Bức tranh xã hội Hàn Quốc qua tiểu thuyết 'Về nhà với mẹ'

'Về nhà với mẹ' là cuốn sách mang đậm dấu ấn của cuộc sống hiện đại với những nỗi cô đơn, tuổi già và sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ.

Về nhà với mẹ là tiểu thuyết của nhà văn trẻ Kim Hye-jin, được xuất bản lần đầu tiên tại Hàn Quốc năm 2018. Tác phẩm đã giúp Kim Hye-jin trở thành gương mặt đáng chú ý trên văn đàn Hàn Quốc những năm gần đây.

 Sách Về nhà với mẹ, bản chuyển ngữ tiếng Việt của Bích Ngọc, do Nhã Nam phát hành năm 2020. Ảnh: Nhã Nam.

Sách Về nhà với mẹ, bản chuyển ngữ tiếng Việt của Bích Ngọc, do Nhã Nam phát hành năm 2020. Ảnh: Nhã Nam.

Mẹ - con và quá trình thấu hiểu

Tiểu thuyết bắt đầu bằng chuyện quay trở về của cô con gái được gọi bằng biệt danh Green, khi cuộc sống riêng gặp những vấn đề khó khăn, không còn khả năng trả tiền thuê nhà.

Câu chuyện được dẫn dắt bằng lời tự sự của người mẹ, ngay từ khi bắt đầu đã đầy mâu thuẫn.

Nhân vật tôi - người mẹ, đại diện cho mẫu phụ nữ truyền thống trong xã hội. Bà chăm sóc con gái chu đáo, đặt hy vọng vào con. Bà muốn con trở thành phụ nữ lấy chồng, sinh con và sống cuộc đời bình thường.

Khác biệt hoàn toàn với mong muốn và dẫn dắt của người mẹ, người con lại là cô gái nổi loạn, sẵn sàng dấn thân để tìm kiếm hạnh phúc riêng của mình; sẵn sàng từ bỏ công việc giảng viên để đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho mọi người.

Cô yêu và sống cùng một phụ nữ suốt 7 năm. Cô luôn xem người ấy là gia đình của mình. Cuộc sống với cô luôn khó khăn và khó khăn nhất là không có sự ủng hộ của mẹ.

Việc quay về nhà, bắt đầu sống chung, là tiến trình quan trọng, dẫn đến sự thay đổi của hai nhân vật.

Hai phụ nữ, hai thế hệ, hai suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Khi họ sống chung dưới một mái nhà, những mâu thuẫn, cãi vã, câm lặng, đau khổ... đã xảy ra. Nhưng từ đó, họ có thể khám phá thế giới riêng của nhau, dẫn đến sự “vượt qua” và “chấp nhận”.

Nhân vật ở giữa mối quan hệ mẹ - con căng thẳng ấy là cô gái - người yêu của Green, tên Rain. Rain có sự ấm áp của phụ nữ hiện đại, từng trải và thấu hiểu. Cô có thể dọn dẹp nhà cửa, pha trà cho người mẹ, nấu mì udon cho bà. Cũng có những buổi, cô cùng bà trò chuyện, những câu chuyện ngắn, rời rạc, nhưng từ ấy giúp mỗi độc giả có cơ hội đến gần với tâm hồn nhân vật.

Rain là ánh sáng của ngọn lửa nhỏ, trong ngôi nhà buồn bã của hai mẹ con Green. Từ ấy, mối quan hệ của 3 phụ nữ dần gắn bó, không chỉ bởi quan hệ ruột thịt, mà còn là sự thấu hiểu nội tâm.

Mẹ luôn sẵn sàng để thấu hiểu và yêu thương. Ảnh minh họa từ phim Mother (2017).

Bức tranh xã hội hiện đại Hàn Quốc

Văn học Hàn Quốc cúi xuống cùng người nghèo khổ sống trong những khu ổ chuột với nỗi lo thất nghiệp thường trực.

Bạn đọc có thể thấy từ Điều gì xảy ra, ai biết; Anh đã trở về (Kim Young Ha); Một trăm cái bóng (Hwang Jung-geun) đến Về nhà với mẹ, các tác giả đã đi thẳng vào đô thị hiện đại của Hàn Quốc, phơi bày những tăm tối ẩn giấu trong đó.

Họ viết về những người nghèo khổ để an ủi và cảm thông, dùng ngòi bút để cất lên tiếng nói sâu thẳm của những con người vô danh trong đời. Những con người này không bị phủ nhận trong cuộc sống đang xô đẩy vội vã.

Theo dõi quá trình vật lộn của Green để sống hàng ngày và được theo đuổi tình yêu tự do của mình, độc giả có thể cảm nhận nỗi cô đơn của những người trẻ. Bên cạnh đó, người đọc cũng có cái nhìn cảm thông với người mẹ khi bà quá khắc nghiệt với con cái.

Người mẹ nhận ra hệ quả của áp lực xã hội, sự thay đổi liên tục của đời sống, tiền nhà có thể tăng vọt sau một đêm ngủ dậy, việc có thể mất chỉ sau một ngày nghỉ ốm...

Về nhà với mẹ là tiểu thuyết sâu sắc, được viết bằng giọng văn súc tích, đầy tình biểu cảm, khơi dậy bức tranh sống động về sự sống của con người trong đô thị.

Cuốn sách đầy khắc khoải, nhiều nỗi buồn nhưng cũng nhói lên niềm hy vọng không bao giờ tắt của con người trong cuộc sống.

Thủy Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-tranh-xa-hoi-han-quoc-qua-tieu-thuyet-ve-nha-voi-me-post1125789.html