Bức tranh tái hiện lại hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa

Bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu, một loại chất liệu bền đẹp lâu dài. Với cách bố cục, cấu trúc chặt chẽ giữa đường nét, màu sắc và ánh sáng. Với phương pháp tạo hình ấy, người xem tranh có thể hình dung đây là một đốm lửa đang nhen nhóm và bừng sáng thành bó đuốc lớn, tỏa sáng soi đường cho phong trào cách mạng ở Thanh Hóa.

Hội nghị quyết định thành lập Đảng bộ Thanh Hóa (29-7-1930) - tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai.

Mới đó, cũng đã 40 năm kể từ ngày tôi hoàn thành tác phẩm hội họa về hội nghị quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đầu tiên (29-7-1930). Năm nay kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ Thanh Hóa (29-7-1930 – 29-7-2020), tôi có vài suy nghĩ về quá trình sáng tác bức tranh lịch sử này.

Năm 1980, cùng với cả nước, Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-1980) và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 – 29-7-1980). Để tuyên truyền kỷ niệm những ngày trọng đại ấy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các cấp ủy đảng từ cơ sở đến tỉnh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Ngành văn hóa thông tin được tỉnh chỉ đạo xây dựng những chương trình có chất lượng cao như sáng tác văn học nghệ thuật, sân khấu, ca nhạc, thông tin cổ động, trong đó có mỹ thuật. Cuối năm 1979, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trịnh Ngọc Chữ mời đến gặp để bàn về việc tái hiện bằng tranh hội nghị quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh đầu tiên trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ: Hàm Hạ, Thiệu Hóa và Thọ Xuân. Hồi đó với trách nhiệm là Giám đốc Công ty Mỹ thuật Thanh Hóa và là một họa sĩ chuyên sâu về sáng tác chân dung, tôi đã đến gặp một số người làm sử và cơ quan lưu trữ lịch sử Đảng bộ tỉnh để thu thập tư liệu cho việc sáng tác tranh. Tôi đã tìm đọc khá kỹ lịch sử Đảng bộ nhưng các tư liệu đó cũng khái quát chứ không cụ thể. Theo cứ liệu lịch sử và tham khảo ý kiến của một số cán bộ lão thành có biết về sự kiện quyết định việc thành lập Đảng bộ tỉnh ở Yên Trường, Thọ Xuân để bổ sung cho việc nghiên cứu chọn lọc các nhận định sự kiện ấy nhiều chiều, qua đó có đủ niềm tin để tôi bắt đầu phác thảo tranh lần thứ nhất từ các cứ liệu chính thống.

Sau khi Đảng ta ra đời ngày 3-2-1930, Xứ ủy Bắc Kỳ đưa cán bộ về Thanh Hóa để phát triển tổ chức cơ sở đảng, xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Tháng 4-1930, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về Thanh Hóa bắt mối với những hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Thanh Hóa. Sau khi nhận nhiệm vụ của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về làng Hàm Hạ (Đông Sơn) bắt liên lạc với hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên ở làng Hàm Hạ và kết nạp 3 đồng chí Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 25-6-1930, với tư cách là cán bộ cấp trên, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp quyết định triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) - chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa. Sau khi thành lập Chi bộ Hàm Hạ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lên vùng Thiệu Hóa liên lạc với các hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên để tiếp tục làm nhiệm vụ thành lập chi bộ đảng tại đây. Ngày 10-7-1930, tại Nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến), hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam phủ Thiệu Hóa do đồng chí Nguyễn Doãn Chấp chủ trì, đã bầu đồng chí Vương Xuân Cát làm bí thư chi bộ. Ở huyện Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn kết nạp được 7 đồng chí vào Đảng. Ngày 22-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, Thọ Xuân, đã diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ Đảng huyện Thọ Xuân, đồng chí Lê Văn Sỹ được cử làm bí thư chi bộ.

