Bùng nổ công nghiệp hàng giả: Gian nan ngăn chặn

Cuối tháng 11-2010, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã tịch thu và đóng cửa 82 trang web bán hàng giả. Tổng chưởng lý lúc đó, Eric Holder, tuyên bố: 'Bằng cách tịch thu các tên miền này, chúng tôi đã phá vỡ việc bán hàng ngàn mặt hàng giả'. Quốc hội khi đó đã đề xuất Đạo luật Bảo vệ sở hữu trí tuệ để chặn quyền truy cập các trang web nước ngoài cung cấp hàng giả.

Tài trợ khủng bố và băng đảng
Lợi nhuận thu được từ hoạt động bán hàng giả thường hỗ trợ các nhóm khủng bố, băng đảng ma túy, kẻ buôn lậu và băng nhóm đường phố. Chẳng hạn, FBI đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một phần tài trợ của vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 đến từ một cửa hàng bán áo phông giả. Điều tương tự cũng được phát hiện xung quanh nhiều hoạt động tội phạm có tổ chức khác.

Làm hàng giả là tội ác, thậm chí còn hơn cướp vũ trang, nhưng hình phạt chỉ giống như cái tát vào lòng bàn tay, vô lý nhất trong số đó là mức phạt 50.000 naira (307USD). Những kẻ phạm tội sẵn sàng trả tiền phạt này và quay trở lại công việc vào ngày hôm sau.
Theo tờ Nigerian Health Journal

Một cánh cửa giả ở phía sau của một cửa hàng thành phố New York chật chội mở ra, để lộ căn phòng bí mật đầy rẫy những chiếc túi và ví giả thương hiệu Prada, Gucci và Fendi. Túi giả là một phần của thương mại toàn cầu trị giá 500 tỷ USD, và các nhà chức trách Hoa Kỳ nói rằng một phần số tiền đó dùng tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Từ tháng 10-2005 đến tháng 9-2006, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã thực hiện 14.000 vụ bắt giữ hàng giả trị giá tổng cộng 155 triệu USD. Chỉ tính riêng ở New York, thương mại hàng giả trị giá 80 tỷ USD, đã khiến thành phố mất 1 tỷ USD mỗi năm trong doanh thu thuế bán hàng. “Đó hầu như là vấn đề lợi nhuận và nó không phải để tài trợ bất cứ điều gì tốt đẹp. Đây cũng là mối đe dọa cho dân chủ và cho thực thi pháp luật” - ủy viên cảnh sát thành phố New York, Raymond Kelly nói tại một cuộc họp về hàng giả.

Ông Kelly cho biết nhóm khủng bố bị cáo buộc gây ra vụ đánh bom xe lửa Madrid năm 2004, giết chết 191 người, đã sử dụng số tiền thu được từ việc bán các đĩa CD lậu để tài trợ cho hoạt động của chúng. Chính quyền Hoa Kỳ cũng cho biết nhóm bán hàng giả khác, bao gồm cả thuốc Viagra giả mạo, để hỗ trợ Hezbollah, nhóm chiến binh khủng bố ở Lebanon.

Vi phạm nhân quyền
Các sản phẩm giả mạo được sản xuất bằng những cách thức vi phạm quyền con người cơ bản và luật lao động trẻ em, vì chúng thường được sản xuất trong các cơ sở lao động cưỡng bức. Các nhà sản xuất quần áo giả dựa vào việc khai thác nhân công rẻ mạt khi sử dụng trẻ em như là “lao động nô lệ”. Theo một tổ chức nhân quyền, có khoảng 3.000 người bị bóc lột như vậy trong và xung quanh Buenos Aires, Argentina. Tác giả Dana Thomas đã mô tả các điều kiện bà đã chứng kiến trong các cơ sở lao động cưỡng bức tại nhiều nước, lưu ý rằng các công nhân trẻ em thường bị buôn lậu vào các quốc gia và bán ra thị trường lao động.

“Tôi nhớ đã đi vào một nhà máy lắp ráp ở Thái Lan vài năm trước và thấy 6-7 đứa con nhỏ, tất cả dưới 10 tuổi, ngồi trên sàn nhà lắp ráp túi xách giả da. Các chủ sở hữu đã đập gãy chân của bọn trẻ và buộc lại theo cách so le xương để xương không thể liền lại để bọn trẻ không thể ra ngoài chơi. Tôi đã đi cùng một cuộc đột kích tại một cơ sở cưỡng bức ở Brooklyn, đã nhìn thấy những công nhân bất hợp pháp bỏ trốn trong một hố chuột…” - bà Thomas viết.

Cảnh sát kiểm tra 1 kho hàng giả tại một cửa hàng ở Trung Quốc.


