Bức tử thai nhi: Sự vô cảm đáng sợ...

Với hiệu ứng domino sự vô cảm, sự xuống cấp về đạo đức xã hội có nguy cơ trở thành thói quen, trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Tác động từ môi trường gia đình...

Liên quan tới loạt phản ánh về hiện tượng các phòng khám tư, các bác sĩ sẵn sàng nhận phá những ca thai to lên tới 22 tuần tuổi, nhìn nhận vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ lối sống, cách giáo dục của gia đình.

Những thai nhi may mắn được cứu sống. Ảnh: LĐO

Những thai nhi may mắn được cứu sống. Ảnh: LĐO

Bà Nữ cho biết, những năm gần đây đứng trước nhiều phiên tòa xét xử về các hành vi phạm tội của trẻ em, bà được tiếp xúc với rất nhiều trạng thái tâm lý, tính cách khác nhau của mỗi đứa trẻ từ lì lợm, sống buông thả, phóng túng cho tới ngang ngược, bạo lực, côn đồ.

Nguyên nhân theo vị luật sư là do những đứa trẻ đó đã bị ảnh hưởng từ hoàn cảnh, lối sống, cách giáo dục của chính những người làm cha, làm mẹ trong gia đình. Có những gia đình vì hoàn cảnh, cha mẹ ly hôn, mạnh ai nấy sống mà bỏ mặc con cái sống lang thang, phóng túng dẫn tới tù tội, hoặc mang thai ngoài ý muốn.

Cũng lại có những gia đình bố mẹ không ly hôn nhưng sống với nhau thiếu trách nhiệm, coi nhau như kẻ thù, hàng ngày cãi vã, đánh chửi, mạnh cha - cha đánh, mạnh mẹ - mẹ đánh, không ai quan tâm tới ai.

Lấy ví dụ với trường hợp đứa trẻ 3 tháng ở quận 9, TP.HCM, bà Nữ xót xa kể lại:

"Chỉ vì đứa trẻ biếng ăn, bỏ bú mẹ, người mẹ không biết làm thế nào cho con bú nên bực túc bỏ nhà đi, đến bar, vũ trường, hút hít, nghiện ngập.

Người cha ở nhà, biết vợ nghiện hút thì không biết làm cách nào khác lại trút giận lên đầu đứa con trẻ, đổ lỗi cho đứa trẻ rồi quay lại đánh đứa trẻ gãy chân làm ba khúc.

Một đứa trẻ mới 3 tháng tuổi làm gì biết việc nào đúng, việc nào sai, làm gì nên tội nhưng vì sự tức giận của người lớn mà quay lại đánh đập, đổ lỗi cho con.

Hậu quả, cả bố mẹ phải chịu tù tội, đứa bé để lại cho bà ngoại nuôi. Một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh như vậy thì lớn lên làm sao trở thành một người bình thường"?, vị nữ luật sư kể lại.

Kể tiếp một câu chuyện khác, bà Trần Ngọc Thị Ngọc Nữ cho hay, khi bà tham dự một phiên tòa bà đã nghe người mẹ than vãn rất nhiều về chuyện con cái hành xử như côn đồ, sẵn sàng lao vào đánh đập bất cứ ai làm nó khó chịu.

"Người mẹ khóc lóc bất lực trước đứa con quá ngỗ ngược, không biết nghe lời ai. Chị ta kể con chị sẵn sàng có thể vứt đồ, túm tóc đánh bạn cùng lớp, cùng trường một cách thản nhiên, không chút run sợ.

Mẹ có góp ý, có khuyên răn thì cũng bị con trừng mắt, nạt lại, thậm chí còn bị dọa cho ăn đánh, giết nếu còn nhiều lời.

Tôi thấy quá khủng khiếp, một đứa trẻ hung dữ như vậy thì làm sao rèn nổi. Khi hỏi ra mới biết, ngày nhỏ nó được chứng kiến cha nó đi chơi về là lôi mẹ con nó ra đánh, đi uống rượu về là đập phá đồ đạc, đánh vợ, đánh con vì thế, ngay từ bé nó đã là đứa trẻ lì lợm, lớn lên thì không muốn giao tiếp, trò chuyện với ai, tính cách ngỗ ngược, hung hăng, khó kiểm soát. Đó tất cả là hậu quả một môi trường giáo dục không tốt", bà Nữ chia sẻ.

Theo vị luật sư, từ chính hoàn cảnh, lối sống của gia đình, cha mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của những đứa trẻ. Khi sống cùng gia đình và bố mẹ đã phải chịu áp lực, chịu đánh đập, bị tổn thương, không được nuôi dạy tới nơi, tới chốn. Khi lớn lên thì dễ nảy sinh tâm lý căm hận, uất ức, chán nản dễ làm những việc sai trái. Nhất là khi không được giáo dục tốt, không có kỹ năng sống thì khi ra xã hội rất dễ bị lôi kéo, bị lạm dụng, xâm hại, cưỡng bức tới khi có thai mà không biết đến khi thai nhi quá to không bỏ được nữa thì phải đẻ non, phải bỏ con.

