Bùi Chu là câu chuyện di sản và phát triển

Trưởng đại diện UNESCO tại VN - ông Michael Croft (ảnh) cho biết, thông thường UNESCO không tham gia ý kiến về các công trình chưa nằm trong di sản văn hóa quốc gia hay UNESCO công nhận. Tuy nhiên, nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) là một trường hợp đặc biệt vì đây là câu chuyện bảo tồn và di sản.

Những ngày qua, có nhiều quan điểm khác nhau về thực trạng của nhà thờ Bùi Chu. UNESCO đánh giá thế nào về hiện trạng đó?

Ông Michael Croft: Tôi nghĩ chưa cần có chuyên môn trong kiến trúc cũng có thể thấy những sụt lún, con số nhà thờ đưa ra là 60 - 70 cm. Quan sát trước mặt thì bị nứt và một phần bị nghiêng hẳn. Cấu trúc mái của nhà thờ thì mục nát. Với điều kiện kinh tế của nhà thờ khi xây, nó không được xây để trường tồn, nó không phải một nhà thờ đá như ở châu Âu. Nó được xây bằng vật liệu tận dụng, hỗn hợp. Gỗ cũng không phải loại tốt nhất.

[VIDEO] Cận cảnh Nhà thờ Bùi Chu 134 tuổi

Vậy ông nghĩ thế nào về quyết định hạ giải nhà thờ để tái thiết?

Chúng tôi hiểu rằng quá trình đi đến quyết định này được cân nhắc và chuẩn bị lâu dài. Với thông tin và kế hoạch họ chia sẻ, về phương pháp, chúng tôi cho rằng họ đã và đang có nỗ lực tối đa để gìn giữ cấu trúc và nền móng kiến trúc ban đầu, đặc biệt là nền móng của nhà thờ trong kế hoạch hạ giải tái thiết. Họ cũng có kế hoạch trong lưu trữ bảo tồn lát cắt, các cấu kiện thuộc cấu trúc nguyên bản của nhà thờ cho đời sau.

Trong quá trình trao đổi, chúng tôi cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể cho các bước trùng tu nhằm củng cố việc bảo tồn và tư liệu hóa nhà thờ, tư liệu hóa việc hạ giải và tái thiết. Những kiến nghị này cũng được giáo phận chấp nhận.

Có một thực tế là nhóm kiến trúc sư muốn trùng tu nhà thờ và nhà thờ đã không có những cuộc gặp trực tiếp. UNESCO có kế hoạch gì để tạo ra các kết nối đa bên?

Sau cuộc gặp của chúng tôi và Bộ VH-TT-DL, chúng tôi thống nhất quan điểm về cách tiếp cận có hệ thống và chủ động hơn. Phía Tổng giám mục khẳng định sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để cùng nhận diện các công trình nhà thờ có giá trị ở khu vực xung quanh giáo phận, để có thể đưa vào danh mục di sản được bảo tồn. Bộ VH-TT-DL cũng không muốn chạy theo từng sự việc mà mong muốn sẽ mở ra bước đi, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy công việc kiểm kê và đề cử danh mục di sản văn hóa hệ thống hơn.

Chúng tôi không cho đây là một vụ việc, mà đây là một câu chuyện. Trong đó, tôi đánh giá rất cao thái độ trách nhiệm của các kiến trúc sư với một câu chuyện như thế này. Sự quan tâm của họ đã làm dấy lên sự quan tâm rộng rãi trong dư luận. Tôi thấy điều tích cực là sự quan tâm rất rõ của công chúng VN tới di sản văn hóa. Đó là phần quan trọng.

Luật Tôn giáo chia làm 2 loại công trình: di tích hoặc không được công nhận di tích. Luật Di sản chia làm 3 loại: công trình bình thường, công trình đã vào danh mục kiểm kê di sản, di tích. Trong khi chờ sửa luật, nguy cơ xóa bỏ hệ thống nhà thờ xưa là có. Chúng ta cần làm gì trước hiện trạng đó?

Khi có khoảng trống về pháp lý thì ý kiến, sự quan tâm của dư luận rất quan trọng. Từ đó, ta thấy cái tích cực từ câu chuyện này chính là thực tiễn bao giờ cũng biến đổi nhanh hơn. Nó chỉ ra khoảng trống pháp lý để chúng ta thấy sự cần thiết của việc phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật.

GS Đặng Văn Bài (Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN - PV) cho biết sắp tới VN rà soát lại luật Di sản văn hóa thì điều ưu tiên làm là mời trực tiếp người có uy tín từ các tôn giáo khác nhau. Họ sẽ có đề xuất ý kiến cho việc điều chỉnh và quy định cần thiết.

Công trình tôn giáo mang nhiều giá trị: giá trị sử dụng, giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa lịch sử. Vậy, quan điểm của UNESCO là chúng ta chọn bảo vệ cái gì? Quyền của thực hành tôn giáo tín ngưỡng cộng đồng đó hay bảo vệ cái gọi là di sản chưa được xếp hạng?

Đây là câu hỏi rất hay. Nó quay lại triết lý bảo tồn di sản. Trong trường hợp này không khó để quyết định. Cần bảo đảm yếu tố an toàn đầu tiên cũng như quyền thờ cúng. Tuy nhiên, cũng không phải là chỉ được chọn một trong hai. Chúng ta bảo tồn thì bảo tồn cả phi vật thể và vật thể. Đừng tuyệt đối hóa việc phải bảo tồn nguyên trạng yếu tố vật thể của công trình. Chúng ta phải tính đến việc cộng đồng địa phương vẫn tiếp tục sinh hoạt ở đó, yếu tố lịch sử, giá trị địa điểm đó.

Bất cứ công trình vật thể nào cũng không thể tồn tại vĩnh viễn theo thời gian. Nó sẽ có yếu tố mất đi, yếu tố còn lại. Tính tiếp nối và liên tục thực hành gắn với cộng đồng đó để bảo đảm ý nghĩa công trình ấy vô cùng quan trọng. Khi người ta tiếp tục duy trì và thực hành hoạt động văn hóa ở đấy thì người ta mang theo cùng cộng đồng. Cách tiếp nối dòng chảy văn hóa ở đó quan trọng hơn nhiều. Không nhất thiết chọn một trong hai.

Chúng tôi đã đưa ra những khuyến nghị. Ngay cả bảo tồn vật chất cũng không nhất thiết bảo tồn nguyên trạng. Họ hoàn toàn có thể bảo tồn những yếu tố cấu trúc còn rất vững chắc, toàn bộ nền móng của nó. Đồng thời, có thể chọn lát cắt đặc trưng cho kiến trúc và tư liệu hóa dạng số, quá trình.

Xin cảm ơn ông!

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/bui-chu-la-cau-chuyen-di-san-va-phat-trien-1085516.html