Căng thẳng Iran-Israel: Bùng nổ chiến tranh ở lò lửa Trung Đông?

Một nhà ngoại giao Israel khẳng định, 'nếu Israel bị gươm kề cổ thì nước này sẽ chiến đấu tới cùng'.

Liệu có thể xảy ra cuộc chiến Iran-Israel?

“Lò lửa” Trung Đông đang ngày một nóng hơn khi căng thẳng ở khu vực đang gia tăng bằng các quả tên lửa chứ không phải chỉ là lời qua tiếng lại. Loạt bài sau phân tích những khía cạnh tiềm tàng của cuộc chiến được đánh giá là có hậu quả rất tàn khốc nếu xảy ra.

Ngày 10.5 vừa qua, Iran bị Israel cáo buộc nã tên lửa vào cao nguyên Golan, buộc chính quyền Tel Aviv phải đáp trả. Tờ Bưu điện Jerusalem cho biết Iran bắn 20 quả về phía căn cứ Israel nhưng 4 quả bị bắn hạ và 16 quả khác rơi rải rác ở lãnh thổ Syria.

Israel tự hào sau đợt không kích

Kể từ năm 2011 khi cuộc chiến tại Syria diễn ra, đây là lần đầu tiên Israel lên tiếng cáo buộc Iran tấn công từ căn cứ quân sự đặt trên đất Syria. Quân Israel cũng không chịu ngồi yên khi lực lượng phòng vệ nước này đã đáp trả bằng các đợt không kích liên tiếp vào 50 căn cứ quân sự Iran ở khắp Syria.

Trong số các địa điểm tấn công, Israel tập trung vào cơ sở huấn luyện, tình báo, hậu cần, kho vũ khí và kho tàng các loại của Iran. Trung tá Jonathan Conricus, phát ngôn viên quân đội Israel, nói rằng đây là cuộc không kích lớn nhất của Israel trong nhiều năm trở lại đây. Ông Jonathan nhận định chính quyền Tehran sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục lại năng lực quân sự ở Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Abigdor Liberman nói rằng các cuộc không kích sử dụng tên lửa siêu chính xác và phá hủy hầu hết các cơ sở hạ tầng của Iran. Ông nói thêm rằng Israel không bị thiệt hại gì sau cuộc tấn công chớp nhoáng. Vị bộ trưởng này nhận định, Iran đã bỏ ra 13 tỉ USD cho cuộc chiến ở Syria và mỗi năm tốn khoảng 2 tỉ USD.

Iran có tên lửa đa dạng và tầm bắn tối đa trên 2.000 km.

Cuộc không kích cũng khiến chính quyền Liban cảm thấy lo lắng vì quốc gia Tây Á này cho rằng Israel đã xâm phạm không phận của họ. Israel cáo buộc Syria đang dọn đường để Iran và phong trào Hezbollah của Liban duy trì sự hiện diện ở cao nguyên Golan, giáp biên giới Israel. Cao nguyên Golan là địa điểm từng xảy ra cuộc chiến giữa Israel và các quốc gia Tây Á, sau đó bị chính quyền Tel Aviv chiếm một phần. Hành động này bị cộng đồng quốc tế lên án nhưng đến nay, cao nguyên Golan vẫn thuộc quyền kiểm soát của Israel.

Theo kênh truyền hình tiếng Ả Rập Al-Jazeera, chỉ cần xung đột giữa Israel và Iran nổ ra, toàn bộ khu vực sẽ rơi vào bất ổn. Lúc này, chiến tranh có thể xảy ra và hậu quả sẽ rất khó lường. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel hôm 10.5 đã lên tiếng kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng vì lo ngại chiến tranh xảy ra ở khu vực Trung Đông.

Mỹ và Israel cùng nhau châm ngòi?

Tên lửa Arrow 3 của Israel.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết cuộc không kích dồn dập của Israel khiến ít nhất 5 binh sĩ Syria và 18 tay súng thiệt mạng. Về phía Syria, nước này cho biết có 3 người chết và 2 người bị thương. Hiện chưa rõ có công dân Iran thiệt mạng hay không.

Một điều có thể khẳng định là hệ thống phòng không của Syria và Nga đã chặn đứng phần lớn tên lửa Israel. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 28 chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel phóng khoảng 60 tên lửa suốt 2 giờ liên tục. Ngoài ra, Israel sử dụng 10 tên lửa đất đối đất chiến thuật. Dù vậy, hơn một nửa trong số này bị hệ thống phòng không Syria bắn hạ, theo truyền thông Nga.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nga Leonid Slutsky nói rằng hành động Israel không kích các căn cứ quân sự Iran ở Syria gắn với hành động Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran kí từ năm 2005. Ông Leonid nói rằng đây là hành động có tính toán của Israel sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận và là chuỗi hành động gây hấn do Mỹ và Israel thực hiện. Ông Leonid bày tỏ lo ngại Tel Aviv gia tăng đe dọa đối đầu với Tehran trong thời gian tới.

Thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran được kí từ năm 2005, trong đó yêu cầu chính quyền Tehran ngừng làm giàu uranium. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Mỹ cáo buộc Tehran vẫn lén lút làm giàu uranium và sản xuất vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump gọi thỏa thuận này là “thảm họa và đáng xấu hổ”.

Nếu chiến tranh nổ ra ở khu vực Trung Đông, chắc chắn Nga và Mỹ sẽ nhảy vào. Do Iran và Israel nằm cách xa nhau về địa lý nên địa bàn lý tưởng nhất cho cuộc chiến này không đâu khác ngoài Syria. Ông Lior Weintraub, một nhà ngoại giao Israel, nói: “Nếu một quả tên lửa của Hezbollah hoặc bất kì bên nào từ phía Syria bắn sang trúng xe bus hoặc trường học tại Israel, chiến tranh sẽ chính thức châm ngòi. Lúc đó, Israel sẽ trả đũa và cái giá phải trả là quá lớn”.

Dù dấu hiệu cho thấy tình thế xấu nhất có thể nổ ra, ông Pierre Pahlavi, trợ lý giáo sư nghiên cứu quốc phòng ở Học viện Quân sự Canada, nói rằng chiến tranh vẫn có thể tránh được. “Cả Israel và Iran đều không muốn đụng độ có thể leo thang mất kiểm soát”. Ngoài ra, ông Lior khẳng định nếu “Israel bị gươm kề vào cổ thì chính quyền Tel Aviv sẽ hành động đến cùng”.

____

Nếu chiến tranh nổ ra, tương quan lực lượng giữa Israel và Iran sẽ như thế nào? Đón đọc bài tiếp theo xuất bản ngày 14.5.

Quang Minh – Tổng hợp

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/cang-thang-iran-israel-bung-no-chien-tranh-o-lo-lua-trung-dong-875046.html