Bùng nổ xe MPV cỡ trung ở Việt Nam

Ford Tourneo, Peugeot Traveller là những mẫu xe MPV mới xuất hiện ở Việt Nam trong nửa cuối 2019. Cả hai đều là đối thủ xứng tầm Kia Sedona đang rất ăn khách.

Năm 2019 đánh dấu nhiều sự thay đổi lớn ở thị trường xe Việt. VinFast bán ra ba mẫu xe đầu tay, tăng phí trước bạ bán tải, Mazda có bộ đôi CX-8, Mazda 3 2020, Toyota Camry, Honda Accord thế hệ mới ra mắt. Đặc biệt, phân khúc xe MPV nóng lên khi Ford Tourneo, Peugeot Traveller lần lượt ra mắt.

Thực tế, phân khúc xe này không còn lạ lẫm với người dùng trong nước, Kia Sedona là bằng chứng rõ nét. Lắp ráp, động cơ dầu tiết kiệm, giá tốt, ngoại hình không quá thực dụng giúp Sedona dễ dàng chinh phục khách Việt.

Ford Tourneo mang đến làn gió mới cho thị trường xe MPV trong nước.

Ford Tourneo mang đến làn gió mới cho thị trường xe MPV trong nước.

Hết 2018, Kia bán 2.451 xe Sedona. Từ đầu 2019 tới nay, có 2.481 xe Sedona đã lăn bánh, trung bình mỗi tháng 225 chiếc đến tay khách hàng. Doanh số Sedona ổn định khiến các mẫu MPV khác mất dần thị phần.

Lý do một phần do Honda Odyssey, Toyota Alphard đều có mức giá trên dưới 2 tỷ đồng, quá cao so với mặt bằng chung. Hai mẫu MPV của Mỹ và Pháp mới ra mắt có gì để cạnh tranh với xe Hàn.

Ford Tourneo: Rẻ, không có máy dầu

Giá bán chưa đầy 1,1 tỷ đồng cho bản cao nhất, Tourneo là xe MPV rẻ nhất phân khúc hiện nay. Mẫu xe 7 chỗ thứ ba của Ford ở Việt Nam (sau Explorer, Everest) gây chú ý bởi kích thước khá đồ sộ.

Chiều cao gần 2 mét, hành khách di chuyển giữa hàng ghế hai và ba không phải cúi người quá sâu như các mẫu MPV Nhật, Hàn vốn bị giới hạn bởi chiều cao hạn chế.

Như mọi mẫu MPV khác, Tourneo có cấu hình ghế độc lập ở hàng ghế hai. Tùy biến hàng ghế thứ ba theo từng nhu cầu chuyên chở cũng được nhà sản xuất chăm chút.

Gập, dựng thậm chí là tháo toàn bộ hàng ghế thứ ba để tạo thêm sức chứa là điều hiếm thấy hoặc người dùng không thể làm được trên những chiếc xe 7 chỗ khác. Đây cũng là một ưu thế độc đáo trước Kia Sedona, vốn không có tính năng này.

Ford Tourneo là xe MPV thứ tư dùng động cơ xăng nhưng có dung tích nhỏ (không có động cơ dầu). Theo Ford, động cơ tăng áp 2.0L cho công suất 200 mã lực, mô-men xoắn 300 Nm. Hộp số tự động 6 cấp.

Một ưu điểm khác ở Tourneo là hệ thống treo khí nén điện tử. Hệ thống này mang đến sự êm ái cho người ngồi ở hai hàng ghế sau.

Ngay cả khi người tiêu dùng chỉ có điều kiện sắm bản tiêu chuẩn (thiếu camera lùi, ga tự động) có giá lăn bánh 1,15 tỷ đồng, hệ thống treo khí nén vẫn hiện hữu mẫu xe này. Kiểu dáng hình hộp vẫn là băn khoăn của đại đa số người Việt vốn có tâm lý mua xe bằng mắt.

Peugeot Traveller: Có máy dầu, giá 1,7 tỷ đồng

Lắp ráp nhưng Peugeot Traveller có giá bán cao bất ngờ. Theo Trường Hải, Traveller có giá 1,7 tỷ đồng cho bản thường Luxury. Định giá cao là hướng đi khá mạo hiểm khi thương hiệu xe Pháp mới chỉ nổi lên trong khoảng 2 năm trở lại đây. Phiên bản cao cấp Premium có giá 2,2 tỷ đồng.

