Bức tường vẫn trắng sang nhau

Từ Ngàn Phố. Một cái tên mọi người đoán già đoán non có liên quan tới miền Trung Nghệ Tĩnh. Ở đó có con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu. Nhiều người đã tưởng nhầm như vậy. Song, không phải thế. Ông ấy là Nguyễn Tuấn...

Trong một bán kính cỏn con, mà có đến ba nhà thơ nhà văn. Những người này từng có tác phẩm được giải thưởng từ Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức văn chương chuyên nghiệp có uy tín lớn nhất nước. So với nhiều tỉnh, thành dưới xuôi, thì việc đó chẳng có gì đáng kể. Nhưng chuyện này lại nảy ra tại một vùng rừng núi hiu hắt, tận cùng phía Bắc của Tổ quốc. Kinh tế nơi đây chưa phát triển, văn hóa giáo dục đang dần từng bước ổn định. Đó là một vấn đề không hề nhỏ.

Cả ba nhà văn Cao Duy Sơn, Từ Ngàn Phố, Y Phương cùng cất tiếng khóc chào đời ở quanh quanh chân núi Phja Phủ. Họ uống cùng một nguồn nước. Ăn cùng một thứ gạo làng. Nhai cùng một thứ ổi xanh. Chơi cùng một quả núi. Học cùng một ngôi trường vách đất mái rạ. Đó là trường cấp một, cấp hai, cấp ba thị trấn Trùng Khánh. Giữa sân trường có một cây gỗ rất lạ. Đó là cây tếch, dáng thẳng đứng, lá to tròn như bánh đa. Cây tếch này do một người lính Pháp mang sang ta trồng làm kỷ niệm. Nay cây tếch hết hơi rồi, nó không còn sống nữa.

Từ Ngàn Phố. Một cái tên mọi người đoán già đoán non có liên quan tới miền Trung Nghệ Tĩnh. Ở đó có con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu. Nhiều người đã tưởng nhầm như vậy. Song, không phải thế. Ông ấy là Nguyễn Tuấn. Tuấn thư sinh. Tuấn đẹp trai. Tuấn có chỏm tóc trắng trước trán. Tuấn người phố Háng Vài. Cạnh nhà Tuấn cái giếng dùng chung cho cả dân phố. Cái giếng nổi tiếng là bởi nước trong sạch và ngọt. Mọi người có thể uống trực tiếp thoải mái, mà không ngại té re ra bờ rào.

Phố Háng Vài chỉ một đoạn cỏn con hai, ba trăm mét dài. Nó nằm trên trục đường chính chạy từ Mục Mã qua Phủ Trùng, đến cửa khẩu Pò Peo, sang nước bạn Trung Quốc. Tại sao hồi ấy ở đấy có nhiều người xuất chúng. Con trai thì học giỏi, có tài. “Quảng Slíp lạo lục bao Nguyên, bấu tấng lạo kin dziên Trùng Khánh”.

Nghĩa là: Mười anh trai tơ Quảng Nguyên không bằng một ông nghiện vật vờ Trùng Khánh. Đấy là câu hát ví von, hóm hỉnh, đùa cợt, trêu tức nhau. Có từ xa xưa rồi, ngày nay không còn ai nhắc nữa. Còn con gái phố Háng Vài thì hiền thục và cực xinh đẹp. Một vẻ đẹp tự nhiên, không son phấn. Bây giờ ít khi gặp lại hình ảnh ấy trên bất cứ đâu. Này nhé. Da con gái trắng hồng nõn nà như cánh đào phai. Môi đỏ như ớt chín. Ngực căng như cánh cung. Mắt nâu như mắt bồ câu. Eo thon như đồng hồ cát. Tóc dài chạm gót. Nói năng cười đùa nhỏn nhẻn. Khi họ ra đường, lập tức có hàng trăm con mắt nhìn theo. Và nhiều người đã kín đáo nuốt khan nước bọt.

Từ trái qua: Nhà thơ Từ Ngàn Phố và nhà thơ Y Phương.

Có người đồn rằng, đó là vì họ được uống nguồn nước chắt ra thung lũng núi đá thơm. Đá Co Xàu thơm lạ lùng mà không ở đâu có. Vì thế tôi không biết so sánh mà tả nó thơm ra sao. Nguồn nước ấy tạo cho người Co Xàu có chỉ số IQ tăng cao hơn những người nơi khác. Nên con người nơi đây dễ trở thành nổi tiếng!