Nỗ lực của Hoa Kỳ

Một số chính trị gia Hoa Kỳ cũng đề xuất phạt tiền những người mua hàng giả, chẳng hạn những mặt hàng được bán tại chợ đường Canal của New York. Tại châu Âu, Pháp đã thiết lập những án phạt cứng rắn đối với người bán hoặc người mua, với hình phạt lên tới 3 năm tù và phạt 300.000USD. Cũng ở châu Âu, các tổ chức phi lợi nhuận, như Mạng lưới Chống hàng giả châu Âu, đang nỗ lực chống lại thương mại toàn cầu về hàng giả.

Trong một vụ bố ráp hàng giả ở New York vào năm 2007, cảnh sát liên bang đã thu giữ 200 triệu USD quần áo, giày dép và phụ kiện thiết kế giả từ một trong những đường dây buôn lậu hàng giả lớn nhất. Các mặt hàng thu giữ bao gồm những sản phẩm giả Chanel, Nike, Burberry, Polo, Ralph Lauren và Baby Phat. Hàng giả là “bệnh dịch lớn cho các thương hiệu thời trang sang trọng”, nhiều công ty đã nỗ lực pháp lý để ngăn chặn việc bán hàng giả từ Trung Quốc. Nhiều hàng hóa giả này được bán cho các cửa hàng bán lẻ ở Brooklyn và Queens.

Đối với chủ sở hữu nhãn hiệu muốn xác định và ngăn chặn việc nhập hàng giả, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu bổ sung thông qua chương trình Bản ghi điện tử Sở hữu trí tuệ của họ. Vào năm 2017, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh Tổng thống, đảm bảo việc thực thi kịp thời và hiệu quả luật bảo vệ các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khỏi hàng giả bị nhập khẩu.

Vào tháng 10-2011, một dự luật đã được giới thiệu mang tên Đạo luật Vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA). Nếu dự luật được thông qua, nó sẽ mở rộng khả năng thực thi pháp luật của Hoa Kỳ và chủ sở hữu bản quyền để chống lại nạn buôn bán trực tuyến hàng giả và hàng giả có bản quyền. Dự luật sẽ cho phép Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, cũng như chủ sở hữu bản quyền, tìm kiếm lệnh tòa chống lại các trang web bị cáo buộc cho phép hoặc tạo điều kiện vi phạm bản quyền. Những người phản đối dự luật nói rằng nó có thể sẽ làm tê liệt internet thông qua kiểm duyệt chọn lọc và hạn chế tự do ngôn luận. Liên quan đến dự luật, chính quyền Obama nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến không được đe dọa một mạng internet mở và sáng tạo”. Dự luật này sau đó đã bị chính tác giả của nó là nghị sĩ Lamar Smith rút lại.

Các nước cùng vào cuộc

Vào ngày 1-10-2011, chính phủ của 8 quốc gia bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Thương mại chống hàng giả (ACTA), được thiết kế để giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền đắt giá và trộm cắp nhãn hiệu. Việc ký kết đã diễn ra 1 năm sau các cuộc đàm phán khó khăn giữa 11 chính phủ: Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Morocco, New Zealand, Singapore, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Nhưng cho đến nay EU, Mexico, Thụy Sĩ và Trung Quốc vẫn chưa ký thỏa thuận. Vì thiếu sự tham gia của những chính phủ này, các nhà phê bình đánh giá thỏa thuận không phát huy đáng kể.

Tại Trung Quốc, hàng giả bám rễ quá sâu đến nỗi những cuộc bố ráp hàng giả của chính phủ tại các cửa hàng bán hàng giả gây ra các cuộc biểu tình công khai, mà các nhà chức trách gọi là “những rối loạn tư sản của người nước ngoài”. Các quốc gia như Nigeria có nỗ lực chống vi phạm hàng giả ở cấp quốc gia, nhưng hình phạt lại không đủ tính răn đe vì triển vọng thu nhập từ hàng giả quá lớn.

Đầu năm 2018, Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã tịch thu hàng tấn sản phẩm giả trị giá 25 triệu USD, bắt giữ hàng trăm kẻ tình nghi và phá vỡ mạng lưới tội phạm có tổ chức tại 36 quốc gia khác nhau trên 4 châu lục. Họ đã đột kích thị trường, các cơ sở dược phẩm, cửa hàng bán lẻ, kho hàng và các điểm kiểm soát biên giới, nơi họ thu giữ trong số những mặt hàng giả phổ biến như dược phẩm, thực phẩm, phụ tùng xe hơi, sản phẩm thuốc lá, quần áo và hóa chất nông nghiệp. Hơn 7,2 triệu mặt hàng giả và bất hợp pháp có trọng lượng hơn 120 tấn đã bị tịch thu trong chiến dịch này.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/ky-2-gian-nan-ngan-chan-62454.html