Bùi Thị Thu Thảo: Cô gái vàng giấu giọt nước mắt vào trong

Hành trình bước lên đỉnh cao châu lục của Bùi Thị Thu Thảo giống như một câu chuyện cổ tích. Nhưng câu chuyện cổ tích ấy có nhiều nước mắt, sự đánh đổi, hy sinh với những câu chuyện khác của thể thao Việt Nam. Ngay cả bây giờ, khi trở thành 'nữ hoàng nhảy xa' của Việt Nam, Thảo 'bò vàng' vẫn khiến tất cả phải nể phục và thương xót cho một tài năng vượt khó.

Bùi Thị Thu Thảo.

Nghề thể thao bạc lắm, nhưng không bao giờ bỏ cuộc

PV: Cảm giác của Thảo thế nào sau khi trở về từ Asiad, đặc biệt là giờ đã là người nổi tiếng?

Bùi Thị Thu Thảo: Cảm giác chỉ khác hơn bình thường một chút thôi. Khác bởi tôi được báo chí, người hâm mộ quan tâm, và nhận ra. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc.

Nhắc lại kỷ niệm ở Asiad một chút, Thảo có run không trước khi bước vào cuộc tranh tài ở nội dung nhảy xa?

- Nói thật là buổi trưa trước khi bước vào thi đấu tôi có một chút lo lắng đến mức không ăn được cơm. Tuy nhiên, khi bước ra thi đấu, tôi đã nghĩ mình phải giải tỏa hết áp lực, thi đấu hết mình để đoạt được tấm HCV đã bỏ lỡ tại Asiad 2014.

Và khi làm được điều kỳ diệu, ai là người mà Thảo nghĩ đến đầu tiên?

- Tôi muốn đặc biệt gửi lời cảm ơn tới anh Nguyễn Mạnh Hiếu, người thầy đã huấn luyện riêng cho tôi trong suốt chặng đường cố gắng tập luyện. Tôi cũng muốn cảm ơn thầy Nguyễn Trọng Hổ, người từng huấn luyện và giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi nhớ tới gia đình, bạn bè tôi ở quê nhà.

Trước khi có được những vinh quang ngày hôm nay, Thảo có tới 6 năm không có thành tích như mong muốn. Đó có phải là giai đoạn khó khăn nhất Thảo phải đối diện? Có lúc nào Thảo mệt mỏi muốn bỏ cuộc?

- Năm 2012 tôi bị chấn thương lưng, gối và bàn chân, lúc ấy muốn nghỉ tập luyện thể thao cũng may được sự động viên từ gia đình, bố mẹ và thầy Nguyễn Trọng Hổ giúp đỡ khích lệ để chữa trị và quay lại tập luyện. Tôi tự nhủ nếu quyết tâm theo đuổi thể thao hãy cố gắng tập luyện thật tốt để mang tấm huy chương cho bố mẹ.

Nhiều VĐV nói nghề thể thao này bạc lắm. Nếu có thành tích, có huy chương được người ta tung hô, tiền thưởng còn không được sẽ không được gì. Tôi thấy nhiều người nói như vậy cũng đúng. Nhưng với riêng tôi thấy thể thao mang lại cho mình sức khỏe đầu tiên và thể thao giúp mình trưởng thành hơn.

Bùi Thị Thu Thảo có một người chồng rất thương yêu, thông cảm với công việc và sự nghiệp thi đấu của mình.

Thi đấu gần 10 năm vẫn không đủ tiền mua thuốc cho bố, phải thuê nhà trọ

Sau tấm HCV lịch sử, giờ đây Thảo đã có thời gian dành cho gia đình của mình?

- Tôi có một người chồng rất thương yêu, thông cảm với công việc và sự nghiệp thi đấu của tôi. Những lúc tôi tập luyện mệt mỏi, anh ấy còn tự nguyện nhận giặt quần áo. Chồng tôi luôn cố gắng giúp đỡ mọi việc, tạo điều kiện cho tôi tập trung tập luyện và có tâm lý thi đấu thoải mái.

