Bùi Thị Thu Thảo: Câu chuyện đằng sau kỳ tích ASIAD

Tấm HCV ASIAD 18 chưa phải là thành tích tốt nhất của Bùi Thị Thu Thảo. Cô vẫn còn tiềm năng, còn cơ hội và có thể vươn tới những giấc mơ xa hơn như Olympic 2020.

Tấm HCV của Thu Thảo là chiến công ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam tại ASIAD 18.

Tấm HCV của Thu Thảo là chiến công ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam tại ASIAD 18.

Khi Bùi Thị Thu Thảo bước lên bục nhận HCV tại ASIAD 2018, một trong hai người đứng cạnh cô là Phó đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Trọng Hổ. Những người không hiểu chuyện tưởng ông Hổ chỉ ở đấy để chụp ảnh với Thảo, để hoàn thành một nhiệm vụ “chính trị” thường thấy nơi các lãnh đạo ngành thể thao.

Hai người thầy của Thu Thảo

Nhưng không phải như vậy, ông Hổ còn ở đó với tư cách một người thầy. Cùng với HLV Nguyễn Mạnh Hiếu, đó là những nhân vật đứng sau tấm HCV lịch sử của điền kinh Việt Nam. May cho Thảo vì trong giờ phút vinh quang nhất của sự nghiệp, cô được đứng bên cạnh cả 2 người thầy lớn. Người đầu tiên đã giữ Thảo ở lại với thể thao đỉnh cao, người thứ hai đưa cô tới vinh quang chói lọi.

Đúng 10 năm trước, “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam được phát hiện qua một giải đá cầu... Năm ấy, Thảo thi giải tỉnh Hà Tây (cũ) ở nội dung đá cầu và nhảy xa. Cô không giành được chiến thắng nhưng tốc độ, sức bật cực tốt của Thảo đã được HLV Nguyễn Trọng Hổ phát hiện.

Không lâu sau đó, ông Hổ đi tập huấn nước ngoài. Thu Thảo ở lại, tiếp tục tập luyện với các VĐV khác. Nhưng do đánh giá sai tiềm năng của Thảo, các HLV đã cho cô tập những nội dung chạy và 7 môn phối hợp. Bản thân Thảo lúc ấy còn quá trẻ, thành tích nhảy xa chưa so được với những đàn chị trên đội tuyển. Cô tập mãi, tập mãi mà không có tiến bộ.

Thu Thảo bên cạnh hai người thầy là HLV Nguyễn Mạnh Hiếu (trái) và Nguyễn Trọng Hổ (phải).

Nản lòng, Thảo hai lần định bỏ điền kinh vào năm 2009 và 2011. Cả hai lần ấy, đều là HLV Nguyễn Trọng Hổ về tận nhà khuyên cô trở lại. Ông Hổ hứa sẽ để Thảo tiếp tục tập nhảy xa, phân tích cho Thảo hiểu những tố chất đặc biệt của cô cho nội dung này.

Thời điểm ấy, Thảo đã bỏ tập, có lúc đi làm cả phụ hồ để có tiền trang trải cho gia đình với người bố đau ốm. Nghe lời thầy Hổ, cô gái Ba Vì lại xách balo lên đường.

Kiên trì mãi, đến năm 2013, Thảo mới giành được tấm HCĐ tại SEA Games 2013. Sang năm 2014, cô tiếp tục lập chiến công tại ASIAD khi giành HCB với thành tích 6,44 m.

Sau khi ông Nguyễn Trọng Hổ chuyển lên công tác lãnh đạo, HLV Nguyễn Mạnh Hiếu trực tiếp phụ trách huấn luyện Thu Thảo. Đây được xem là bước ngoặt kế tiếp trong sự nghiệp của Thảo.

Dưới thời HLV Mạnh Hiếu, Thảo bắt đầu “vào phom” và vươn tới đẳng cấp hàng đầu châu lục. Cô giành chiến thắng trước đại kình địch Maria Natalia Londa ở SEA Games 2017 với thành tích ấn tượng 6,68 m. Cô chiến thắng tại Grand Prix châu Á, giành chức vô địch châu Á.

