Bức tranh tham nhũng trong lĩnh vực y tế ở Philippines

Một số bệnh viện công ở Philippines cho phép người thân của nhân viên y tế được khám chữa trước mà không phải lấy số, xếp hàng. Cái được gọi là 'quyền lợi' này trở nên nguy hiểm, khi một số nhân viên y tế lợi dụng việc nhận bệnh nhân là 'người nhà' để đổi lại các khoản tiền đút túi riêng.

Tham nhũng trong ngành y tế có hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Ảnh minh họa

Nghìn lẻ cách bác sỹ "nhận quà"

Tại Hội thảo toàn cầu lần thứ năm về Nghiên cứu Hệ thống Y tế (HSR 2018), vừa được tổ chức tại thành phố cảng Liverpool (Anh), đã có cuộc thảo luận sâu về tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Tại đây, các diễn giả chia sẻ những kết luận ban đầu về tình hình tham nhũng trong ngành y ở Bangladesh, Tanzania và Nigeria, chủ yếu dựa trên các nghiên cứu định tính.

Theo tạp chí Inquirer (Philippines), một điều thú vị, nhưng không quá ngạc nhiên, đó là thực tiễn tham nhũng trong y tế của 3 nước nêu trên có những nét tương đồng khi nhìn lại tình hình ở Philippines.

Ví dụ, một trong những thực tiễn phổ biến nhất mà nhóm nghiên cứu xác định là sự vắng mặt của các nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh, hoặc làm việc khác trong giờ hành chính. Các cán bộ nhân viên y tế của Philippines sẽ thấy chính mình trong các kết quả nghiên cứu về ngành y ở Bangladesh, Tanzania và Nigeria. Từ chuyện các nữ hộ sinh đóng cửa phòng khám trước giờ quy định, cho đến việc các bác sỹ thường xuyên vắng mặt tại các bệnh viện công.

Liên quan tới câu chuyện “vắng mặt” kể trên là hoạt động "giới thiệu", hay chuyển hướng bệnh nhân từ hệ thống khám chữa bệnh công sang hệ thống tư nhân. Ở Philippines, điều này không chỉ dừng ở những "lời khuyên" bệnh nhân đến các phòng khám tư mà còn là yêu cầu đi đến các hiệu thuốc cụ thể, đôi khi được sở hữu bởi chính các bác sỹ kê đơn.

Đằng sau những "lời giới thiệu", "lời khuyên", "yêu cầu" trên sẽ là những món quà "thanh toán không chính thức", hoặc "dưới ngăn bàn" dành cho các cán bộ, nhân viên y tế.

Một ví dụ cụ thể ở cấp địa phương là hệ thống mở rộng tại một số bệnh viện công, cho phép nhân viên y tế hưởng quyền lợi để các thành viên gia đình mình được khám chữa trước mà không phải xếp hàng theo thứ tự thông thường. Cái được gọi là "quyền lợi" của nhân viên y tế này sẽ trở nên báo động, khi một số nhân viên y tế lợi dụng việc tuyên bố bệnh nhân là "người nhà" để đổi lại các khoản tiền.

Ở một khía cạnh khác, trong lĩnh vực mua dược phẩm, thị trưởng và thống đốc là những người có quyền hạn lớn, và đã có rất nhiều báo cáo cho thấy giá thuốc bị thổi lên cao cũng như tồn tại những khoản lại quả, "hoa hồng" trong việc mua bán thuốc. Đây cũng là một dạng thức của tham nhũng.

Năm 2005, một bài báo của Trung tâm Báo chí Điều tra Philippines đã đưa ra số liệu ước tính, có tới 70% trong quỹ y tế của các địa phương bị mất vì tham nhũng.

Gian lận bảo hiểm

Một thực tiễn tham nhũng khác được chỉ ra trong báo cáo kết quả nghiên cứu tại HSR 2018 là vấn đề gian lận liên quan đến bảo hiểm. Điều này cũng được thấy ở Philippines.

Trong nhiều năm nay, ngành y tế Philippines nhận được nhiều khiếu nại về việc các bệnh nhân bị lôi kéo trải qua một phương thức nào đó, không vì mục đích chữa bệnh, mà chỉ để một số phòng khám có thể tăng doanh thu từ các bồi khoản của bảo hiểm xã hội, y tế từ Tập đoàn Bảo hiểm y tế Philippines (PhilHealth).

Các bác sỹ và công ty dược của Philippines được đánh giá là đã đạt được tiến bộ lớn trong việc tuân thủ Nguyên tắc Mexico City về Quy tắc Đạo đức Kinh doanh Tự nguyện trong lĩnh vực Sinh Dược (Mexico City Principles - được đệ trình tại Hội nghị APEC 2011), nhưng sau đó, bê bối Dengvaxia hồi cuối năm ngoái đã nhắc nhở đất nước này cần hành động nhiều hơn để bảo đảm lợi ích cá nhân, lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội không gây phương hại đến các quyết định liên quan đến sức khỏe, y tế cộng đồng. Tại bê bối này, hàng trăm nghìn trẻ em Philippines đã được tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết có tên Dengvaxia do Tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi Pasteur sản xuất, nhưng được cho là không bảo đảm an toàn...

Tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng trong ngành y tế có hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Tại Hội thảo HSR 2018, các giải pháp giải quyết nạn tham nhũng trong ngành y tế được đặc biệt quan tâm.

Một giải pháp mang tính bao quát được đề xuất là "quản trị thực nghiệm" - tên gọi để chỉ những cải cách cho lĩnh vực mang tính đặc thù. Thay vì giận dữ chống lại hệ thống hoặc bêu xấu các cá nhân cụ thể, giải pháp này yêu cầu trả lời câu hỏi: Các điều kiện dẫn đến các hành vi tham nhũng là gì? Có thể, nếu các bác sỹ được rèn luyện y đức nhiều hơn trong các trường y khoa về các tình huống trong thực tế, họ sẽ nhạy cảm hơn trước những xung đột lợi ích. Và có lẽ, nếu các cán bộ, nhân viên y tế được hưởng quyền lợi, ưu tiên dựa trên hiệu suất công việc, họ sẽ sẵn sàng tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo tạp chí Inquirer, chống tham nhũng trong ngành y tế Philippines cần thực hiện theo cả 2 cách: Giải quyết các cấu trúc cho phép tham nhũng; đồng thời, có thông điệp rõ ràng rằng, không có "vùng cấm" cho cả tội phạm lớn và nhỏ. Do hệ thống y tế đã riêng nó tạo thành một bức tranh đặc thù góp phần vào "văn hóa" tham nhũng, nên các nhà hoạch định chính sách trước hết cần tăng cường kiểm tra, thanh tra; trao quyền cho người bệnh - các công dân để họ có thể nhận diện và tố cáo tham nhũng ở mọi hình thức.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/buc-tranh-tham-nhung-trong-linh-vuc-y-te-o-philippines_t238c52n140417