Bức tranh sáng khu vực kinh tế nông nghiệp

Trong bối cảnh nhiều khó khăn của 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp vẫn được ghi nhận phát triển ổn định, mức tăng trưởng cao hơn kịch bản phát triển của tỉnh đề ra, cao hơn mức tăng trung bình toàn quốc và cao hơn cùng kỳ năm 2019. Kết quả này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, từ tỉnh, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người nông dân. Đây sẽ là cơ sở, lực đẩy, tạo nên chuyển động của sản xuất nông nghiệp, đưa ngành nông nghiệp toàn tỉnh về đích với mức tăng trưởng kỳ vọng đạt 3-5% vào cuối năm 2020.

Vụ vải này, nông dân Phương Nam thắng lớn.

Vụ vải này, nông dân Phương Nam thắng lớn.

Sức bật từ mức tăng trưởng 3,1%

Theo báo cáo của tỉnh, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm là 3,1%, vượt kịch bản phát triển mà tỉnh đề ra 0,2%, vượt so với tăng trưởng trung bình toàn quốc là 0,7% và vượt 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Các thông số cơ bản đạt được như 104.000 tấn lương thực, 11.000 tấn trái cây, 36.500 con trâu, 28.600 con bò, 266.000 con lợn, 3.800.000 con gà, 63.400 tấn thủy sản… Trong đó, ghi nhận là đàn bò tăng 4,5%, đàn gia cầm tăng 5,3%, tổng sản lượng thủy sản tăng 5%. Riêng ở lĩnh vực thủy sản, trong khi khai thác chỉ tăng 2,4% với tổng sản lượng 34.000 tấn, thì nuôi trồng tăng 8% với tổng sản lượng 30.700 tấn.

Kết quả này của ngành nông nghiệp đến từ việc đẩy diện tích lúa chất lượng cao lên 61,4% diện tích gieo cấy, tăng 6% so cùng kỳ năm 2019; đồng thời phát huy giá trị của 17 cánh đồng mẫu lớn chuyên lúa với diện tích canh tác là 746ha. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 6.900ha, tăng 6% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, các diện tích cây ăn quả đã được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, bao gồm 210ha na, 400ha vải, 140ha cam, bưởi, dưa lưới… mang lại năng suất, sản lượng, giá trị cao. Riêng vụ vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) năm nay là vụ vải thành công nhất khi đạt sản lượng 4.700 tấn quả, giá trị thực tế trên 110 tỷ đồng.

Chăm sóc cây trồng trong nhà tại cơ sở 188 Farm Mạo Khê, Đông Triều.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, việc chuyển dịch từ con lợn sang các vật nuôi khác, nhất là con gà, bò cho thấy sự chủ động của người dân. Trong tổng đàn gà thời điểm này của tỉnh, huyện Tiên Yên chiếm gần 350.000 con, nằm trong 7 trang trại lớn và gần 5.300 hộ nuôi nhỏ; số mô hình nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là 24, tăng 50% so với năm 2019.

Đàn bò tăng trong dân và một số doanh nghiệp lớn, trong đó nổi bật là tại Công ty TNHH Phú Lâm. 6 tháng qua, doanh nghiệp này đã kịp nhập 2 đợt bò từ Úc với tổng đàn gần 11.000 con, số lượng tổng đàn lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đến nay. Dự kiến trong quý III tới đây, Phú Lâm tiếp tục nhập đợt bò thứ 3 trong năm, nâng tổng đàn lên 18.000 con.

Từ quan điểm lấy hiệu quả chăn nuôi làm lợi ích, Phú Lâm mở rộng vùng nguyên liệu cỏ voi, ngô đông lên 200ha, năng suất từ 200-240 tấn/ha/năm; xây dựng nhà máy chế biến, pha trộn thức ăn công suất lớn; xây dựng hệ thống hầm ủ chua dự trữ thức ăn, đủ nguồn thức ăn cho 40.000 con bò; đầu tư dây chuyền xử lý chất thải thành hàng hóa. Mới đây nhất, Phú Lâm đã đầu tư khu giết mổ gia súc lớn tập trung công suất 150 con/ngày để đáp ứng chiến lược phát triển xuất bán thành phẩm thay vì chỉ xuất nguyên con.