Chắc không hẳn thế. Việc dùng nước ở chỗ nào, ăn thứ gạo gì, chẳng liên quan tới tiềm năng sáng tạo cái đẹp. Mọi sự thông thái, nhạy cảm nghệ thuật, luôn luôn tồn tại ngoài ý muốn. Hoàn toàn mang yếu tố ngẫu nhiên. Có thể một vài người đã được sự chuẩn bị từ nhiều kiếp trước. Đến kiếp này mới phát lộ tài năng. Có thế chăng? Cái đó mông lung, mờ mịt quá. Nói như vậy là để cho ngọt miệng, đầy vẻ bí hiểm, thế thôi.

Chỉ có thể giải thích một cách chắc chắn rằng, vào những năm 60 của thế kỷ trước, đó là thời kỳ hoàng kim của hệ thống giáo dục tỉnh Cao Bằng. Ngày ấy, thầy ra thầy. Trò ra trò. Lớp ra lớp. Ngôi trường mà chúng tôi học từng nổi tiếng có nhiều học sinh giỏi, xếp ngang ngửa với học sinh trường cấp hai Bắc Lý ở miền Bắc. Đây là niềm tự hào một thời của thầy và trò thị trấn Trùng Khánh. Học hành trở thành một niềm đam mê tự giác. Thậm chí được cắp sách tới trường là mơ ước thiêng liêng của nhiều người.

Hầu hết các thầy cô là người miền xuôi. Họ tình nguyện lên miền núi dạy học. Hoặc một lý do nào đó mà họ phải xa những thành phố lớn. Xa cách lối sống tiện nghi quen thuộc của người thành thị. Các thầy cô là con cái những gia đình khoa bảng, có truyền thống học vấn từ nhiều đời. Ở họ có sự hiểu biết rộng, trình độ chuyên môn cao và sâu, cộng với lòng nhiệt tình hăng say truyền giảng của tuổi trẻ.

Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, chính nhờ có họ mà chúng mình được như thế này. Thực sự đó là một điều may mắn. May mắn chỉ đến đúng một lần. Một lần duy nhất ở trong buổi sáng cuộc đời người.

Học trò ngày ấy không phải chịu bất cứ một áp lực nào. Ngoài sự ham muốn hiểu biết. Tự giác học. Tự giác làm bài. Nếu có ai quay cóp trong giờ kiểm tra, hoặc trong thi cử là một điều tự sỉ nhục. Người nào trót làm cái việc khuất tất đó, dù chỉ một lần, về sau không dám ngang mặt nhìn bè bạn. Thầy cô là những người mẫu mực và cực kỳ nghiêm khắc. Nhưng hầu như không mấy khi họ trách mắng học trò.

Nguyễn Tuấn liên tục mười năm liền là học trò xuất sắc toàn diện. Toán năm. Văn năm. Chính trị, lịch sử năm… Đến Thể dục, thủ công cũng năm. Năm là thang điểm tuyệt đối vào thời đó. Tôi nhìn Tuấn với con mắt từ chân núi lên tới đỉnh. Lòng thầm thán phục và ngưỡng mộ Tuấn. Mặc dù tôi lớn tuổi hơn, nhưng chỉ học trên Tuấn có một lớp.

Thú thực, cái sự học của tôi hồi ấy, nói ra buồn cười lắm. Vì cái tính táy máy nghịch ngợm, ít chú ý đến học hành. Nên tôi cứ trượt lên trượt xuống ở đoạn đầu con đường học hành. Đến nỗi, điểm hạnh kiểm cuối kỳ, tôi được ba điểm rưỡi đã là cao sang.

Chẳng hiểu thế nào, chúng tôi lại gặp nhau trên con đường binh nghiệp, và nổi cơn hứng tập tọng làm thơ. Ngày đó, Tuấn là lính Thiết giáp. Tôi Đặc công. Hai thằng được huấn luyện ở hai binh chủng khá đặc biệt. Tôi cởi trần quần đùi, bôi bùn nâu, trét than đen lên khắp người. Luồn bò qua hàng rào dây thép gai, trong màn đêm đen đặc. Tuấn đội mũ như phi công, mặc quần áo rằn ri như biệt kích. Anh chàng đẹp trai đàng hoàng ngồi trong xe tăng T54 rầm rầm hành tiến. Còn tôi thì âm thầm “nghèo đói”. Tuấn rủng rỉnh ăn chơi nhảy múa. Tôi lấy đêm làm ngày, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Còn Tuấn, xuất hiện ở đâu là mặt trời vén mây để nhìn. Các em xinh tươi đuổi theo Tuấn hàng đàn như bươm bướm, reo lên “xe tăng anh qua miền quan họ”. Tuấn có số sướng. Quả đúng như vậy.