Khó có thể xóa bỏ hình ảnh "xe khách" ở Peugeot Traveller.

Ngoài giá, Peugeot Traveller gây ấn tượng với chiều dài 5,3 mét, khoảng cách giữa 2 trục bánh xe là 3.275 mm, lớn nhất phân khúc. Nhờ thế, không gian cho hành khách ở hai hàng ghế sau là rất rộng thậm chí, người dùng có thể tạo thêm khoảng trống khi tháo hàng ghế thứ ba (như Ford Tourneo).

Khi dựng cả ba hàng ghế, cốp sau ở Peugeot Traveller có thể tích lên tới 1.384 lít, rộng hơn rất nhiều so với SUV Everest (450 lít). Toyota Alphard gập hàng ghế ba cũng chỉ được 612 lít thể tích chứa đồ.

Hàm lượng công nghệ hỗ trợ vận hành hơn ở Traveller vừa đủ cho nhu cầu đi lại như hệ thống phân phối lực phanh điện tử, cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn, cảm biến áp suất lốp, camera lùi.

Traveller chỉ có lựa chọn máy dầu 2.0L công suất 150 mã lực, mô-men xoắn 370 Nm ở ngưỡng vòng tua 2000 vòng/phút. Hộp số 6 cấp. Khả năng vận hành của xe được tăng cường với các chế độ lái theo địa hình khác nhau.

Ưu thế kích thước ở Peugeot Traveller đem lại lựa chọn mới mẻ cho khách hàng, đặc biệt là giới doanh nhân. Phiên bản Premium được lược bỏ hàng ghế thứ ba, thay vào đó, khoang hành khách được ngăn cách với khoang lái bởi vách ngăn.

Các tiện nghi cao cấp kèm theo là màn hình 32 inch tích hợp hệ điều hành Android, ổ cứng 500 Gb, hệ thống âm thanh 6 loa với 1 loa trầm, sàn xe bằng gỗ. Cặp ghế độc lập thêm các chức năng massage, làm mát.

Cuộc đua doanh số trong năm 2020

Cả Ford Tourneo và Peugeot Traveller đều có kiểu dáng hình hộp, đuôi xe vuông. Trong khi tính thực dụng ở ngoại hình Kia Sedona không thể hiện nhiều. Người Việt có tâm lý mua xe bằng mắt sẽ khó chuộng thiết kế này khi chiếc xe như một chiếc minibus đô thị.

Một nhân viên bán hàng của Ford từng chia sẻ: "Tourneo cùng tầm tiền Everest nhưng nhiều khách hàng vẫn chọn Everest bởi, bước xuống từ một chiếc xe SUV vẫn lịch sự, nam tính hơn một chiếc xe khách trong khi vẫn có 7 chỗ". Thay đổi suy nghĩ, tâm lý mua sắm của khách Việt là điều không dễ dàng.

Sự thực dụng ở Ford Tourneo có vượt qua định kiến của người Việt về xe MPV ?

Giá cao cũng là một rào cản lớn. Mức giá lăn bánh gần 2 tỷ đồng cho Peugeot Traveller bản thường chắc chắn làm nhiều người e ngại và khó đánh bại Kia Sedona đang có giá bán thấp hơn vài trăm triệu đồng.

Thực tế cho thấy, giá lăn bánh từ 1,1-1,2 tỷ đồng là khoảng giá lý tưởng để người Việt tiếp cận phân khúc xe MPV. Cao hơn mức này, xe MPV khó có doanh số cao thậm chí ngưng phân phối. Toyota Alphard, Honda Odyssey là ví dụ rõ nét nhất.

Rõ ràng, Ford Tourneo hứa hẹn là đối thủ cạnh tranh với Kia Sedona trong cuộc đua doanh số ở phân khúc MPV trong năm 2020. Cuộc đua doanh số này còn cho thấy, liệu Ford Tourneo có xóa đi quan niệm mua xe bằng mắt ở đại đa số người Việt hiện nay hay không.

Doanh số Kia Sedona và Ford Tourneo (Peugeot không công bố doanh số Traveller).

Mạnh Quân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bung-no-xe-mpv-co-trung-o-viet-nam-post1018504.html