Được biết bố của Thảo bệnh nặng nhiều năm qua, và những giải thưởng huy chương không đủ để mua thuốc?

- Bố tôi bị thấp khớp 17 năm không làm được gì, mẹ tôi là nông dân ở nhà chủ yếu phụ giúp việc nhà chăm sóc bố là chủ yếu. Tôi có 2 người anh trai, anh trai cả chưa lấy vợ, anh thứ 2 đã có gia đình và ở riêng. Tôi là cô gái út trong gia đình và nhà chỉ có tôi theo thể thao.

Bây giờ tôi đã lấy chồng nhưng mỗi tháng vẫn phải trợ cấp cho bố mẹ để mua thuốc thang và mua gì đó ăn uống bởi bố bị bệnh như vậy, mẹ tôi cũng già không làm gì được. Tôi đi tập luyện có chút tiền thưởng, tiền công thì giúp đỡ bố mẹ.

Trước khi có tấm HCV Asiad, Thảo đã phải xoay xở ra sao để vừa lo công việc của gia đình nhà chồng, vừa bố mẹ đẻ và cả chuyện tập luyện, thi đấu?

Trước khi tôi theo thể thao chuyên nghiệp, gia đình có đấu thầu đất để làm lò gạch. Khu đất ấy toàn là ao hồ nên bố mẹ phải vay mượn nhiều tiền để múc đất lên, xây lò, thuê người làm công. Sau đó bố bị bệnh nặng, công việc bỏ dở, nợ nần mấy trăm triệu, hoàn cảnh nhà tôi lúc đó vay lãi vì vậy đến bây giờ vẫn còn nợ. Tôi đã lấy chồng nên phải lo cho tổ ấm riêng của mình, nhưng mỗi khi có tiền thưởng tôi cũng giúp bố mẹ trả nợ phần nào vì khoản nợ khá nhiều.

VĐV nói chung tiền thưởng cũng được ít lắm, chẳng được bao nhiêu, tiêu pha và mua đồ dùng con gái hay việc nọ việc kia cũng như cho bố mẹ mấy triệu mỗi tháng nói chung cũng chẳng còn đồng nào.

Mức lương với một VĐV đội tuyển quốc gia như Thảo là bao nhiêu?

- Lương VĐV của chúng tôi cũng thấp, chế độ không được cao lắm. Chế độ đặc biệt chuẩn bị Asiad tháng được 10 triệu còn nếu không chúng tôi cũng chỉ được 150 ngàn/ngày với 200 ngàn tiền ăn. 200 ngàn tiền ăn chúng tôi ăn hết còn 150 ngàn/ngày chỉ được 26 ngày vì không có tiền công Chủ Nhật, tính ra mỗi tháng cũng được 3,9 triệu/tháng.

Lương như vậy thì đến bao giờ mới mua được nhà?

- Hai vợ chồng tôi cưới nhau đã được 3 năm, do chồng làm công nhân cũng chẳng được bao nhiêu nên đến giờ chúng tôi vẫn phải thuê nhà trọ. Chồng muốn tôi an tâm tập luyện nên đã thuê nhà trọ cách trung tâm tôi tập luyện hơn 1 cây số để lúc nào rảnh tôi về với chồng.

Bạn đã lập gia đình 3 năm và đến giờ vẫn gác lại việc sinh con. Bản thân bạn có sự hy sinh nhưng chồng cũng như gia đình chồng hẳn rất chia sẻ?

- Gia đình chồng tôi cũng hiểu và thông cảm cho tôi. Trước khi cưới, tôi cũng đã nói cần phải tập trung cho công việc thể thao nên việc sinh con sẽ phải tính sau, mọi người cũng chia sẻ điều này.

Xin cảm ơn Thu Thảo về những chia sẻ thú vị!

An Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-mon-khac/bui-thi-thu-thao-co-gai-vang-giau-giot-nuoc-mat-vao-trong-tintuc417850