Bức xúc việc cấp phép bến thủy trên thượng nguồn sông Sài Gòn

Việc cấp phép mở bến thủy nội địa (BTNĐ) hồ Dầu Tiếng – thượng nguồn sông Sài Gòn gây nhiều bức xúc trong người dân. Tại kỳ họp thứ 7 khóa IX của HĐND tỉnh Bình Dương đang diễn ra, nhiều đại biểu và cử tri đã chất vấn Sở GTVT về vấn đề này.

Việc cấp phép mở nhiều bến thủy nội địa của tỉnh Bình Dương khiến người dân bức xúc - Ảnh: ĐINH TRỌNG

Người dân cho rằng hoạt động bến bãi tại hồ Dầu Tiếng khá phức tạp. Nhiều bất cập thể hiện rõ như Bình Dương chỉ cấp 1 giấy phép khai thác khoáng sản tại đây, tuy nhiên lại cấp tới gần 20 giấy phép mở BTNĐ. Trong khi đó phía địa phận tỉnh Tây Ninh, số giấy phép khai thác khoáng sản được cấp tương ứng với việc cấp hoạt động BTNĐ.

Người dân cho rằng việc cấp phép mở BTNĐ nhiều như vậy làm có thể tiếp tay cho “cát tặc” trên hồ Dầu Tiếng. Số bến nhiều có thể trở thành nơi tập kết khoáng sản của nhiều doanh nghiệp, tư nhân khai thác cát lậu trong lòng hồ ở vùng giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Việc khai thác cát lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của hàng chục triệu dân ở 5 tỉnh, thành Đông Nam bộ. Có thời điểm đơn vị quản lý lòng hồ phải phát đi văn bản yêu cầu các tỉnh chấn chỉnh việc khai thác cát vì nguồn nước hồ bị đe dọa nghiêm trọng.

Về vấn đề này, Sở GTVT Bình Dương giải thích, từ trước tới nay mới cấp 19 giấy phép mở BTNĐ, đã xóa bỏ 2 bến do không đạt điều kiện hoạt động, còn lại 17 bến. Việc cấp phép thực hiện theo Thông tư 50/TT-Bộ GTVT. Sở cũng đã lấy ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của UBND huyện Dầu Tiếng và BQL lòng hồ. Thời điểm xin cấp phép 19 BTNĐ này đều có hợp đồng khai thác cát với các DN được cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Người dân cho rằng các BTNĐ phía tỉnh Bình Dương đang tiếp tay cho việc khai thác cát lậu rút ruột lòng hồ Dầu Tiếng - Ảnh: ĐINH TRỌNG

Trước câu hỏi của đại biểu, liệu hiện nay có bến nào không phép mà vẫn hoạt động? Ông Trần Bá Luận - GĐ Sở GTVT tỉnh Bình Dương phân trần: “Qua kiểm tra vào tháng 5.2018 phát hiện 3 BTNĐ không phép, đã buộc đình chỉ các bến này. Tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng hiện nay còn bến nào đó lén lút hoạt động”.

Quan tâm tới hiệu quả kinh tế của nhà nước thu được từ việc mở bến bãi, một đại biểu hỏi “nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác cát, lập bến bãi hàng năm được bao nhiêu và có đủ để sửa chữa tuyến đường bị hư hỏng (ĐT 744 và ĐT 749b) do xe chở cát từ các BTNĐ gây ra”?

Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, kinh phí duy tu 2 tuyến đường trên trong ba năm gần đây là 37 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Về nguồn thu ngân sách từ các hoạt động khai thác cát, ông Trần Bá Luận cho biết, Sở không có thông tin số liệu về vấn đền này.

ĐINH TRỌNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/buc-xuc-viec-cap-phep-ben-thuy-tren-thuong-nguon-song-sai-gon-618428.ldo