần khu vực này. Tháng trước, quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo luật cho phép Kiev mở rộng các biện pháp kiểm soát hàng hải ngoài khơi bờ biển phía Nam. Trước các động thái của Ukraine, Nga đã từng cảnh báo sẽ chống lại mọi hành động đơn phương nhằm thiết lập biên giới quốc gia tại biển Azov.

Vụ việc vừa xảy ra đã làm bùng phát lên cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga và Ukraine trong mấy tháng qua. Trong khi đó, Ukraine đang hối thúc NATO và EU can thiệp và tạo thêm áp lực đối với Nga. Giờ đây, bất kỳ động thái mới nào trên biển Azov đều có thể khiến hai nước leo thang căng thẳng và gia tăng các cuộc đụng độ quân sự ở phạm vi lớn hơn.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bung-phat-cang-thang-giua-nga-va-ukraine/