Nạn nạo phá thai vì thế cũng ngày càng nhiều, nhất là ở những lứa tuổi vị thành niên. Trẻ sơ sinh sinh ra không được nuôi dưỡng, bị mẹ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, vẫn nguyên dây rốn cũng mỗi ngày một nhiều hơn, đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Vị luật sư cho biết, khi lên án những đứa trẻ, những người nạo phá thai, đẻ con rồi bỏ rơi, cho con một thì cũng cần phải lên án, phê phán cả những người làm cha, làm mẹ mà thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm nuôi dưỡng, giáo dục con cái trong gia đình mười lần. Đây chính là khởi nguồn của nhiều hành vi phạm pháp ở lứa tuổi vị thành niên.

Sự vô cảm thờ ơ như "dầu thêm vào lửa"

Cùng với trách nhiệm của gia đình, cha mẹ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cũng quyết liệt phê phán thái độ, cách ứng xử vô cảm của những người xung quanh, những người hàng xóm chứng kiến các vụ bạo lực gia đình, chứng kiến đứa trẻ bị hành hạ, xâm hại mà không có phản ứng kịp thời để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Lấy ngay ví dụ từ những vụ phá thai trên 22 tuần tuổi, bà Nữ cho rằng đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý trên địa bàn đã không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các phòng khám hoạt động trái phép, sẵn sàng cung cấp các dịch nạo, phá thai to.

Đó là những người dân, tổ dân phố nơi có các phòng khám hoạt động ngày đêm mà thờ ơ, coi như không biết gì để phòng khám ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm.

Bà Nữ cho biết, có phòng khám thai tư nhận phá bỏ hàng vài chục thai nhi một ngày, rất nguy hiểm.

Nếu có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng, của người dân, của tổ dân phố chắc chắn sẽ ngăn chặn được nhiều vụ phá thai chui, có thể cứu sống được nhiều thai nhi đủ khả năng được sống.

Từ vụ việc trên khiến bà Nữ lo ngại với hiệu ứng domino sự vô cảm, sự xuống cấp về đạo đức xã hội có nguy cơ trở thành thói quen, trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Sự vô cảm không phải nhìn từ vụ phá thai to mà còn ở trong cách ứng xử giữa những người thân trong gia đình, giữa các mối quan hệ trong cộng đồng xã hội trước những vụ bạo hành, bạo lực gia đình...

Lấy thêm ví dụ, bà Nữ cho biết, những vụ bạo hành trẻ em được đưa clip lên mạng với thời lượng dài cả tiếng đồng hồ, trong clip là những trận mưa đòn roi không thương tiếc của người cha, người mẹ. Đứa con trẻ không thể chống đỡ, không dám phản ứng, nhắm mắt, co mình chống chịu khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải xót xa.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người chứng kiến và đang quay clip đó đã làm gì để ngăn chặn một đứa trẻ bị bạo hành dã man như vậy? Có cần thiết phải ngồi quay cho hết rồi đưa lên mạng gây sự chú ý, rồi ngồi đợi cơ quan chức năng vào cuộc hay không? Tôi cho rằng là không, chỉ cần một vài phút cũng đủ bằng chứng để tố cáo, việc quan trọng hơn là phải ngăn chặn kịp thời không để đứa trẻ phải chịu đau đớn thêm nữa", bà Nữ kể và nhận định, đó cũng là một cách hành xử kiểu vô cảm.

Bức tử thai nhi: Sự ám ảnh khủng khiếp

Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên và cũng để cứu vãn phần nào đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, bà Nữ cho rằng các cơ quan chức năng, các cấp, ngành phải vào cuộc.

"Lẽ ra, thay vì sẵn sàng nhận phá bỏ thai nhi, các bác sĩ, phòng khám phải tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân phá bỏ, rồi dựa trên điều kiện sức khỏe của đứa trẻ để đưa ra lời khuyên cho người mẹ.

Ví dụ, với một đứa trẻ 13 tuổi mang thai 8 tháng thì phải liên hệ với gia đình, người thân, phải tư vấn sức khỏe sinh sản cũng như những nguy cơ cho đứa trẻ để lựa chọn giải pháp xử lý cho an toàn. Không thể vì tiền mà bất chấp đạo lý, bất chấp sự an toàn về sức khỏe của đứa trẻ được", bà Nữ nói.

Theo bà Nữ, đáng ra với những vụ việc như thế này thì chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trên địa bàn phải giám sát, kiểm tra, phát hiện và quản lý chặt chẽ hoạt động của các phòng khám thai, thẳng thắn xóa bỏ, đóng cửa những phòng khám không phép, khám chui, không đủ uy tín, chuyên môn được hành nghề.

Bên cạnh đó, cũng giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật của những phòng khám này, kiên quyết, ngăn chặn những vụ nạo phá thai và đặc biệt với những vụ phá thai to phải coi đó là hành vi giết người, cần được xử lý nghiêm theo pháp luật.

Ngoài ra, cũng cơ quan quản lý cũng cần phải có giải pháp ứng xử phù hợp với những đứa trẻ đã lỡ mang thai mà không có điều kiện để nuôi dưỡng hoặc không đủ khả năng nuôi dưỡng. Ví dụ, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi chỉ nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi, không có cha, mẹ cũng là một lý do khiến những đứa trẻ khi mang thai nhưng không nuôi được con phải tìm đến các phòng khám phá thai. Bởi, nếu có sinh ra, không nuôi được thì cũng không biết gửi con vào đâu. Do đó, bà Nữ cho rằng cần phải xem lại quy định này, để hạn chế tình trạng phá thai to như phản ánh.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/buc-tu-thai-nhi-su-vo-cam-dang-so-3409588/