Bức tranh về phân biệt chủng tộc của Basquiat giá 110,5 triệu đô

Jean-Michel Basquiat, từ một người thất nghiệp vô gia cư đã trở thành cố họa sĩ triệu phú. Tác phẩm Untitled – bức tranh đã phá vỡ cột mốc 100 triệu USD, thuộc hàng top 10 trong số những tác phẩm đắt nhất các kỳ đấu giá.

Yusaku Maezawa, 41 tuổi, một doanh nhân Nhật Bản kiêm là “đấu sĩ” trên sàn đấu giá nghệ thuật đã mua lại bức tranh mang tên Untitled của Basquiat với giá 110,5 triệu đô ở buổi đấu giá Sotheby tháng 5.2017.

Yusaku Maezawa với bức tranh của basquiat-skull-painting.

Maezawa là một nhà sưu tầm tranh vừa mới gia nhập vào sàn đấu giá nghệ thuật. Ông đã có nhiều trải nghiệm trò chuyện thực tế với các nhà sưu tầm tranh nổi tiếng, và có khả năng nhận ra và đánh giá được “độ yêu thương thuần khiết” của người đối thoại dành cho các bức tranh của họ có thực sự hiện diện trong họ hay không. Nhờ một chút thời gian ngắn ngủi đó thôi cũng đủ để Maezawa hiểu được vì lý do gì mà họ lại mê tranh đến vậy.

Vốn là thành viên trong một ban nhạc rock từ thời trung học, nhưng không học đại học, mà Maezawa đã cùng với cô gái của mình di cư sang Mỹ để quảng bá cho các sản phẩm đĩa CD cho ban nhạc.

Họa sĩ Jean-Michel Basquiat.

Hiện nay, ông đang làm chủ một công ty mang tên Start Today, và từ đó cũng mở ra dịch vụ mua sắm thời trang online thuộc hàng đầu nước Nhật – ZOZOTOWN. Cho tới khi bước vào giới nghệ thuật thế giới và những sàn đấu giá của những tuyệt tác, ông bắt đầu hướng tâm về các tác phẩm thuộc nghệ thuật đương đại, đặc biệt là Jean-Michel Basquiat.

New York 1977, những thông điệp ngắn gọn bắt đầu xuất hiện một cách bí ẩn kèm theo dòng tag “SAMO” trên khắp các tòa nhà ở Manhattan – “Same-Oh” (same old shit – mãi chỉ thấy một màu) nói về những thứ vẫn lặp đi lặp lại, hiện hữu mà quá vớ vẩn: đức tin thì giả tạo, chính trị thì bùi nhùi, triết lý như ma giáo, còn truyền thông thì “tẩy não” người dân, và nhiều hơn thế. Từ một ý tưởng nảy sinh của Basquiat và Al Diez bởi vòng tuần hoàn mỗi ngày nhàm chán, dòng tag “SAMO” đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ phía dư luận và xã hội, và về sau cũng là tiếng chuông báo hiệu cho sự thay đổi tư duy của họa sĩ của Basquiat.

Basquiat sinh ra ở Brooklyn năm 1960 (mất năm 1988), New York thời bấy giờ không phải là chốn thực tốt đẹp. Từng thông điệp được viết trên những bức tường luôn hàm chứa sự phản ánh về những điều mà ta không chỉ thấy ở đời tư của Basquiat, mà hầu như ai cũng đã có thể dừng lại mà suy ngẫm, để rồi lại nhìn vào cuộc đời của mình có phần nào tương quan, và đầy mỉa mai về thực trạng của đời sống xã hội suy tàn thời ấy. Như một quả cầu cháy rực ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết sa xuống từ trên cao, Basquiat quyết định đặt dấu chấm hết cho “hiện tượng SAMO”, cho rằng đó chỉ tựa như một trò đùa của một thời cấp 3 và tấn công vào giới nghệ thuật, bắt đầu từ những tấm nền canvas. Ngày nay, những tác phẩm đánh dấu sự nghiệp sơn dầu của ông vào cuối thế kỷ 20 vẫn luôn được “săn đón”.

Tác phẩm Untitled cho ta hình dung một người da màu qua chiếc hộp sọ màu đen đang cực kỳ tức giận (những đường viền gân đỏ), khè răng cùng với cặp mắt trợn tròn làm tâm điểm của cơn thịnh nộ. Phía sau chiếc đầu lâu là một bức tường graffiti xanh lam đang còn dang dở, có lẽ miêu tả một người đang tính toán về số phận của những người cùng màu da đã chết oan uổng trên những chuyến tàu buôn nô lệ vào thế kỷ 18, hay là những người đang phải sống dưới trướng những tâm ma mà họ phải phục tùng. Chiếc sọ đen ấy đang kể cho những ai đã và đang nhìn vào nó một câu chuyện có thật và biết đâu vẫn đang tiếp diễn, như có cả một khúc nhạc blue buồn bã bao trùm khắp cả tâm trí của một tù nhân, len lỏi trong tâm can vô cảm của những kẻ cuồng bạo. Hiếm khi nào chúng ta mới có cơ hội được nhìn thấy một bức tranh về nghệ thuật đương đại mà mang trong mình một chủ đề bi thảm đến như vậy, mang cả một vấn nạn, mang luôn sự đối lập hoàn toàn rõ rệt giữa đường lối nghệ thuật của chính Jean-Michel Basquiat mà khác biệt với những xu thế xa hoa, vui đùa của nhiều nghệ sĩ khác.

Ngay từ giây phút đầu tiên của tiết mục đấu giá cho bức tranh Untitled ở Sotheby, bầu không khí đã trở nên sôi nổi khi liên tục các mức giá đang đấu được đưa ra, và với mốc 110,5 triệu đô, Maezawa đã bỏ xa những đối thủ còn lại và giành chiến thắng trong niềm vui không tả xiết.

Maezawa lập tức chia sẻ lòng tự hào của mình trên các mạng xã hội và cũng nói rằng: “Tôi tin mình đã thấu từng vẻ đẹp cùng dòng cảm xúc của những gì chân thật nhất đến từ nơi tác giả được thể hiện trong bức tranh này. Và chưa kể từ giây phút đầu tiên mà chúng tôi chạm mặt ở phòng đấu giá, một cú sét chợt đánh ngang tim khiến tôi như cảm giác được một sự gắn kết thân mật mãnh liệt hơn những tác phẩm mà tôi đã từng thấy của Basquiat từ lúc bắt đầu tìm hiểu về câu chuyện đời của ông ấy”.

Nhưng lý do chính mà Yusaku Maezawa tham gia vào việc mua tranh cũng vì mục đích muốn đưa những tác phẩm tiêu biểu từ tay các họa sĩ trẻ của thế hệ nghệ thuật đương đại để họ được thế giới biết đến, và ông cũng quan niệm rằng, những nhà sưu tập tranh nên chiến đấu vì những bức tranh thực sự chạm tới trái tim họ và hãy yêu chúng hết lòng, không cần bận tâm suy nghĩ miệng người đời.

Theo Hồ Trần Anh Trí (tổng hợp) (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/buc-tranh-ve-phan-biet-chung-toc-cua-basquiat-gia-1105-trieu-do-779810.html