Bùng phát bệnh tay chân miệng

Từ đầu tháng 9-2018 đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) tăng nhanh, không chỉ ở TP Cần Thơ mà còn ở các tỉnh xung quanh, khiến các cơ sở điều trị lâm vào tình trạng quá tải, nhất là Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Bệnh tràn ra cả hành lang

Ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ có rất đông trẻ bị TCM. Nhiều phòng bệnh có tới 2-3 cháu/giường, Khoa kê giường bệnh tràn ra cả hành lang mà vẫn không đủ chỗ cho các cháu nằm. Bệnh nhi nằm trên giường, người nuôi nằm vật vờ ở hành lang, thậm chí dưới gầm giường. Nhiều gia đình bồng con ra khu hành lang, sảnh (gần thang máy) nằm.

Vừa lau mát cho cháu, bà ngoại của bé Trần Gia Phúc, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, tâm sự: “Bệnh đông quá, đành chịu, bồng về thì không yên tâm. 5 ngày nhập viện, toàn nằm hành lang, khi nào khám thì bồng cháu vô phòng bệnh. Phòng bệnh đông, tiếng trẻ khóc, nóng bức chịu không nổi, bồng ra hành lang, trải chiếu nằm cho mát. Bé sốt, nổi mụn trong họng nên bỏ ăn, bú rất ít”.

Phòng bệnh quá tải với 2-4 cháu/giường.

Nhiều người thân của bé Huỳnh Ngọc Bích cùng chen chúc nhau trên cái chiếu nhỏ ở hành lang. Bà nội của bé kể: “Một cháu bệnh, 2 người nuôi để thay nhau chăm sóc. Trong phòng đông, nóng quá, nên cả nhà ra hành lang. Tôi nuôi cháu mà muốn bệnh theo. Cả khu này, 1 giường toàn từ 2-4 đứa, hành lang không còn chỗ trống. Nhìn mấy bác sĩ và điều dưỡng tội lắm, họ làm không ngơi tay nhưng người nhà hỏi, họ vẫn trả lời vui vẻ, thân thiện”.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ Trần Văn Dễ, ngày 10-10, Khoa Truyền nhiễm có 213 bệnh nhi đang điều trị. Trong đó có 162 ca bệnh TCM. Ngoài ra, lượng bệnh TCM điều trị ngoại trú hàng ngày dao động khoảng 200 bệnh nhi/ngày. Khoa có 70 giường bệnh nhưng thực kê 160 giường. Khoa tận dụng phòng sinh hoạt nhân viên, hành lang rộng ngăn thêm phòng, kê thêm giường cho bệnh nhi nằm. Năm nào vào mùa này, TCM cũng tăng nên bệnh viện đã có sự chuẩn bị trang thiết bị, thuốc điều trị... không lo thiếu. Lượng bệnh ở TP Cần Thơ chỉ chiếm ¼, còn lại các tỉnh trong khu vực. Cũng theo bác sĩ Trần Văn Dễ, trong tháng 9, bệnh tăng rất nhanh với 411 ca TCM nội trú, (tháng 8 có 146 ca), cùng kỳ 2017 có 318 ca.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 8-10-2018, toàn thành phố có 690 ca TCM, giảm 52 ca so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ Huỳnh Minh Trúc cho biết, TCM tăng đột biến trong tháng 9 với 280 ca (tháng 8 chỉ có 109 ca). Tất cả 9 quận, huyện đều có xu hướng tăng. Đây là mùa cao điểm của bệnh TCM nên người dân, cán bộ y tế cần tập trung cảnh giác.

Bệnh nặng nhiều

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết, ngày đầu tuần lượng bệnh trong khoa dao động từ 280-290 bệnh nhi/ngày. Những ngày còn lại dao động từ 220-230 bệnh. Trong đó phần lớn là trẻ bị TCM. Có ngày trẻ bị TCM xuất viện 90-100 ca. Trong tình hình quá tải, bệnh viện cũng tăng cường thêm nhân sự cho khoa nhưng nhân viên của Khoa luôn làm việc trong tình trạng quá tải.

Do bệnh TCM đa số ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ bị nặng thường ở dưới 3 tuổi do sức đề kháng còn yếu. Trẻ nhỏ, bệnh phức tạp và diễn tiến rất nhanh, nên đa phần tuyến dưới chỉ điều trị trẻ bị TCM độ I (nổi mụn, không sốt, ăn, bú được), còn lại đều chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Theo bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, tỷ lệ trẻ bị TCM dương tính với EV 71 khá nhiều, có ngày khoa chuyển bệnh nhi bị TCM nặng xuống Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tới 3-4 ca. Có ca TCM đang độ I, đột ngột suy hô hấp, chuyển độ III. Năm nay, trẻ bị TCM diễn tiến suy hô hấp cũng nhiều hơn các năm trước và diễn tiến rất phức tạp.

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng khuyến cáo, khi trẻ bị TCM, nếu chỉ độ I thì có thể điều trị tại nhà. Nhưng khi trẻ có sốt, bỏ bú, bỏ ăn... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để khám và điều trị ngay.

Tại buổi làm việc với Trường Mầm non Thanh Xuân, quận Ninh Kiều về công tác y tế trường học, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Nghĩa cũng lưu ý: Bệnh TCM rất dễ lây lan, nhất là trong nhà trường. Các cô cẩn thận kiểm tra các cháu đầu giờ học, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần liên hệ với phụ huynh rước cháu về đi khám ngay. Các cô thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng của trẻ bằng chất sát khuẩn. Khi có ca bệnh xảy ra, phải tổng vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng… của trẻ bằng nước pha cloramin B. Hằng ngày, khi có trẻ nghỉ học, nhà trường cần nhanh chóng liên hệ phụ huynh xem trẻ nghỉ học vì bệnh gì. Cuối ngày, khi phụ huynh rước trẻ, nhà trường nên phát loa tuyên truyền cho phụ huynh về căn bệnh này.

Bài, ảnh: H.HOA

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/-bung-phat-benh-tay-chan-mieng-a102741.html