'Bức tranh' sau 10 năm sáp nhập

Trong 10 năm điều chỉnh địa giới, Hà Nội không ngừng tập trung cải cách nhiều lĩnh vực. Bằng nỗ lực không ngừng của thành phố và địa phương, Hà Nội đã đạt được những thành tựu nhất định. Trên tầm cao mới, một Hà Nội năng động, hiện đại đang vững bước trên con đường phát triển.

Sau 10 năm mở rộng địa giới, Hà Nội đã và đang có những bước phát triển, song vẫn còn không ít việc cần tiếp tục làm để tương xứng là một Thủ đô văn minh – hiện đại

Cuộc mở rộng lịch sử

Năm 2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII đã thông qua một quyết tâm chính trị cao trong việc mở rộng Hà Nội. Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được đặt lên bàn Quốc hội vì “hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao”. Dù có những tranh luận gay gắt về lý do cũng như hiệu quả, nhưng cùng với việc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Hà Nội được quyết định mở rộng.

Từ ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức được mở rộng và trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới. Cùng với đó, hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện, kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp... Không chỉ vậy, hạ tầng nông thôn đã được cải thiện, tập trung vào y tế và trường học. Ở nhiều địa phương, những công trình, dự án lớn đã làm cho nhiều vùng ven phát triển nhanh chóng.

Kể từ khi mở rộng địa giới, Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tăng sức hấp dẫn đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thành phố đã triển khai tổ chức bộ phận “một cửa”. Nhằm giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân, nhiều sở, ngành đã tích cực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ. Hàng năm, thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện rà soát, đề xuất rút thời gian, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết.

Sau khi được mở rộng, Hà Nội trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tính đến hết năm 2017, Hà Nội có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn thành phố có tới 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn được khởi sắc rõ rệt.

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính được tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, diện mạo nông thôn của Thủ đô có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên; khoảng cách đời sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dần được thu hẹp...

Nhiều dự án còn… dang dở

Sau khi sáp nhập, Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trường ĐH, CĐ tại vùng Thủ đô đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 12 trường ĐH, CĐ được đề xuất di dời như: Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng... và 11 cơ sở GD ĐH khác được đề xuất cải tạo như: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Giao thông vận tải... Nhưng cho đến hiện tại, hầu hết các trường ĐH, CĐ đó vẫn chưa được di dời khỏi nội đô do chưa có cơ sở hạ tầng, chưa được phân đất hoặc chỉ mới xây dựng được một vài công trình. Do vậy, dự án di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô để giảm tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực nội thành vẫn chưa có hồi kết.

Không chỉ vậy, sau 10 năm sáp nhập, Hà Nội còn tồn tại nhiều hạn chế như dự án chậm tiến độ, la liệt dự án treo. Dọc những con đường ra khu vực vùng ven đô, rất nhiều khu nhà liền kề, biệt thự được xây dở dang. Hàng loạt khu đô thị mới được phê duyệt ồ ạt ở các cửa ngõ Thủ đô như: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất... vẫn còn bị bỏ hoang hoặc “nằm trên giấy”... Nhiều vùng đất nông nghiệp bị xé nhỏ bởi hàng loạt các dự án, nhưng rất ít dự án hoàn thành đúng tiến độ. Những dự án ì ạch triển khai như vậy đã gây lãng phí, thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch, phát triển của Thủ đô...

Nhìn lại sự phát triển của Thủ đô Hà Nội sau 10 năm mở rộng, TP Hà Nội đã triển khai, làm được nhiều việc. Cấu trúc không gian Thủ đô đang từng bước được hình thành theo quy hoạch được phê duyệt. Hệ thống đường giao thông vành đai và hướng tâm đã hình thành tương đối đồng bộ. Hệ thống các khu đô thị mới được xây dựng với các công trình chung cư cao tầng đã thay đổi thói quen sinh sống của người dân Thủ đô.

Các huyện được chú trọng phát triển đô thị kết hợp với xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao đã tạo những thay đổi đáng kể cho các vùng nông thôn trước đây. Tuy nhiên, đối với một đô thị lớn như Hà Nội, kỳ vọng, mong muốn của người dân Thủ đô cũng như cả nước là lớn hơn nữa, để khắc phục được nhiều lĩnh vực còn ẩn chứa những dở dang. Vì vậy, chắc chắn còn nhiều việc cần phải làm, nhiều việc chưa đạt được, điều này cần từng bước chấn chỉnh và khắc phục.

“Từ khi huyện Thường Tín được sáp nhập vào Thủ đô, nhân dân trong huyện rất phấn khởi. Đời sống và mọi mặt của nhân dân trong huyện đã được nâng cao. Trong các lĩnh vực KT-XH, ngoài nguồn lực được đầu tư từ Thành phố, huyện cũng tích cực khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện Thường Tín đã thực hiện đấu giá đất theo quy định, đầu tư, xây dựng các dự án trường học, y tế... để địa phương trở nên văn minh, giàu mạnh hơn. Ngoài ra, quê hương Thường Tín cũng là vùng đất trăm nghề, nên địa phương cũng tập trung giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, sau 10 năm sáp nhập, địa phương vẫn chưa khai thác được hết những tiềm năng, lợi thế sẵn có và cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”- ông Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết.

Khánh Vân

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/buc-tranh-sau-10-nam-sap-nhap-3956731-b.html