Bức tranh thờ của dòng họ Phạm Đình

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lúc sinh thời từng nhận định: 'Tìm hiểu hồ Tây chính là tìm hiểu một bộ phận cơ bản của văn hóa Thăng Long - Hà Nội'. Câu chuyện quanh bức tranh thờ quý báu của dòng họ Phạm Đình thuộc làng cổ Đông Xã ven hồ Tây góp thêm một lát cắt nhỏ cho vấn đề này.

Ký ức về dòng tranh dân gian Đông Hồ

Chuyện xưa truyền lại

Nằm sâu trong ngõ 444 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, nhà thờ tổ của dòng họ Phạm Đình thuộc làng cổ Đông Xã ven Hồ Tây xưa tuy không bề thế hoành tráng nhưng thấm đẫm sự trang nghiêm, linh thiêng, được các thế hệ con cháu chăm sóc, sửa sang cẩn trọng. Đặc biệt, bên trong khám thờ, có một bức tranh thờ quý báu của dòng họ đã được lưu giữ qua rất nhiều thế hệ.

Trong tranh là hình ảnh của hai người phụ nữ được vẽ bằng mực màu, ăn mặc theo trang phục cổ, khuôn mặt đẹp, phong thái thanh tao, cao quý. Người họ Phạm Đình không biết chính xác niên đại của bức tranh, nhưng qua các câu chuyện truyền miệng từ đời các cụ kể lại, và qua cuốn thần phả giấy vàng nay đã cụt một nửa vì bị mủn qua năm tháng mà người trong dòng họ cất công cậy nhờ một số nhà Nho dịch hộ, bức tranh quý này được cho là có từ triều Lý.

Hình ảnh hai người phụ nữ, cũng theo lời các cụ thế hệ trước truyền lại, chính là hai bà cô Tổ của dòng họ Phạm Đình được tuyển vào cung làm vợ vua triều Lý, sau khi qua đời được vua Lý cho làm miếu thờ. Hai bên khám thờ hiện treo trang trọng 2 câu đối chữ Nho được ghi trong thần phả, tạm dịch: "Lý triều quế dịch phương huy viễn/Đông ấp hà thân ấm tý trường" (Triều Lý nương nhờ cung Vua tiếng thơm bay xa/Làng Đông thân thích họ hàng che chở mãi mãi).

Trò chuyện với phóng viên Báo Hà Nội mới, ông Phạm Đình Thành - một thành viên của dòng họp Phạm Đình, cũng là thành viên của Tiểu ban Quản lý di tích phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: "Tôi được các bậc cao niên kể lại, dòng họ Phạm Đình đã lưu giữ, bảo quản bức tranh thờ này từ lâu lắm. Các cụ cũng đoán khu vực nhà thờ họ này xưa vốn là miếu thờ hai bà, trải bao năm tháng bể dâu, dòng họ Phạm Đình thường xuyên coi sóc, lâu dần miếu thờ hai bà cô Tổ được xem như nhà thờ tổ. Không rõ niên đại chính xác, nhưng theo những gì các cụ truyền lại thì ngày xưa, mỗi khi đến dự Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ ở làng Đông Xã, vua, quan vẫn hay để ngựa ở cầu xóm, rồi vào miếu hai bà thắp hương"...

Khắc ghi những ngày tưởng niệm đáng nhớ trong Nhà thờ họ Phạm Đình

Khắc ghi những ngày tưởng niệm đáng nhớ trong Nhà thờ họ Phạm Đình

Đền Đồng Cổ nằm trong số những ngôi đền cổ nhất Hà Nội tính từ đời Lý, nằm ở góc Tây nam Hồ Tây, nổi tiếng với Hội thề Trung hiếu cùng lời thề: "Làm con bất hiếu/Làm tôi bất trung/Thần Minh giết chết (Vi tử bất hiếu/Vi thần bất trung/Thần Minh cức chi).

Hội thề Trung hiếu là một hội lớn, được tổ chức từ đời Lý (từ năm 1028) vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hằng năm, đến đời Trần, lời thề này được chuyển thành: Làm tôi hết lòng trung/Làm quan trong sạch/Ai trái thề này/Thần Minh giết chết. (Vi thần tận trung/Vi quan thanh bạch/Hữu thâu thử minh/Thần Minh cức chi).

Được tiếp nối tổ chức qua nhiều triều đại phong kiến và vẫn được duy trì đến tận ngày nay, Hội thề này đã trở thành một nghi thức lễ hội để củng cố trật tự xã hội rất giàu ý nghĩa và vẫn vẹn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại.

Không biết thực hư câu chuyện vua, quan đến lễ miếu hai bà cô Tổ họ Phạm Đình dịp Hội thề Trung hiếu ra sao, chỉ biết là trong nhà thờ tổ này hiện vẫn gắn biển ghi rõ những ngày tưởng niệm đáng nhớ hằng năm của gia tộc họ Phạm Đình, tương truyền là ngày giỗ của hai bà, lần lượt vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch (trùng ngày tổ chức Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ) và ngày 20 tháng 7 âm lịch.

Gìn giữ di sản của dòng họ

Biết bao năm qua, bức tranh thờ hai bà cô Tổ luôn được coi là báu vật trong tâm thức của mỗi người con dòng họ Phạm Đình làng cổ Đông Xã. Không ai bảo ai, mỗi dịp giỗ, tết, con cháu dòng họ Phạm Đình lại tề tựu về nhà thờ tổ, duy trì nếp sinh hoạt tín ngưỡng, giao lưu thân thiết, vui vẻ, lưu giữ truyền thống tốt đẹp, anh em thuận hòa...