Để đáp ứng yêu cầu thiết thực của phong trào đấu tranh cách mạng ở Thanh Hóa, ngày 29-7-1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được tổ chức tại Yên Trường, xã Thọ Lập, Thọ Xuân trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ Đảng: Chi bộ Hàm Hạ, Chi bộ Thiệu Hóa và Chi bộ Thọ Xuân. 11 đồng chí tham dự dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí Lê Thế Long được cử giữ chức Bí thư cũng là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Hội nghị đảng bộ đề ra 4 nhiệm vụ:

Một là, tích cực phát triển đảng viên trong số hội viên thanh niên và Tân Việt.

Hai là, xây dựng các tổ chức quần chúng như công hội đỏ, nông hội đỏ để thu hút quần chúng xây dựng phong trào đấu tranh cách mạng theo cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ba là, xây dựng cơ sở ấn loát truyền đơn, tài liệu của Đảng và phát hành tờ báo “Tiến lên” - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh nhằm tuyên truyền hướng dẫn tổ chức cho quần chúng đấu tranh cách mạng.

Bốn là, quy định Đảng phí, chế độ sinh hoạt và báo cáo với cấp lãnh đạo của Đảng.

Căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu của các sử gia kết hợp với tư liệu chính thống nói trên, điều quan trọng là phải tìm hiểu cụ thể về tuổi tác, dáng vóc, trang phục của những đảng viên trong 3 Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Thiệu Hóa và Thọ Xuân là một việc khó khăn đối với tôi. Để tránh bọn thám báo, Việt gian tay sai cho Pháp thời bấy giờ, hội nghị phải họp vào buổi tối và có người bảo vệ cẩn mật để hội nghị thành công. Trên vách tường nhà có treo lá cờ Đảng, tuy gian nhà hẹp nhưng bài trí cũng rất nghiêm trang. Hội nghị sắp xếp bàn họp và ghế ngồi của đại biểu được gia đình đồng chí Lê Văn Sĩ và một số đảng viên tự tạo lắp ghép hợp lý, ấm cúng, để bảo mật ngôi nhà được che chắn kín đáo, không cho ánh sáng đèn lọt ra ngoài. Các đại biểu trong hội nghị quây quần dưới ánh đèn bão chăm chú lắng nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí lãnh đạo cấp trên Nguyễn Doãn Chấp về sự cần thiết ra đời Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới và mở rộng tổ chức Đảng - một sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong không khí đầm ấm, lạc quan, tin tưởng, những ý kiến tham luận của các đại biểu đảng viên đã tỏ rõ sự quyết tâm đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Qua đó dấy lên khí thế quyết tâm để Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vượt mọi khó khăn, gian khó hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân trong tỉnh giao phó. Những tư liệu nói trên là cơ sở khoa học để tái hiện lại bức tranh có sức thuyết phục.

Sau khi hoàn thành bức tranh, lãnh đạo tỉnh đã duyệt cuối cùng, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo trao đổi với tôi là tác phẩm đạt yêu cầu cả về nội dung và nghệ thuật.

Bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu, một loại chất liệu bền đẹp lâu dài. Với cách bố cục, cấu trúc chặt chẽ giữa đường nét, màu sắc và ánh sáng. Với phương pháp tạo hình ấy, người xem tranh có thể hình dung đây là một đốm lửa đang nhen nhóm và bừng sáng thành bó đuốc lớn, tỏa sáng soi đường cho phong trào cách mạng ở Thanh Hóa chống Pháp, phong kiến, bè lũ tay sai cho thực dân Pháp. Bức tranh đã tái hiện lại hình ảnh hội nghị thành lập Đảng bộ đầu tiên ở Thanh Hóa. Tác phẩm tôi sáng tác từ cuối năm 1979 đến năm 1980 thì hoàn thành và đưa vào tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bức tranh “Hội nghị quyết định thành lập Đảng bộ Thanh Hóa đầu tiên” (29-7-1930) đã được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa phục vụ Nhân dân, du khách đến tham quan nghiên cứu. Báo Nhân dân cũng đã giới thiệu tác phẩm này ngày 4-3-2013.

Hoàng Hoa Mai

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/90-nam-dang-bo-tinh/buc-tranh-tai-hien-lai-hoi-nghi-thanh-lap-dang-bo-thanh-hoa/122297.htm