Bụi siêu mịn vượt chuẩn nhiều lần ở Hà Nội nguy hiểm ra sao?

Chỉ số bụi siêu mịn PM 2.5 của Hà Nội sáng 27/9 đạt từ 90.66 - 102.2 µg/m3, cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia,. Sự gia tăng bụi mịn vượt chuẩn chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Những chỉ số báo động

Trang AirVisual kiểm tra chỉ số không khí một số địa phương lúc 7 giờ sáng 27/9 cho thấy, Hà Nội tiếp tục là thành phố có chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất thế giới: 175. Con số này đã giảm so với cùng thời điểm ngày hôm qua: 187.

Chỉ số bụi mịn PM2.5 của Hà Nội sáng 27/9 là 102.2 µg/m3, cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và hơn 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chỉ số bụi mịn PM2.5 của Hà Nội sáng 27/9 là 102.2 µg/m3, cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và hơn 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Còn tại TP HCM, sáng 27/9, AQI ở mức 128, giảm mạnh so với ngày hôm qua 172. Tuy nhiên, tại 2 TP này, một số điểm đo quan trắc, chỉ số còn lớn hơn thế.

Cụ thể, tại TP HCM, điểm đo Thảo Điền cho chỉ số lên tới 165; tại Hà Nội, điểm đo Tây Hồ cho chỉ số 191, tiệm cận mức 200 cực nguy hiểm.

AQI từ 100 trở lên đã ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi AQI gần ngưỡng 200 thì mức độ gây hại sẽ cao hơn.

Một nguồn số liệu khác từ Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND Hà Nội, sáng 27/9, chỉ số AQI tại Thủ đô là 147. Một số điểm đo như tại UBND phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, chỉ số lên tới 187, Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng 182...

AQI Hà Nội sáng 27/9 ở mức Kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài. Cũng từ nguồn số liệu này, chỉ số bụi mịn PM2.5 của Hà Nội sáng 27/9 là 90,66 µg/m3.

Nguyên nhân nào khiến hai thành phố đông dân nhất cả nước ô nhiễm nặng nề?

Nhiều chuyên gia nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã đến mức báo động, gây hại đến sức khỏe người dân, nhất là người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch. Nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5 và PM10 có kích thước rất nhỏ, đi sâu vào cuống phổi, gây ra các bệnh về hô hấp.

Theo kết quả quan trắc không khí trong các ngày 18-20/9 tại TP HCM, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO tăng 1,4 đến 2,2 lần. Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng 25-50% trong ngày 20/9. Sáng 27/9, chỉ số bụi mịn ở đây xoay quanh mức 40-46 µg/m3, vẫn vượt chuẩn.

TP HCM nhận định nguyên nhân của hiện tượng bụi bao trùm toàn thành phố những ngày qua là do không khí ô nhiễm kết hợp độ ẩm cao. Cháy rừng tại Indonesia không phải là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trên.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, bà Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) cho rằng chủ yếu do quá tải dân số.

Vị chuyên gia này cho rằng các thành phố Hà Nội, TP HCM ô nhiễm nặng nề do chính nguyên nhân nội tại, không do tác động bên ngoài (như cháy rừng ở Indonesia). Một chuyên gia khác cho rằng nguyên nhân chính do ô nhiễm từ giao thông.

Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng diễn ra nhộn nhịp đã thải lượng khói bụi lớn lên bầu trời. Thông thường, khói bụi sẽ phát tán xung quanh nhưng khi gặp thời tiết bất lợi, các chất ô nhiễm bay lơ lửng ở tầng thấp.

Làm gì khi bụi mịn trong thành phố vượt chuẩn?

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bụi mịn PM2.5 là loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micro. Người dân có thể cảm nhận được nồng độ bụi mịn tăng lên khi trong không khí có một lớp "sương mù", giảm tầm nhìn. Chỉ số bụi mịn càng cao, nguy cơ nó gây nên cho hệ hô hấp của người dân khi tiếp xúc sẽ càng lớn.

Bụi có kích thước càng nhỏ càng tấn công mạnh vào cơ thể con người. Ảnh: Zing

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cảnh báo tình trạng ô nhiễm, đặc biệt các chỉ số về bụi lơ lửng, PM10 (bụi mịn), PM2.5 (bụi siêu mịn) có tỷ lệ vượt chuẩn, tăng 25-50% chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người dân cần đề phòng.

Kích thước bụi càng nhỏ, khả năng tấn công sâu vào cơ thể người càng mạnh. Theo TS Cường, những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính.

Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài, nhất là vào buổi trưa, chiều. Nếu phải ra đường, người dân nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.

Thực tế, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Trong khi đó, khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30-40% lượng bụi. Để ngăn được những loại bụi có kích thước siêu nhỏ như PM2.5, chúng ta cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng.

Người dân có thể trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 khi lưu thông trên đường. Đây là loại khẩu trang đáp ứng khả năng lọc bụi, vi khuẩn tốt.

Để hạn chế chất độc từ khói bụi đi vào cơ thể, người dân cần vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày. Các gia đình nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng.

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/bui-sieu-min-vuot-chuan-nhieu-lan-o-ha-noi-nguy-hiem-ra-sao-20190927095033555.htm