Ông Phạm Đình Thành không giấu sự tự hào khi nhắc về truyền thống gia đình: "Trải bao dâu bể, nhà thờ tổ của dòng họ chúng tôi tuy chỉ lợp ngói, cây que tre nứa nhưng may mắn hầu như còn được giữ nguyên vẹn.

Bức tranh thờ hiện được treo trang trọng trong khám thờ của dòng họ Phạm Đình

Cứ chiều 30 Tết âm lịch, con cháu chúng tôi lại làm mâm cơm cúng tổ. Đêm giao thừa, nhà thờ tổ được mở rộng để con cháu tụ về, hương khói cúng lễ, thụ lộc tổ, rồi sau mới đi lễ đình, chùa sớm mùng 1 Tết. Việc coi sóc nhà thờ tổ gắn với bức tranh thờ cổ đã trở thành niềm tự hào chung của dòng họ".

Nhẩn nha kể một số câu chuyện mang tính thiêng, khó lý giải, mang ý nghĩa tâm linh được lưu truyền trong dòng họ liên quan đến nhà thờ tổ và bức tranh thờ quý báu, ông Phạm Đình Thành chia sẻ: "Chúng tôi luôn tâm niệm gìn giữ, trân trọng bức tranh thờ và nhà thờ tổ là trách nhiệm chung. Còn tranh là còn được nhìn thấy hình hài các cụ Tổ.

Gia đình cũng đã tiến hành số hóa, cho chụp lại tranh để lưu giữ. Sau này, nếu bức tranh bị hỏng, cũng đành coi như tuân theo quy luật của tự nhiên của trời. Quan trọng là phải lưu truyền những câu chuyện về bức tranh quý, về dòng họ Phạm Đình qua các thế hệ, bởi chừng nào đời con cháu còn biết đến chuyện của hai bà cô Tổ và chuyện về các thế hệ cha ông, bức tranh quý ấy vẫn còn sống mãi trong tâm thức".

Trân trọng câu chuyện về bức tranh quý của nhà thờ tổ dòng họ Phạm Đình làng cổ Đông Xã, ông Trần Quang Tuyến, một thành viên dòng họ Trần cùng làng chia sẻ: "Cùng là làng cổ ở Thăng Long - Hà Nội, nhưng khác với Đông Ngạc, làng cổ Đông Xã xưa không có nhiều người đỗ khoa bảng, vì vậy, không có nhiều người ghi chép lại chuyện xưa của làng.

Là con dân của làng, chúng tôi mong có thêm nhiều câu chuyện xưa, như chuyện bức tranh thờ quý giá của dòng họ Phạm Đình, được ghi lại, để mỗi người dân Kẻ Bưởi nói riêng, du khách đến với Hồ Tây và thủ đô Hà Nội nói chung, sẽ thêm hiểu về tín ngưỡng, văn hóa của đất nghìn năm văn vật Thăng Long một thời, cũng như những nếp sinh hoạt đáng trân trọng, gìn giữ trong mỗi gia đình, dòng họ"...

Đi quanh hồ Tây là đi quanh một dòng văn hóa

Khẳng định việc tìm hiểu Hồ Tây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về "một bộ phận cơ bản của văn hóa Thăng Long - Hà Nội", trong cuốn sách "Mặt gương Tây Hồ" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, cố tác giả Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ: "Hồ Tây thực sự đã ghẹo bao du khách, vì vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá và mặt nước mây trời đổi thay từng giờ, từng lúc, vì những huyền thoại bao phủ lên các miếu cổ, chùa xưa, lại còn vì cả sự gợi cảm của các địa danh, địa điểm Thiên Phù, Trâu Vàng, Chùa Hang, Xác Cáo...

Theo thuật phong thủy, xung quanh hồ là cả một vùng đất mang nhiều hình dáng các vật linh: phía đền Quan Thánh là đất hình Phượng, phía Yên Ninh là hình Rồng, phía Quảng Bá là hình Rùa, phía Quán La là hình Ngựa, phía Ngũ Xã là hình Lân. Tất cả các "linh vật" này đều chầu về Hồ Tây. Hồ Tây là tâm điểm của một vùng "linh địa".

Nhà nghiên cứu nổi tiếng về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc đã điểm qua những con số thực sự ấn tượng quanh khu vực Hồ Tây: Có 21 ngôi đình đã được nhà nước xếp hạng, trong đó có 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá... Đúng như tác giả đánh giá, đây thực sự là vốn văn hóa vật thể quý báu.

Cùng với đó là những lễ hội dân gian đặc sắc, những làng nghề truyền thống... - niềm tự hào của Hà Nội ngàn năm. Tác giả nhấn mạnh tiềm năng du lịch của vùng hồ, giúp du khách không chỉ "để biết không gian văn hóa, mà còn được mở rộng cả thời gian văn hóa".

Chia sẻ cùng độc giả, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc bộc bạch: "Làm một vòng quanh hồ, không chỉ ngắm cảnh hồ đẹp, mây trời đẹp, đình chùa đẹp, mà còn là dịp trở về cội nguồn với Lạc Long Quân khi ông diệt hồ tinh, với ông trạng Lê Văn Thịnh và nghi án hóa hổ, với Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài, với Nam Đồng thư xã - một nhà sách tiến bộ vào năm 1926-1927, với bến đò Phú Xá, dải đất đầu tiên của Hà Nội được đón Bác Hồ...".

Quang Duy

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/buc-tranh-tho-cua-dong-ho-pham-dinh-584527/