Bức tường nghệ thuật làm từ rác

Bức tường nghệ thuật ở Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với 16 tác phẩm được làm từ rác, phế liệu đang gây chú ý đối với nhiều người qua lại.

 Con đường ven đê sông Hồng thuộc phường Phúc Tân vốn là nơi tập kết rác thải, phế liệu. Trước thực trạng trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án nghệ thuật chỉnh trang môi trường, cảnh quan.

Con đường ven đê sông Hồng thuộc phường Phúc Tân vốn là nơi tập kết rác thải, phế liệu. Trước thực trạng trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án nghệ thuật chỉnh trang môi trường, cảnh quan.

Họa sĩ Yên Thế là người thực hiện tác phẩm "Bức tường danh vọng" mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Bức tường được giữ nguyên cốt, đắp thêm vữa, tạo khối, kết hợp giữa điêu khắc, hội họa. Bắt tay vào làm từ trước Tết, nhóm của anh gặp phải khó khăn vì thời tiết mưa liên tục.

Để thực hiện dự án, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giám tuyển của dự án đã lên kế hoạch trước khoảng 6 tháng, kết hợp với 13 nghệ sĩ trong nước ở 3 miền Bắc - Trung- Nam và 3 nghệ sĩ nước ngoài sinh sống lâu năm ở Việt Nam. Anh xây dựng kịch bản nghệ thuật cho bức tường dựa trên giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam, đặc biệt là vị trí của bãi Phúc Tân, sông Hồng, cầu Long Biên.

Trước khi có dự án, khu vực này thường xuyên là nơi tập kết rác thải của các hộ dân. Để nâng cao ý thức và có được sự ủng hộ, nhóm nghệ sĩ đã đến nhà văn hóa nói chuyện với người dân. Cả nhóm đã thuyết trình về ý tưởng và người dân đã đồng lòng cùng giúp đỡ hoàn thiện, giữ gìn các tác phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hồng vui mừng khi không còn cảnh người vứt rác đi trước, kẻ đi sau nhặt bỏ vào thùng như trước đây. Con đường này trở nên sạch đẹp, mang tính nghệ thuật cao. "Tôi rất tự hào, chỉ mong sao chính quyền và người dân cùng nhau chung tay vệ sinh thêm đường cống nước bên cạnh để không còn mùi hôi thối", ông Hồng chia sẻ.

Các em nhỏ thích thú vui đùa ở khu vực này. Ngoài đá bóng, cầu lông, các em nhỏ có thể trốn sau các thùng phuy để chơi trốn tìm.

Bà Babara Mills cùng chồng từ Mỹ đến Việt Nam du lịch. Bà thấy rất bất ngờ khi bên dưới cây cầu Long Biên cổ kính là một con đường nghệ thuật làm từ đồ tái chế. Bà còn rất thích cách kết cấu, cách tạo nên tác phẩm, theo bà những chai nhựa để nguyên màu xanh dương như con sóng nhấp nhô rất đẹp mắt.

Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm. Hơn 100 bóng đèn được lắp đặt để chiếu sáng và đặt bên trong tác phẩm.

Tác phẩm “Nhà nổi” của họa sĩ trẻ Lê Đăng Ninh với nguyên liệu là thùng phuy sắt, alu gương và đèn led. Tác phẩm sắp đặt này là một đối thoại thú vị với những người nhập cư sống lênh đênh trên thuyền - hình ảnh gần gũi với sông Hồng khu vực Hà Nội từ xưa đến nay.

Dù trời đã tối nhưng nhóm tác giả vẫn tiếp tục gấp rút thực hiện các tác phẩm với hy vọng làm đẹp cảnh quan, nâng cao ý thức người dân, đón tiếp khách tham quan đến với vùng đất mang đầy giá trị văn hóa, lịch sử.

Phương Lâm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/buc-tuong-nghe-thuat-lam-tu-rac-post1048319.html