Đầu năm bảy sáu, tôi về tết. Tuấn nhảy bổ ra đón đường. Tuấn lôi tôi vào nhà, pha nước, nói chuyện. Tôi hết sức ngỡ ngàng về thái độ thân tình, ấm áp, đầy bất ngờ này. Bất ngờ là vì trước đây chúng tôi chưa hề quan hệ bè bạn. Dù sao Tuấn cũng “chíp hôi” hơn. Tôi chơi thân với Đỗ Vĩnh Thành, người anh rể của Tuấn. Hơn nữa, tôi là người trong làng. Còn Tuấn là dân phố xá. Người làng ít nhiều cũng còn tâm lý tự ti mặc cảm. Người làng nhìn người phố cho rằng họ thiếu bùn đất phân gio. Còn người phố nhìn người làng lam lũ, xác xơ, lành hiền một cục. Khi đó, khoảng cách xa xôi giữa hai vùng miền là điều có thật. Chứ không tự tin như bây giờ.

Bỗng anh chàng có túm tóc bạc khoe, đã từng đọc thơ của tôi. Ngượng. Xấu hổ. Nhưng rất vui. Tôi mới làm thơ báo tường cỡ trung đội, đại đội. In đâu đó một hai bài. Không dám cho là mình làm thơ. Nhưng, với Tuấn, không hiểu sao, tôi nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết từ đó.

Dạo ấy, Tuấn đã có nhiều bài thơ in trên báo, mang bút danh Đặng Trùng Khánh. Đặng là họ của mẹ. Trùng Khánh là địa danh của huyện nhà. Tuấn đến với thi ca bắt đầu từ hai người mẹ. Một người có công sinh thành dưỡng dục. Còn một mẹ cho nguồn cảm hứng sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Cái tên Đặng Trùng Khánh làm tôi muốn khóc.
Thế là những bài thơ mới cũ của cả hai đứa lôi ra đọc phứa lên.
Hòn đất mà cất nên nhà
Dù giông dù gió đi qua xá gì….

Nhong nhong cưỡi ngựa bồ đề
…giặc Ân lại về bà ơi
Nước mình nhọn núi tròn đồi…

Hay:

…con thuyền ngủ thiếp trong tranh
Hình như nó cũng chòng chành lao đi…

Tôi không nhớ toàn bộ những bài thơ lục bát của Tuấn. Nhưng phải nói rằng, đến tận bây giờ tôi vẫn thấy lâng lâng, da diết khi đọc nó. Thơ của Tuấn bao giờ cũng đằm thắm và da diết.

Ta hãy xem nhà thơ tả chân dung người cha:

…Phần lớn thời gian trong cuộc đời
người cởi trần
mặc độc chiếc quần đùi
buộc tóc, chùm râu tỏa ra mùi mạt cưa thơm ngát…

còn tính cách:

...với dụng cụ trong tay
chiếc thước vuông, sợi dây rọi
người chỉ quen tính toán thẳng ngay
những xiên xẹo không có chỗ ở nơi người…

Đúng. Chính xác. Ông cụ thân sinh của Tuấn là một người như thế. Hiền lành. Thẳng ngay. Hồn nhiên. Hay thương và chia sẻ những người khó khăn bần cùng.

Ngày ấy, tôi đang yêu. Tuấn cũng thế. "Bức tường vẫn trắng sang nhau. Mặt trời mỗi ngày nghiêng vào nỗi nhớ…" là tôi viết về mối tình đầu của Tuấn. Nhưng thực ra cũng là viết cho chính tôi.

Ôi! Mối tình đầu. Những mối tình đầu. Nó như cơn mưa đắng. Mưa tuy đắng nhưng về sau có những lúc mưa ngọt. Càng để lâu mưa càng ngọt. Đúng vậy không nhỉ? Thế rồi đợi đến sáng mai, những sợi mưa âm thầm chuyển thành mưa chua. Mưa chua là bởi nó bốc mùi thương nhớ. Thương nhớ người xưa, nhưng giờ thì xa cách biền biệt. Biết làm sao được. Đời là vậy. Ai ai cũng thế mà thôi. Dang dở trong tình yêu là khoảng trống đau buồn bền bỉ dai dẳng nhất.

Mối tình đầu như giọt rượu đầu. Nó cháy. Nhưng không dám cháy đến hết. Tuy không cháy đến hết nhưng thỉnh thoảng mắc ở nơi cổ họng. Nuốt không xuống. Nhả không ra. Nó ngấm và làm choáng váng người ta như cơn say thuốc phiện.

Bây giờ, cả lớp chúng tôi đều đã lớn. Người đang được làm ông ngoại. Người sắp được lên ông nội. Ai cũng đủ mùi mưa phùn sương muối, hồn vía thì xem ra vẫn chưa trưởng thành. Riêng tôi. Lòng thổn thức vẫn nhớ về bức tường màu trắng.

Y Phương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/buc-tuong-van-trang-sang-nhau-493955/