Bức tranh sáng màu của kinh tế tỉnh Thanh Hóa 9 tháng năm 2019

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn ngày càng phức tạp; kinh tế trong nước phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, song cũng gặp không ít khó khăn thách thức do bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn gặp không ít những khó khăn riêng như: Tiến độ một số dự án lớn còn chậm; thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề ở một số huyện. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, cụ thể các giải pháp đề ra từ đầu năm; cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2019 tiếp tục có bước phát triển vượt bậc, tốt hơn so với cùng kỳ và dự báo cả năm sẽ hoàn thành kế hoạch, trong đó tăng trưởng tổng

Tàu hàng cập Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn. Ảnh: Lê Đồng

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 20,25%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, gấp 2,9 lần mức bình quân cả nước. Động lực cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm đến từ ngành công nghiệp, với hạt nhân là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; các ngành nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá...

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ; giá trị sản xuất ước đạt 92.824 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đóng góp lớn của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có sản lượng tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018, hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng khá như: Đường kết tinh (tăng 28,9%), thuốc lá bao (45,6%), quần áo may sẵn (20,8%), giầy thể thao xuất khẩu (17,7%), điện sản xuất (15,5%)... Lĩnh vực xây dựng có bước phát triển; 9 tháng tăng trưởng 8,3%, chiếm tỷ trọng 14,4% trong GRDP của tỉnh.

Các ngành dịch vụ tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 80.606 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu ước đạt 2.741 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ; toàn tỉnh hiện có 142 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 53 mặt hàng, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Hoạt động du lịch duy trì đà tăng trưởng, 9 tháng ước đón 9,02 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ, trong đó có 232.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,7%. Vận tải tăng trưởng khá, doanh thu toàn ngành ước đạt 7.557 tỷ đồng, tăng 10,9%; đã khai trương tuyến dịch vụ vận tải container quốc tế tại Cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội giao thương hàng hóa, dịch vụ, vận tải giữa tỉnh ta với khu vực và quốc tế; vận tải hàng không tiếp tục phát triển nhanh, có 4 hãng hàng không đang khai thác ổn định với tần suất 61 chuyến/tuần. Các dịch vụ về bưu chính - viễn thông, ngân hàng... tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạng lưới ngày một mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và sử dụng dịch vụ của người dân.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định và khá toàn diện. Giá trị sản xuất ước đạt 21.890 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực đạt 1,61 triệu tấn; đã chuyển đổi được 5.973 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Chăn nuôi tuy gặp khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn nhưng vẫn có bước phát triển, sản lượng thịt hơi tăng 0,2% so với cùng kỳ; sản lượng trứng tăng 3,6%; sữa tươi tăng 32,4%. Phát triển lâm nghiệp đạt kết quả tích cực, giá trị sản xuất tăng 7,5% so với cùng kỳ. Sản xuất thủy sản tăng khá, sản lượng ước đạt 135.000 tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 3 bậc so với năm 2017, xếp thứ 25 cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 9 bậc, xếp thứ 11 cả nước. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với một số tập đoàn. Tỉnh đã tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Nhật Bản, đặc biệt, đã tổ chức thành công đoàn công tác cao cấp của tỉnh thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Liên bang Nga, thiết lập quan hệ ngoại giao với tỉnh Tula. Trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 152 dự án đầu tư trực tiếp (11 dự án FDI), bằng 84,4% về số dự án so với cùng kỳ, nhưng số vốn đăng ký tăng cao, trong đó vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp trong nước tăng 23,6%, đạt 19.485 tỷ đồng và các dự án FDI tăng gấp 4 lần, đạt 175,4 triệu USD. Nhiều dự án quy mô lớn, đã được chấp thuận đầu tư như: Dây chuyền 1 xi măng Đại Dương (4.248 tỷ đồng), Dây chuyền 3 xi măng Long Sơn (3.400 tỷ đồng), thành phố giáo dục quốc tế tại TP Thanh Hóa (2.500 tỷ đồng), Nhà máy Intco Medical Việt Nam (120 triệu USD), Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Yên Định (877 tỷ đồng)... tạo ra những động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Huy động vốn đầu tư phát triển 9 tháng ước đạt 79.644 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 22.514 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước 42.774 tỷ đồng, tăng 9,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 14.356 tỷ đồng, tăng 35,9%. Đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số dự án lớn, quan trọng trên địa bàn như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn (giai đoạn 1), các dự án may mặc trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Quảng Xương...; khởi công xây dựng một số dự án lớn, như: Đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Nhà máy Sản xuất tất và áo lót cao cấp (Yên Định), Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (Nông Cống), Nhà máy giầy xuất khẩu Kim Việt (Nông Cống)... góp phần làm tăng thêm năng lực sản xuất, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Lĩnh vực đầu tư công được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được kết quả tích cực; giá trị khối lượng thực hiện 9 tháng ước đạt 5.556 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; giải ngân đạt 5.878 tỷ đồng, bằng 72,9% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 19.727 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, bằng 74% dự toán và tăng 47% so với cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa đạt 12.202 tỷ đồng, tăng 29%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.525 tỷ đồng, tăng 91%. Trong 9 tháng có 1.906 doanh nghiệp thành lập mới, xếp thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới và 645 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh lên 14.912 doanh nghiệp. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến tốt so với cùng kỳ đóng góp lớn vào thu ngân sách của tỉnh, nộp ngân sách Nhà nước khu vực doanh nghiệp 9 tháng đầu năm ước đạt 5.564 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng thu nội địa, tăng 63,8% so với cùng kỳ.

Những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 của tỉnh là tiền đề quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và cả giai đoạn 2016 - 2020, tạo động lực, sức lan tỏa tiến tới đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoàng Văn Hùng

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/buc-tranh-sang-mau-cua-kinh-te-tinh-thanh-hoa-nbsp-9-thang-nam-2019/109194.htm