Quan trọng hơn, Thảo thể hiện sự ổn định cực cao, duy trì thành tích đứng đầu châu lục suốt gần 2 năm. Cô là VĐV Việt Nam hiếm hoi giữ được vị trí trên đỉnh cao châu lục trước áp lực rất lớn từ các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Phong độ cao của Thảo chính là tiền đề giúp điền kinh Việt Nam tự tin đặt mục tiêu giành “vàng” ở Indonesia.

Vượt qua mọi khó khăn, Thu Thảo vẫn xuất sắc chiến thắng tại ASIAD.

“Cô gái vàng” Thu Thảo cũng là VĐV trọng điểm hiếm hoi của Việt Nam không đi tập huấn nước ngoài trước ASIAD, gần như vắng mặt ở mọi sự kiện quốc tế. Ít người biết rằng Thu Thảo thậm chí không có tên trên BXH những VĐV nhảy xa tốt nhất châu Á trước Á vận hội. Vì sao thế?

Cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh giải thích: “Chúng ta không đủ tiềm lực tài chính để đưa VĐV đi mọi giải đấu lớn nên các nhà quản lý buộc phải lựa chọn. Chứ tôi biết rằng họ muốn cho Thảo đi dự các giải trước ASIAD lắm chứ”.

Mặc kệ những khó khăn, Thu Thảo vẫn tới ASIAD với niềm tin chiến thắng.

Chiến thắng trước đối thủ lớn nhất

ASIAD 18 cũng chứng kiến cuộc đối đầu định mệnh giữa Thu Thảo và VĐV chủ nhà Maria Natalia Londa. Đây là 2 đối thủ đầy duyên nợ, đã tranh tài quyết liệt với nhau suốt nửa thập kỷ. Londa chính là người đánh bại Thu Thảo ở ASIAD 17 và SEA Games 2015.

Nhưng SEA Games 2017 và các giải châu Á gần nhất, Thảo mới là người thắng cuộc. Dù vậy, tổ nhảy xa vẫn rất lo lắng khi Londa sẽ được thi đấu trên sân nhà Indonesia. Đó là chưa kể những VĐV rất mạnh khác từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Nội dung nhảy xa tưởng như sẽ diễn ra rất quyết liệt. Ấy vậy mà nó lại kết thúc nhanh tới bất ngờ.

Thu Thảo vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Nhận chỉ thị từ lãnh đạo đội, Thu Thảo thay đổi chiến thuật, dồn toàn lực cho cú nhảy đầu tiên. Cô bật cao hơn tất cả, cán mốc 6,55 m ngay ở lần nhảy đầu. Cú nhảy ấy khiến tất cả đối thủ bàng hoàng. Mọi nỗ lực sau đấy Londa (Indonesia), Neena Varakil (Ấn Độ) hay Xu Xiaoling (Trung Quốc) đều không chạm tới được Thu Thảo. Cô gái Ba Vì bước lên bục vinh quang với một cú nhảy duy nhất.

Điều thú vị nằm ở chỗ: đó chưa phải là Thu Thảo hay nhất chúng ta từng biết.

Chia sẻ với Zing.vn sau ngày chiến thắng, Thảo bảo: “Khi thấy họ nhảy được 6,4 m ở lượt đầu tiên, tôi định nhảy một phát lên 6,7 m cho họ cóng luôn”.

Chồng Thu Thảo - anh Lê Văn Tiến, bên chiếc tivi được Samsung tặng sau chiến công ASIAD 18.

Thực tế tập luyện, Thảo cũng thường xuyên nhảy xa thành tích 6,7 m thậm chí tiếp cận 6,8 m. Bản thân Thảo cũng từng đạt thành tích 6,68 m tại SEA Games 2017. Nghĩa là chiến thắng này vẫn chưa phải thành tích ấn tượng nhất của Thảo. Nghĩa là ở tuổi 26, Thu Thảo vẫn còn tiềm năng phát triển tiếp.

Cô gái từng tính tới chuyện giải nghệ cách đây 1-2 năm giờ đang là hy vọng lớn của điền kinh Việt Nam. Thảo bảo cô chưa dừng lại và sẽ tiếp tục thi đấu. Cho những giấc mơ xa hơn như Olympic 2020 tại Nhật Bản?

Minh Chiến
Ảnh: Minh Chiến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bui-thi-thu-thao-cau-chuyen-dang-sau-ky-tich-asiad-post877026.html