Bùng nổ công nghiệp chăn nuôi hổ ở Mỹ

Theo thống kê gần đây, số lượng hổ nuôi nhốt ở Mỹ cao hơn nhiều so với số cá thể sống trong tự nhiên ở châu Á, do nhu cầu chụp ảnh với hổ của người dân ngày càng tăng.

Nhu cầu này đã thúc đẩy ngành công nghiệp chăn nuôi hổ phát triển trên khắp nước Mỹ. Hổ con bị tách khỏi mẹ ngay sau khi sinh, được chăm sóc và trở thành "đạo cụ" phục vụ mục đích kiếm tiền của con người. Hổ mẹ thì phải trở lại lồng, chuẩn bị cho lứa sinh sản tiếp theo.

Nhiều hổ con gặp các vấn đề về xương khớp và dinh dưỡng do bị tách khỏi mẹ quá sớm, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sinh tồn của chúng sau này. “Quy trình này được thực hiện nhiều lần. Thật vô nhân đạo", theo nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, Steve Winter.

 Sở thích chụp ảnh với hổ đã thúc đẩy ngành công nghiệp chăn nuôi hổ. Ảnh: Beauty of Planet Earth.

Sở thích chụp ảnh với hổ đã thúc đẩy ngành công nghiệp chăn nuôi hổ. Ảnh: Beauty of Planet Earth.

Winter là nhiếp ảnh gia đã theo dõi và ghi lại cảnh những con hổ bị giam giữ, ngược đãi và bóc lột trên khắp nước Mỹ trong suốt 2 năm qua. Các hình ảnh tư liệu của anh vừa nhận được giải thưởng danh giá của chương trình vinh danh Nhiếp ảnh gia Động vật Hoang dã tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London, vào ngày 13/10.

Sáu bức ảnh được công bố của Winter bao gồm hình ảnh về những con hổ con tiều tụy được huấn luyện để biểu diễn các trò xiếc hoặc tạo dáng trong bể bơi với con người. Anh nói: “Chụp ảnh với một con hổ thậm chí rẻ và dễ dàng hơn việc nhận nuôi một con chó hoặc một con mèo từ trung tâm cứu hộ".

Winter tiết lộ với báo giới rằng một số khách tham quan tại các vườn thú tư nhân sẵn sàng bỏ ra vài trăm USD để được vuốt ve và chụp hình với hổ. Họ biện minh cho hành động của mình bằng việc bảo tồn động vật.

“Gọi những hành động như vậy là bảo tồn hoàn toàn không đúng. Đây là hoạt động kinh doanh. Những con vật này bị tước đi phẩm giá của chúng. Có thể chúng ta nhìn thấy một con hổ đẹp, nhưng con vật không được sống như một con hổ hoang dã, nó không biết hoang dã là gì”, Winter nói thêm.

Ảnh chụp hổ con bị nhốt trong lồng. Ảnh: Steve Winter.

Ngành công nghiệp chăn nuôi hổ không chỉ giới hạn trong một hay hai khu vực mà là cả nước Mỹ bao gồm: Illinois, Oklahoma, Montana, Denver, Ohio, South Carolina và đang lan nhanh ra toàn cầu. Ở Nam Phi, số lượng trang trại hổ ngày càng tăng, biến nơi đây thành quốc gia xuất khẩu hổ lớn nhất thế giới.

Nhiều tổ chức che đậy việc làm này dưới hình thức bảo tồn. Tuy nhiên, đây thực chất là mối kinh doanh mang lại lợi nhuận 50.000 USD/ngày.

Quốc Hội Mỹ đang thông qua đạo luật Cứu hộ Loài Mèo lớn, hi vọng sẽ chấm dứt ngành công nghiệp chăn nuôi và khai thác hổ. Những người ủng hộ đạo luật cho rằng điều này sẽ giúp dừng việc sử dụng hổ con làm đạo cụ chụp ảnh.

Bẫy ảnh làm nhen nhóm hy vọng phục hồi hổ quý Thái Lan Trong năm nay, 79 con hổ đã được phát hiện thông qua camera giấu kín ở rừng Thungyai-Huai Kha Khaeng, Thái Lan. Con số này tăng hơn 72% so với 13 năm trước.

Sang Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bung-no-cong-nghiep-chan-nuoi-ho-o-my-post1140811.html