Bùi ngùi ánh mắt cha, con nhìn nhau qua cửa kính phòng giam

Nảy lòng tham trước gói ma túy trị giá 200 triệu đồng của một vị khách lạ, Hà Văn Ếnh, SN 1982 ở huyện Mộc Châu, Sơn La đã mang về nhà cất giấu. Ý định bán lấy tiền sửa căn nhà dột nát chưa kịp thực hiện thì Ếnh bị bắt. Bị kết án 18 năm tù, Ếnh chỉ biết ngậm ngùi và ân hận.

“Nhà tôi ở xa nhưng mỗi năm một lần bố tôi lại đưa con trai xuống trại thăm tôi. Ba bố con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, muốn nói nhiều, hỏi nhiều lắm mà chuyện nào cũng dở dang thì hết thời gian”, Ếnh kể khi vừa bước chân ra khỏi buồng điện thoại - nơi mà chỉ trước đó ít phút diễn ra cuộc trò chuyện của anh ta với con trai và người bố đẻ.

Cái giá của lòng tham

Hai người đàn ông, một già một trẻ nói chuyện với nhau qua điện thoại khi mà trước mặt họ chỉ có một tấm kính ngăn cách. Hai bàn tay của họ áp vào nhau nhưng không thể chạm tới. Ánh mắt buồn và khoắc khoải,…đó là hình ảnh cuộc gặp gỡ của ba bố con Hà Văn Ếnh mà chúng tôi vô tình được chứng kiến trong chuyến công tác vừa rồi khi đến trại giam Ninh Khánh. Không chỉ riêng có Ếnh, những phạm nhân khác, khi có người thân lên thăm gặp, đều trò chuyện với nhau bằng điện thoại và nhìn nhau qua một vách kính ngăn cách.

Dáng người nhỏ con và một gương mặt quắt nên mỗi khi cười, gương mặt Hà Văn Ếnh nhăn nhúm như người đã ở tuổi năm mươi. Đang ở cái tuổi ngoài ba mươi, Ếnh đã có đủ độ chín chắn để nghĩ về những sai lầm, vấp ngã của mình. Anh ta bảo đã ở trại giam được gần 10 năm và đã 3 lần được giảm án nên chỉ còn vài năm nữa là mãn hạn trở về. “Nghĩ lại mà thấy tiếc quá. Thời gian đầu vào trại, vì nhớ nhà nên tôi hay vi phạm nội qui nên trượt mất mấy vòng giảm án. Nếu như tôi chấp hành tốt ngay từ đầu thì có lẽ đã hết án rồi”, Ếnh kể.

Theo lời anh ta thì trong số những lần bị kỷ luật ấy, nặng nhất là 1 lần bị giam riêng vì xô xát với bạn tù trong lúc lao động còn chủ yếu là cãi chửi nhau nên chỉ bị viết bản kiểm điểm.

Ếnh là con trai út trong nhà, bên dưới còn 5 người em nên cuộc sống cũng lam lũ đói khổ. Ếnh lấy vợ sớm và cũng có con sớm nên cậu con trai út vào thăm anh ta giờ đã là học sinh lớp 7. Ba đứa con gái đầu không được học hành, duy chỉ có cậu con trai út này được đi học là nhờ tiền ông nội bán đất. Nhà Ếnh ở thị trấn, mấy năm sốt đất mà đổi đời. Bố bán đất chia cho các con, cuộc sống của gia đình Ếnh vì thế mà đổi đời. Có tiền, Ếnh mua chiếc xe máy để đi lại cho thuận tiện và những khi ngơi việc nương, việc rẫy, anh ta đi chở khách để kiếm thêm. Theo lời của phạm nhân này thì anh ta chỉ đứng đường đón khách chứ không tham gia vào đường dây ma túy nào dù nhiều lần được mời mọc, gạ gẫm. Trong một lần chở khách vào huyện Sông Mã, lúc quay về, Ếnh được một người nhờ cầm “gói quà” trị giá 200 triệu đồng về đưa cho thanh niên ngồi ở quán nước cổng bến xe khách.

Chẳng biết do vội vàng hay vì tin tưởng mà vị khách trên quên không lấy số điện thoại của Ếnh. Dọc đường quay về Mộc Châu, hình ảnh mái nhà dột nát và khoản tiền công 2 triệu đồng cứ chập chờn hiện lên trong đầu Ếnh. Sau phút đắn đo, Ếnh quyết định không trả gói ma túy trên cho khách để nhận 2 triệu đồng tiền công nữa mà đem về nhà, giấu dưới mái chuồng lợn, định bụng tìm được người mua sẽ bán đi, lấy tiền sửa mái căn nhà đã dột. Thế nhưng Ếnh đã nhầm bởi sự đời đâu dễ theo ý muốn, nhất là với những tên tội phạm buôn bán ma túy thì càng không dễ dàng để người khác qua mặt. Bằng nhiều cách, chúng đã tìm được Ếnh và chỉ một cuộc điện thoại vu vơ thôi, Ếnh đã bị đưa vào vòng ngắm của lực lượng chức năng. Qua việc khám xét, CA tỉnh Sơn La đã phát hiện Ếnh giấu trong nhà 2 bánh heroin và với hành vi này, anh ta phải trả giá bằng bản án 18 năm tù giam.

Phạm nhân Hà Văn Ếnh trong trại giam.