Công ty TNHH Phú Lâm hiện có gần 11.000 con bò, đạt số lượng tổng đàn lớn nhất từ trước đến nay.

6 tháng đầu năm cũng là thời điểm thắng lợi của các doanh nghiệp nuôi lợn quy mô lớn, phòng chống được dịch bệnh. Đơn cử đối với Công ty Thiên Thuận Tường đã có 650 lợn nái sinh sản ngoại thuộc các giống của Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đài Loan; xuất bán được gần 70.000 con lợn giống và gần 3.000 tấn lợn thương phẩm. Trong lĩnh vực thủy sản, ngoài việc tăng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng thì điểm nhấn chính là việc các doanh nghiệp kịp thời thu mua, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã rất chủ động hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu chính ngạch...

Thêm hành lang phát triển

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, xét một cách tổng thể, kết quả của sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh 6 tháng đầu năm đến từ sự chuyển dịch đúng hướng, lấy thủy sản làm hoạt động sản xuất trọng yếu, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, lấy sản xuất tập trung, có liên kết và tăng hàm lượng khoa học làm chủ đạo. Đây cũng là nền tảng để các ngành sản xuất thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt của Quảng Ninh những tháng cuối năm tiếp tục phát triển bền vững, tạo nên sự cộng hưởng để ngành nông nghiệp tỉnh nhà tăng trưởng lớn hơn, đạt mục tiêu đề ra.

Mô hình dưa lưới Đầm Hà hiện phát triển tốt.

Hiện nay, trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đều có sự chuyển động mạnh theo hướng tăng giá trị. Đối với lĩnh vực thủy sản, xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng được nhân rộng. Với sự có mặt của những doanh nghiệp tiềm lực, mô hình nuôi tôm đang được nâng chất từ công nghệ nuôi bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp sang nuôi công nghệ cao với 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, 3 giai đoạn trong nhà… Được biết, hiệu quả sản xuất của các mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà hiện được tính với 9 vụ nuôi, sản lượng trên 200 tấn/ha/năm. Riêng khu vực miền núi đang đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn cây trái, mô hình vườn mẫu, mở ra hướng phát triển mới cho hàng ngàn ha vườn, đồi thấp đang kém hiệu quả hiện nay.

Bức tranh sáng của nông nghiệp Quảng Ninh những tháng cuối năm còn được kỳ vọng bởi hiện nay làn sóng doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp tỉnh nhà đang được đẩy mạnh, tạo nên những chuyển biến nhảy vọt. Tiêu biểu nhất là huyện Đầm Hà đang thu hút thêm Tập đoàn TH true Milk, khởi động dự án nuôi biển của Bộ NN&PTNT…

Cùng với những chuyển động trên, nông nghiệp Quảng Ninh còn đón nhận những tin mừng khi các chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi; chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ… được triển khai. Đặc biệt một số chính sách hỗ trợ về rừng như trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chứng chỉ rừng, trồng cây bản địa, chế biến gỗ giá trị cao được tỉnh thông qua, qua đó lâm sản có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, người làm rừng thu lợi lũy kế, hoàn toàn sống khỏe và giàu có từ rừng.

Thu hoạch dưa lưới tại HTX Hương Việt (Uông Bí)

Ông Nguyễn Hữu Giang nhấn mạnh: Những chính sách mới về nông nghiệp trong nửa cuối năm 2020 này chính là hành lang, xương sống cho toàn ngành nông nghiệp phát triển, tạo sức bật cho nông nghiệp không chỉ trong năm 2020 mà cả giai đoạn 5 năm tới đây, góp phần đưa vị thế của ngành nông nghiệp Quảng Ninh bước lên tầm cao mới.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/buc-tranh-sang-khu-vuc-kinh-te-nong-nghiep-2491975/