Phạm nhân Hà Văn Ếnh trong trại giam.

Ân hận và nuối tiếc

Ngày về trại giam Ninh Khánh cải tạo, Hà Văn Ếnh chưa tròn 30 tuổi và cậu con trai út còn nói chưa tròn câu, rõ nghĩa nhưng nay cậu bé đã học lớp 7. Ếnh bảo lắm lúc cứ suy nghĩ vẩn vơ và ân hận, nuối tiếc.

“Nếu nghĩ được như bây giờ thì tôi đã không phạm tội, giờ này chắc chắn nhà tôi con cháu đầy đàn, vui lắm”, Ếnh kể. Anh ta bảo do điều kiện nhà xa nên từ ngày về trại Ninh Khánh cải tạo, thi thoảng người thân của anh ta mới về xuôi thăm gặp. Người tới thăm Ếnh nhiều nhất lại chính là người bố. Lần nào xuống thăm Ếnh, ông cũng dắt theo đứa cháu trai để cho bố con Ếnh được gặp nhau. Tâm sự với chúng tôi, Ếnh bảo mấy năm đầu thì không có ai xuống thăm nhưng từ ngày bố bán được mảnh đất ngoài thị trấn, có một khoản tiền kha khá thì mỗi năm ông lại bớt chút thời gian xuống thăm con trai. “Nhà có 5 anh chị em, bố chia tiền cho các con cả nên chẳng đứa nào còn túng thiếu như trước. Tôi đi tù nên khoản tiền chia cho tôi, ông cất giữ. Ông bảo chỉ đưa một phần cho vợ tôi để nuôi con trai ăn học còn bao giờ tôi về thì ông sẽ đưa cho để có vốn làm ăn”, Hà Văn Ếnh kể.

Ếnh bảo anh ta không biết chữ nhưng từ ngày vào trại giam, được tham gia lớp học xóa mù chữ nên giờ cũng đọc thông viết thạo rồi. “Từ ngày biết chữ, tôi được mở mang kiến thức nhiều nên hiểu rằng không được học hành là một thiệt thòi lớn. Chính vì thế mà khi bố đưa con tôi xuống đây, tôi chỉ biết khuyên con cố gắng học hành. Thằng bé có vẻ thương tôi lắm, lần nào nghe tôi nói nó cũng dạ vâng”, Ếnh kể. Người đàn ông này tỏ ra nuối tiếc khi cho rằng nếu như ngày xưa được học hành thì chắc không vi phạm pháp luật.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo, mất thời gian đầu làm ở đội nông nghiệp là Ếnh bị kỷ luật vì vi phạm nội qui. Nhưng từ khi chuyển về lao động ở đội làm cói, tháng nào Ếnh cũng vượt định mức đề ra. Ếnh đã 4 lần được giảm án và hai năm nay được cán bộ tín nhiệm cho làm tự quản, đôn đốc, nhắc nhở các phạm nhân trong tổ làm việc. Hỏi Ếnh làm “cán bộ” có vui không, anh ta ngượng ngập: “Cán bộ tin tưởng, bạn tù tín nhiệm bầu lên thì phải làm cho tốt để không phụ lòng tin của mọi người”.

Rồi không để chúng tôi hỏi thêm, phạm nhân này cho biết, mỗi lần gặp người thân là trong lòng lại có một tâm trạng khác nhau. Cảm giác vui buồn cứ đan xen khi Ếnh nhìn thấy mái tóc của bố mình ngày càng bạc thêm và thưa dần. Nhưng khi thấy cậu con trai út mỗi lần xuống là một lần đổi khác, Ếnh mừng lắm trước sự trưởng thành của con. Không chỉ thay đổi về vóc dáng, cậu bé còn tỏ ra chững chạc hơn khi trò chuyện với bố cho dù nhiều lúc không nén nổi tò mò, vẫn hỏi bố những câu đại loại như có được ăn thêm không, lúc muốn chơi thể thao thì thế nào….Cậu bé bảo nhiều lúc nhớ bố lắm, muốn viết thư cho bố nhưng lại sợ bố buồn mà ảnh hưởng đến công việc….

“Trong này được ăn nhiều thứ hơn ở nhà nhưng tôi vẫn thấy thiếu thiếu”, Ếnh kể. Cái thiếu ấy chỉ có người xa quê mới cảm nhận được và với những kẻ đang mất tự do như Hà Văn Ếnh thì đó là nỗi nhớ người thân. Ếnh bảo mỗi lần gặp bố, gặp con, là một lần anh ta được tiếp thêm sức mạnh để cải tạo tốt hơn cho ngày về và chỉ còn hai năm nữa thôi, Ếnh sẽ được ra tù.

“Chỉ nghĩ đến điều đó thôi là trong lòng tôi lại khấp khởi mừng. Tôi tự nhủ lòng cần phải cố gắng hơn nữa vì biết đâu đúng vào dịp nào đó, tôi lại được ra trại sớm hơn thì sao”, Hà Văn Ếnh cười, đôi mắt lấp lánh hy vọng. Anh ta cho biết sau này ra trại sẽ về cùng vợ đầu tư làm kinh tế gia đình chứ không hành nghề xe ôm nữa.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bui-ngui-anh-mat-cha-con-nhin-nhau-qua-cua-kinh-phong-giam-156986.html